Vết thương thứ hai

Nếu không kịp thời ngăn chặn, thì vết thương thứ hai - vết thương tinh thần, vết thương văn hóa - sẽ còn sâu và khó chữa hơn cả vết thương từ con tàu bị lật.

Vụ tàu du lịch bị lật ở vùng biển Hạ Long, Quảng Ninh đã để lại vết hằn sâu trong cảm xúc của người dân cả nước. Mỗi hình ảnh từ hiện trường - những người mẹ run rẩy gào tên con, những ánh mắt thất thần hướng về phía biển, những người lính cứu hộ chạy đua với thời tiết tìm kiếm nạn nhân - khiến trái tim bất kỳ ai chùng xuống. Đó là nỗi đau thật, là mất mát thật, không lời nào khỏa lấp nổi.

Thế nhưng, đau lòng thay, ngay khi những dòng tin đầu tiên chưa kịp lắng xuống, một vết thương thứ hai đã âm thầm xuất hiện. Không phải trên thân thể ai đó, mà trên lương tri xã hội, nơi sự cảm thông bị xuyên thủng bởi những clip giả mạo, những dòng trạng thái câu tương tác, những gương mặt vô cảm dựng nên các video "giả hiện trường" để giành lấy sự chú ý trong cơn sốt thông tin.

Tàu du lịch 48QN-7105 được lai dắt về bờ. Ảnh: Minh Thu

Tàu du lịch 48QN-7105 được lai dắt về bờ. Ảnh: Minh Thu

Khi nỗi đau thật bị làm giả, thì vết thương lan rộng khắp cả mạng xã hội, len vào từng thiết bị cầm tay, từng góc tối của nền tảng số, nơi đồng cảm bị thay thế bởi thói hiếu kỳ, nhân văn bị đánh tráo bởi nhãn “viral”, và sự thật bị bóp méo để chiều lòng những cú click lạnh lùng.

Không phải lần đầu. Nhưng mỗi lần đều đau!

Từ các vụ tai nạn giao thông, cháy nổ, sập mỏ, lũ lụt... đâu đó luôn có những “thợ dựng bi kịch” tranh thủ “tạo content”. Bằng công nghệ chỉnh sửa video đơn giản, họ có thể mô phỏng tiếng gào khóc, dựng hình ảnh người chìm dưới nước, ghép vào các câu chuyện giật gân rồi phát tán lên các nền tảng số. Trong vài giờ, hàng trăm nghìn lượt xem, hàng nghìn bình luận. Họ đếm view. Họ cười thầm. Họ gặt hái "thành công ảo" từ chính bi kịch thật.

Có thể với họ, đó chỉ là một “chiến lược nội dung”. Nhưng với người thân của các nạn nhân, đó là sự chà đạp lên nỗi đau, xoáy vào vết thương chưa kịp se miệng.

Có thể với họ, mạng xã hội là trò chơi. Nhưng với những người đang tin vào báo chí, vào thông tin trung thực, vào lòng nhân ái cộng đồng, đó là sự phản bội niềm tin.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự thật không chỉ bị che mờ bởi tin giả, mà còn bị thay thế bằng "giả sự thật", thứ được ngụy trang bằng hình ảnh, âm thanh, cảm xúc vay mượn, nhưng mục tiêu chỉ là tương tác, lợi nhuận và sự nổi tiếng nhất thời.

Không thể không tự hỏi: Văn hóa đang đi về đâu khi giữa thảm họa vẫn có người đặt máy quay trước khi đặt tay cứu giúp? Khi giữa những tiếng kêu cứu, vẫn có người chọn ghép nhạc nền “kinh dị” để câu like?

Đó không chỉ là sự xuống cấp đạo đức cá nhân. Đó là sự lệch chuẩn văn hóa đang diễn ra âm thầm và nguy hiểm, khi ranh giới giữa thật và giả bị xóa nhòa, khi lòng trắc ẩn bị tê liệt, khi cộng đồng đánh mất khả năng phản ứng trước sự phi nhân tính.

Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng văn hóa trong thời đại số. Nó không đến bằng súng đạn. Nó không ầm ĩ như các cuộc khủng hoảng truyền thống. Nó lặng lẽ xâm nhập từ những cú nhấp chuột, từ những chia sẻ vô thức, từ việc chúng ta bỏ qua những nội dung độc hại chỉ vì “không liên quan đến mình”.

Nếu không kịp thời ngăn chặn, thì vết thương thứ hai - vết thương tinh thần, vết thương văn hóa - sẽ còn sâu và khó chữa hơn cả vết thương từ con tàu bị lật. Và đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ bị nhấn chìm trong một đại dương giả tạo, nơi mọi thứ đều có thể bị làm giả, kể cả lòng người.

Đã đến lúc không thể chỉ hô khẩu hiệu “chống tin giả” hay “bảo đảm an toàn thông tin”. Cần một hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn để xử lý các hành vi sản xuất, phát tán, lợi dụng nỗi đau làm nội dung câu tương tác. Luật An ninh mạng, Luật Báo chí, Luật Giao dịch điện tử… phải có quy định cụ thể hơn về việc xử phạt hành vi giả mạo nội dung thảm họa. Cần sự vào cuộc nghiêm túc từ các nền tảng số, không thể để thuật toán tự do lan truyền video giả mạo.

Chúng ta phải dạy trẻ em biết phản ứng đúng với nội dung trên mạng: biết nhận diện sự thật, biết chia sẻ có trách nhiệm, biết cảm thông thay vì cười cợt. Và quan trọng hơn cả, mỗi người phải trở thành người gác cổng lương tri của chính mình.

Khi một con tàu bị lật, người ta có thể trục vớt. Nhưng khi một xã hội trôi dạt vào vùng xám của cảm xúc giả, đạo đức giả, thì rất khó để quay đầu nếu không có bản lĩnh văn hóa dẫn lối.

Văn hóa, nếu không giữ được bản chất là lòng nhân ái, sự tử tế và lòng trắc ẩn, thì dù có chương trình, có chiến lược, có chỉ thị… cũng chỉ là khung rỗng.

Cần ngăn chặn từ gốc - không chỉ xử lý người tung video giả, mà cần thay đổi nhận thức xã hội rằng: không ai có quyền mượn đau thương để trục lợi!

Cần lên tiếng mạnh mẽ - không phải để chỉ trích những cá nhân, mà để kêu gọi một tinh thần văn hóa mới cho thời đại số, nơi công nghệ phục vụ con người, chứ không phải làm mờ đi tính người.

Vết thương thứ hai - khi nỗi đau thật bị làm giả - chính là lời nhắc nhở chúng ta: Văn hóa không phải là thứ nằm trên giấy, mà nằm trong từng hành vi nhỏ, trong mỗi quyết định giữa lằn ranh thật - giả, đúng - sai!

Bùi Hoài Sơn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/vet-thuong-thu-hai-10380605.html