VFF chọn phó chủ tịch tài chính chỉ để 'đủ mâm bát'?
Tiêu chí ứng viên không được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, việc đề cử nhân sự giới hạn ở các tổ chức thành viên trong khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không chủ động 'đánh tiếng' mời người giỏi. Kết quả là danh sách ứng cử ghế phó chủ tịch tài chính ở đại hội sắp tới, các gương mặt đều rất thiếu sức sống.
Nếu so với tiêu chuẩn “phải biết kiếm tiền” do chính Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nêu trước kỳ đại hội 8 hai năm trước thì các ứng viên ghế Phó Chủ tịch tài chính VFF đều không thực sự nổi bật. Cụ thể theo giới thiệu từ các tổ chức thành viên, có tổng cộng 6 ứng viên, gồm: Phó Chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPF Trần Anh Tú, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam gắn với tên tuổi tập đoàn Berjaya tại Việt Nam, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Động lực Lê Văn Thành và Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cacao Việt Nam Trần Văn Liêng.
Ba người đầu tiên đã xin rút lui, danh sách ứng cử vì vậy chỉ còn 3 người. Trong số đó ông Nguyễn Hoài Nam từng thất bại ở kỳ bầu cử đại hội 8. Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn từng kiêm cả công tác tài chính ở VFF khi nguyên Phó Chủ tịch Cấn Văn Nghĩa rút lui hơn 1 năm qua và cơ bản mọi thứ từ đó tới nay khá ổn.
VFF từng dự tính chỉ bầu bổ sung ghế phó chủ tịch tài chính vào cuối năm nay và chỉ đẩy nhanh tiến độ khi diễn biến dịch COVID-19 ảnh hưởng tới bóng đá. Chủ tịch VPF Trần Anh Tú thực tế được đánh giá là ứng viên có sức nặng nhất khi được sự ủng hộ từ nhiều tổ chức thành viên, lại có nền tảng tài chính tốt. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tú đang nắm các trọng trách ở VPF, và nội bộ Thường trực VFF cũng có ý kiến thuyết phục ông Tú rút lui để “nhường” các ứng viên khác.
Kế hoạch bầu chọn phó chủ tịch tài chính thực tế là nội dung quan trọng và được quan tâm nhất ở đại hội thường niên ngày 8/8 tới. Tuy nhiên, so với các lần bầu bán trước đây, lần này VFF tiến hành khá nhanh gọn. Nhưng vì thế cũng có cái dở.
Tiêu chí ứng viên không được VFF công khai rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Thay vì chủ động mời những nhân vật tầm cỡ trong giới kinh doanh, VFF gói gọn việc đề cử từ các tổ chức thành viên và thậm chí cũng không bắt buộc ứng viên có đề án tranh cử hoặc chương trình hành động nếu trúng cử để ràng buộc trách nhiệm.
Nhìn vào 3 ứng viên còn lại ở đại hội thường niên sắp tới của VFF, giới hâm mộ bóng đá rõ ràng có lý do để lo lắng. Ông Lê Văn Thành và Phạm Thanh Hùng đang là trưởng, phó ban tài chính VFF, riêng ông Thành kiêm chức Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền. Tình hình tài chính của môn bóng chuyền nhiều năm qua vốn chẳng mấy sáng sủa, nếu không muốn nói là khá khó khăn. Qua nhiều kỳ tranh ghế Phó chủ tịch tài chính VFF nhưng ông Lê Văn Thành đều thất bại, gần nhất là trước ông Cấn Văn Nghĩa ở đại hội 8.
Ông Phạm Thanh Hùng mới đây khá “mất điểm” khi Quảng Ninh đang trong cuộc đua vô địch bất ngờ đẩy đi 3 cầu thủ rất quan trọng với đội cho Hải Phòng, gồm Fagan, Mạc Hồng Quân và Nghiêm Xuân Tú. Cổ động viên Quảng Ninh thất vọng tới độ có những người tuyên bố rút khỏi Hội CĐV, dù đã nhiều năm đi theo đội bóng.
Nhiều người đánh giá nếu sắp tới ông Phạm Thanh Hùng trúng cử rồi biết đâu VFF lại phân công sang hỗ trợ VPF phát triển V-League thì thật tréo ngoe. Doanh nhân Trần Văn Liêng là cái tên khá mới trong giới bóng đá, lại không thực sự tầm cỡ nên sẽ khá vất vả để thuyết phục các thành viên VFF.
Cuối cùng là bất chấp dư luận đã đề cập khá nhiều, không có dấu hiệu nào cho thấy VFF dám mạnh dạn mở cửa đại hội thường niên sắp tới để dư luận theo dõi như đại hội 7. Một bước lùi về sự công khai, minh bạch và dũng cảm nhưng có vẻ như VFF đã quyết lùi rồi thì cứ lùi tiếp cũng không sao.