Vị Chánh án chủ động ứng dụng 'sức mạnh 4.0' vào hoạt động Tòa án
Đã hơn 36 năm công tác trong ngành, được bầu làm Thẩm phán TAND Châu Đốc khi còn rất trẻ, ông La Hồng (Chánh án TAND tỉnh An Giang) vẫn luôn không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập nâng cao năng lực lãnh đạo và trình độ chuyên môn.
Bí quyết tránh những cám dỗ
Ông Hồng chia sẻ, Tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, là cơ quan xét xử duy nhất của Nhà nước; nên cán bộ tòa án có thể phải đối mặt với những cám dỗ trong công tác hàng ngày. Để tránh xa được những cám dỗ, chỉ có bản thân mỗi người phải tự vượt qua. “Đặc biệt khi đã là đảng viên, là Chánh án, là vị trí mà cá nhân đã phấn đấu, rèn luyện không ngừng; được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng; thì không thể đánh đổi bằng vật chất”, ông Hồng nói.
Trong xét xử các vụ án hình sự, ông Hồng đã lãnh đạo cơ quan xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng luật, không có trường hợp nào kết án oan và không để lọt tội phạm, nhất là với những vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Ông cũng thường xuyên chỉ đạo, điều hành đơn vị quan tâm tổ chức phiên tòa lưu động các vụ án điểm, góp phần tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân; tác động tích cực đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Ông và lãnh đạo đơn vị cũng luôn có tinh thần cầu thị, nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm với những án bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán. Chính vì vậy, thời gian qua việc xét xử tại TAND An Giang ngày càng được nâng cao về chất lượng, tạo niềm tin trong nhân dân.
Ông Hồng tâm sự: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xét xử, ranh giới giữa cái đúng - cái sai, ngoài nắm bắt áp dụng các quy định pháp luật, có khi chỉ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm và lý trí giúp người thẩm phán phân biệt được, đặc biệt trong các vụ án dân sự”. Sau mỗi vụ án, ông thường nhìn nhận đánh giá lại quá trình xử án.
Ông cũng luôn dành thời gian tiếp dân, lắng nghe những yêu cầu, những bức xúc, từ đó nhìn nhận lại cách ứng xử của người thẩm phán cần có sự điều chỉnh kịp thời hay không? Trước những bức xúc của dân, nếu vẫn có thể giải đáp, ông luôn sẵn sàng đối thoại để dân hiểu rõ, tăng khả năng nhận thức về pháp luật cho mọi người.
Từ việc nêu gương tiếp xúc trực tiếp với dân bằng tinh thần trách nhiệm, biết lắng nghe, thấu hiểu, giải thích; các cán bộ ngành Tòa án tỉnh An Giang đã giải quyết thấu đáo yêu cầu của các đương sự trong phần lớn các vụ án.
Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin
Không chỉ nỗ lực nâng cao công tác chuyên môn, là người có tinh thần cầu tiến, Chánh án TAND An Giang đã quyết tâm đưa công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Ngay từ năm 2012, với gần 30 ngàn hồ sơ vụ án của TAND tỉnh An Giang, ông Hồng cho đánh số mỗi hồ sơ và nhập số bản án; họ, từ đệm, tên bị cáo, đương sự vào file Excel, sắp xếp hồ sơ theo số đã định. Nhờ vậy, giúp cho công tác khai thác hồ sơ theo yêu cầu trích lục lý lịch tư pháp, yêu cầu của đương sự; từ thời gian 7 ngày, còn đến tối đa 2 tiếng đồng hồ. Người dân rất ủng hộ hoạt động này. Động thái còn thể hiện sự đổi mới, đồng thời phòng ngừa được hành vi vòi vĩnh, tiêu cực.
Ông Hồng còn cùng với lãnh đạo đơn vị nhanh chóng đưa phần mềm “Thông tin quản lý điều hành” vào hoạt động của TAND hai cấp trong tỉnh. Phần mềm này giúp Chánh án chỉ đạo kịp thời đến gần 300 cán bộ, công chức ngành Tòa án. Mọi hoạt động xử lý của Chánh án đều vận hành trên máy tính, đảm bảo sự quản lý dù đi công tác ngoài cơ quan, tiết kiệm kinh phí.
Trong tin học, ông Hồng còn đề xuất đầu tư trang bị máy chủ và nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm tin học Tỉnh ủy, xây dựng cho TAND tỉnh trang web “Thông tin dữ liệu dùng chung”. Tất cả hoạt động nghiệp vụ của Thẩm phán, Thư ký; từ khâu thụ lý đầu vào, thực hiện các thủ tục tố tụng với trên 2.000 biểu mẫu cho tất cả các loại vụ việc; đều theo mẫu thống nhất. Thẩm phán, Thư ký rất thuận tiện trong công việc khi sử dụng phương thức này.
Khi biết Trung tâm tin học TAND Tối cao thí điểm sử dụng trang web giám sát thẩm phán cho TAND Cấp cao, TAND Hà Nội, Hà Tĩnh và Quảng Ninh, ông Hồng đã đến TAND Hà Nội tham quan, học tập kinh nghiệm. Sau đó, ông liên hệ, đề xuất, được Trung tâm tin học TAND Tối cao cho thí điểm. Quá trình sử dụng, ông Hồng đã đóng góp nhiều ý kiến cho việc sửa đổi, hoàn thiện chương trình để tiến tới phổ biến trong hệ thống Tòa án toàn quốc.
Là Bí thư Ban Cán sự Đảng TAND An Giang, ông Hồng cùng chủ động xây dựng lịch công tác năm, quy định thời gian họp lãnh đạo, lãnh đạo mở rộng, họp Ủy ban Thẩm phán, họp trực tuyến với Tòa án cấp huyện, họp sơ kết, 6 tháng; quy định cụ thể thời gian họp xét tha tù trước hạn có điều kiện, miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong năm, tổ chức các sự kiện của cơ quan. Kế hoạch được gửi đến toàn thể cán bộ, công chức Tòa án hai cấp để chủ động bố trí lịch làm việc phù hợp.
Ông Hồng cũng luôn khuyến khích, động viên cán bộ công chức, người lao động trong cơ quan tham gia các khóa học, khóa đào tạo nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn, năng lực bản thân để thực hiện nhiệm tốt hơn. Đến nay, ngành Tòa án An Giang đã có 65/265 cán bộ, công chức có trình độ thạc sĩ. Mỗi tháng ông Hồng tổ chức 2 kỳ trao đổi chuyên đề nghiệp vụ cho Thẩm phán, Thư ký tòa toàn tỉnh.
Ngay từ năm 2012, với gần 30 ngàn hồ sơ vụ án của TAND tỉnh An Giang, ông Hồng cho đánh số mỗi hồ sơ và nhập số bản án; họ, từ đệm, tên bị cáo, đương sự vào file Excel, sắp xếp hồ sơ theo số đã định. Nhờ vậy, giúp cho công tác khai thác hồ sơ theo yêu cầu trích lục lý lịch tư pháp, yêu cầu của đương sự; từ thời gian 7 ngày, còn đến tối đa 2 tiếng đồng hồ.
Với những nỗ lực không ngừng, Chánh án TAND tỉnh An Giang La Hồng vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007 vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ 2002 - 2006, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2015, ông vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Ông Hồng cũng được tặng nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND An Giang vì thành tích xuất sắc trong các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.