VGTA: Doanh nghiệp cần 20 tấn vàng nguyên liệu mỗi năm nhưng không được nhập
Theo lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu hiện nay của các doanh nghiệp ít nhất là 20 tấn mỗi năm, nhưng từ năm 2012 đến nay, chúng ta không nhập khẩu một lượng vàng nào theo con đường chính thống, nên rất khó ngăn cản được xu hướng buôn lậu vàng.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), thời gian qua, Hiệp hội này đã khảo sát, tổ chức nhiều hội thảo, đồng thời cũng đã có cuộc làm việc với Hội đồng Vàng Thế giới.
Theo đó, đều khẳng định rất rõ là các nước trên thế giới, kể cả các nền kinh tế lớn, các ngân hàng Trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng, bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường.
Các ngân hàng Trung ương ở các nước chỉ có vai trò dự trữ quốc gia, điều phối vàng như là một tài sản để dự trữ quốc gia.
Trong khi đó, tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) lại quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Theo ông Hùng, Nghị định 24 đã phát huy trong thời điểm mà thị trường vàng có những lộn xộn. Tuy nhiên, đến bây giờ, chúng ta vẫn duy trì việc độc quyền SJC sẽ dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng.
Ông Hùng cũng chỉ ra một thực tế khác là khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới thì chúng ta xuất khẩu cũng không được. Bởi vì từ năm 2012 đến nay sau khi có Nghị định 24, việc xuất khẩu vàng dưới 90% mới không phải chịu thuế, còn trên 90% phải chịu thuế. Vừa rồi có thay đổi từ 95% trở lên mới chịu thuế xuất khẩu là 1%.
“Mức thuế 1% giá xuất khẩu vàng trang sức thì chi phí rất lớn với các doanh nghiệp dẫn đến không thể xuất được, chưa nói tới việc giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới thì càng không thể xuất được rồi” – ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho rằng, việc chênh lệch giá vàng quốc tế với giá vàng trong nước quá lớn trong khi không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu chính thống sẽ tạo thúc đẩy việc buôn lậu vàng.
Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp khi đang thực hiện việc sản xuất kinh doanh vàng trang sức có nhu cầu về vàng nguyên liệu cũng không biết mua ở đâu và mua trôi nổi trên thị trường sẽ rất là rủi ro về mặt pháp luật.
“Theo tổng kết của Hội đồng Vàng Thế giới thì nhu cầu thực tế có những thời gian Việt Nam nhập cao nhất 60 tấn vàng, còn nhu cầu hiện nay (không tính để sản xuất vàng miếng) ít nhất cũng cần 20 tấn vàng nhập khẩu mỗi năm. Nhưng từ năm 2012 đến nay, chúng ta không nhập khẩu một lượng vàng nào theo con đường chính thống.
Chính vì thế, khó tránh khỏi xu hướng buôn lậu và hậu quả của nó là chảy máu ngoại tệ. Nhà nước khó kiểm soát hết được, đồng thời các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức cũng gặp rủi ro trong việc mua bán vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường” – ông Hùng nói.
Thứ hai, ông Nguyễn Thế Hùng chỉ ra một thực tế là chúng ta đang làm một quy trình ngược, tức là mua vàng tiêu chuẩn quốc tế 9999 về sản xuất ở Việt Nam để nội địa hóa bằng vàng SJC. Nhưng khi có nhu cầu xuất khẩu vàng nguyên liệu ra nước ngoài thì vàng SJC đó lại không được công nhận là vàng tiêu chuẩn quốc tế mà phải coi như vàng nguyên liệu.
Ông Hùng cũng cho rằng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân mua bán vàng miếng, tích trữ vàng miếng là rất đúng đắn và chúng ta cần phải bám sát theo chủ trương này để có biện pháp.