Vì con khóc đến bao giờ…

80 tuổi, bà Thương giờ chẳng khác nào sợi 'chỉ mành treo chuông' vậy mà bà chưa có lấy một ngày an yên cũng chỉ vì thằng con quý tử. Thiên hạ có thể quay lưng, có thể 'chối bỏ' nhưng đó là con bà, làm sao bà có thể…

Thực tình, bà Nguyễn Thị Thương cũng không biết nên làm thế nào, biết nói gì đối với đứa con trai của mình vào lúc này. Nước mắt của bà dường như cũng vì đứa con này mà trở nên khô cạn. Nhưng hôm nay với bà là “ngoại lệ”, bà nói “gặp mặt lần này định sẵn bà đã hết cơ hội để chờ đợi con trai” cho nên bà cứ thế mặc sức rơi nước mắt.

Con trai bà là Cao Tiến Thuận (SN 1968, trú xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An), một trong hai bị cáo trong vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” mà TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử. Không ít lần bà ngửa đầu than trời, cớ sao lại cho bà sinh ra một đứa con khiến bà khổ sở như thế. Nhưng rồi bà lại tự vấn lương tâm, phải chăng kiếp trước bà “nợ cả thế giới” nên kiếp này bà phải trả. Đó, thực không phải là lý do nhưng cơ bản bà tự “lừa mình” lấy làm giải đáp để còn động lực sống tiếp. Bà Thương đã khá quen với cảnh trước mắt bởi vì đây là lần thứ 3 Cao Tiến Thuận ra tòa. Nói là cảnh quen nhưng lòng bà lại chẳng thể nào quen được, bởi vì sự đớn đau cứ theo đó nhân lên.

Khi quỹ thời gian không còn hào phóng với bà Thương, bà lại tham lam ước, bà muốn mình có thể sống thêm nhiều hơn 20, 30 năm để có thể chờ đến ngày đón Thuận trở về như hai lần trước đó. Nhưng sự thật, bà đã 80 tuổi, sức khỏe của bà đang ở “bên kia con dốc”, bà còn lại bao nhiêu ngày để có thể chờ, có thể đợi. Công bằng mà nói, ở tuổi 80 này đáng ra bà Thương phải có cuộc sống an nhàn, hưởng phúc bên con cháu, nhưng bà cũng vì một đứa con trai bất hảo như Thuận mà cuộc đời đầy rẫy những lay lắt, bi thương.

Nói về Thuận, đôi mắt mờ đục của bà Thương lại đỏ ngàu lên, miệng không tự chủ mếu máo, nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ xô lại đè lên nhau. Là đứa con trai duy nhất nên bà Thương đã đặt hết niềm hy vọng vào Thuận, vậy nhưng học hết lớp 12, Thuận bỏ bê chuyện học hành, sa vào yêu đương rồi đòi lấy vợ. Khi bạn bè còn theo đuổi những ước mơ, Thuận đã làm cha ở tuổi 19. “Nghèo nàn” về kinh nghiệm sống, tính hiếu thắng đậm chất trẻ con là nguyên nhân khiến cuộc sống vợ chồng Thuận “lăn vòng” trong cãi vã.

Năm 1990, khi mới 22 tuổi, Cao Tiến Thuận bị Tòa án quân sự Quân khu 4 tuyên phạt 16 năm tù về tội "Phá hủy công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia". Vốn có quá nhiều bất đồng, mâu thuẫn, việc Thuận vào tù “như giọt nước tràn ly” khiến sức chịu đựng của vợ Thuận đã chạm điểm đáy. Cô lựa chọn ôm con ra đi, đến năm 1997, vợ chồng Thuận ly hôn khi Thuận vẫn đang thụ án trong trại giam.

Năm 2000, sau khi ra tù, Thuận kết hôn với một người phụ nữ cùng tuổi nhưng cuộc hôn nhân này cũng chẳng duy trì được lâu, năm 2002, vợ chồng Thuận lại đường ai nấy đi. Lần đổ vỡ này khiến cuộc đời Thuận trở nên bi quan. Thuận cho rằng thế giới này đều quay lưng với anh ta, hạnh phúc không thể giữ, công việc không thể kiếm, cuộc đời vốn dĩ đã thất bại ngay từ đầu. Thiếu tự tin vào bản thân, bất mãn với cuộc sống, Thuận buông xuôi tất cả, rồi bập vào ma túy. Năm 2003, Thuận một lần nữa vào tù, lần này phải mất 15 năm cho hai tội danh "Mua bán trái phép chất ma túy" và "Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy".

Mãn hạn tù, Thuận nhanh chóng có vợ mới. Bà Thương vừa mừng vừa lo, bà mừng vì ít ra Thuận còn có thể một lần nữa tìm được hạnh phúc cho riêng mình nhưng điều bà lo lại nhiều hơn như thế. Con người ta sống vốn luôn phải có hy vọng, cũng như bà, bà hy vọng Thuận sẽ hoàn toàn quay về nẻo thiện, đoạn tuyệt với những ngày tháng u ám trước kia. Bà lại mong sự trưởng thành của Thuận sẽ cho bà những ngày tháng bình yên còn lại. Ở cuộc hôn nhân thứ 3, Thuận có được một đứa con trai, đó cũng chính là điều khiến bà Thương tin vào sự thật, Thuận sẽ thực tâm thay đổi. Vậy nhưng, ánh sáng hạnh phúc của bà Thương chỉ vừa mới le lói đã tắt lịm. Thuận không thắng được chính mình, y vẫn làm bạn với "cái chết trắng". Con trai chưa đầy 5 tuổi, vợ đột ngột qua đời, còn Thuận thì lần thứ 3 vướng vòng lao lý, gia đình bà Thương một lần nữa bi kịch chồng lên bi kịch.

Lần này, Thuận tiếp tục vướng vòng lao lý với tội danh "Mua bán trái phép chất ma túy”. Vào chiều 12/7/2020, sau khi nghe Trần Anh Lập (SN 1986, trú xã Nghĩa Thái, Tân Kỳ, Nghệ An) thông báo có người đặt mua hồng phiến, Thuận thuê xe taxi chở lên xã Tri Lễ, huyện Quế Phong mua của người đàn ông dân tộc Mông 11 gói hồng phiến với giá 22 triệu đồng. Sau đó, Thuận đưa cho Lập 10 gói ma túy, nói bán 40 triệu đồng, hứa sẽ trả tiền công từ 5 đến 10 triệu đồng. Đến 16h ngày 13/7, Lập cầm 10 gói ma túy (tổng khối lượng 192,4 gam) đi giao cho khách thì bị Công an huyện Quỳ Hợp bắt giữ. Với hành vi này, HĐXX đã tuyên phạt Cao Tiến Thuận 20 năm, Trần Anh Lập 19 năm tù.

Thấy bà Thương khóc, Thuận quát: "Mẹ có thôi đi không". Lời của Thuận như nhát dao lạnh băng cứa thẳng vào tim bà Thương. Gương mặt bà nhăn tít không hề dãn ra, tất cả đều quấn bện một cảm giác đau lòng sâu sắc. Bà muốn nói với Thuận thật nhiều nhưng cuối cùng cũng chỉ thốt ra được một câu đầy đau đớn "Con ơi, mẹ khổ lắm, đau lắm".

Nghĩ đến ngày tháng tiếp theo bà sẽ không còn cơ hội để đợi con về, nghĩ đến lúc con về sẽ không còn thấy mẹ, nghĩ đến đứa cháu đang nhỏ tuổi không còn mẹ nay thiếu vắng cha…bà Thương chỉ biết đưa tay ôm lấy ngực, khóc thành tiếng.

Người ta nói, ánh hoàng hôn thường rất đẹp nhưng màn đêm sẽ nhanh chóng phủ xuống. Người ta cũng nói, ở bên này màn đêm kéo đến ôm lấy một ngày tàn nhưng ở bên kia bán cầu, một nơi nào đó ánh sáng của một ngày mới lại bắt đầu… Cho nên cuộc sống cần phải có hy vọng!. Cũng như bà Thương, dù biết mình rất khó để chờ con ngày trở về nhưng bà vẫn hy vọng Thuận sẽ sớm hoàn lương, sẽ thực sự quay đầu. Có những hạnh phúc tuy đến muộn nhưng nhất định sẽ đến, sau hoàng hôn sẽ là ánh bình minh. Điều đó, bà thực sự tin…

(Tên người liên quan đã được thay đổi)

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/vi-con-khoc-den-bao-gio-77211.html