Vì đâu giá thịt lợn vẫn cao chót vót dù các doanh nghiệp lớn đã giảm?
10 ngày đã qua kể từ khi các doanh nghiệp lớn giảm giá thịt lợn hơi xuất chuồng về mức 70.000 đồng/kg, hàng chục triệu người tiêu dùng cả nước chưa hề thấy tác động, giá thịt lợn không suy giảm, thậm chí vài ngày hôm nay còn tăng.
Từ ngày 1/4 vừa qua, 15 doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn trên địa bàn cả nước đã đồng loạt giảm giá lợn hơi xuất chuồng xuống còn 70.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, dù giá lợn hơi xuất chuồng đã được các DN lớn giảm khá sâu, nhưng 10 ngày đã qua, người tiêu dùng cả nước chưa hề thấy tác động, giá thịt lợn không suy giảm, thậm chí vài ngày hôm nay còn đi ngược, quay đầu tăng.
Giá tăng bất chấp nhu cầu không cao
Ghi nhận cho thấy, sáng nay, 9/4, giá lợn hơi xuất chuồng trên thị trường các tỉnh miền Bắc bỗng bất ngờ vọt lên 85.000 đồng/kg, tăng từ 2.000-5.000 đồng/kg, so với vài ngày trước đó.
Một số chủ trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn Hà Nội cho biết, giá lợn hơi xuất chuồng vào sáng nay đã ở mức 85.000 đồng/kg, trong khi khoảng 2 ngày trước ở mức 80.000 đồng/kg.
Tương tự, trên địa bàn Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh… một số chủ trang trại lớn cho biết, thương lái đã liên hệ trả giá 85.000 đồng/kg.
“Có khi trong vài ngày tới còn tiếp tục lên nữa, không lẽ thị trường đang khá thiếu lợn thương phẩm”- một chủ trang trại chăn nuôi lớn ở Hải Dương nhận xét.
Tại chợ đầu mối lớn nhất nhì miền Bắc là Bình Lục, Hà Nam, giá lợn hơi xuất chuồng cũng đang được giao dịch ở mức 79.000 đồng-84.000 đồng/kg, đáng nói, lượng lợn hơi về chợ có xu hướng giảm nhẹ, hiện chỉ còn khoảng 200 con/ngày.
Theo lý giải của một số thương lái lớn giết mổ lợn ở lò Vạn Phúc, Hà Nội thì mặc dù các doanh nghiệp lớn như C.P, Dabaco, Japfa… đã hạ giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg nhưng không phải thương lái, doanh nghiệp chế biến nào cũng mua được lợn to chuẩn với giá này.
Một doanh nghiệp chế biến lớn, chuyên đưa thịt lợn vào các chuỗi siêu thị, bếp ăn tập thể trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, mặc dù giá C.P phát ra là 70.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng, nhưng bản thân Công ty đã làm ăn lâu năm với C.P cũng không mua được đủ số lượng lợn cần với mức giá này.
“Giả dụ trung bình mỗi ngày Công ty chúng tôi cần mua 20 con lợn với trọng lượng khoảng 100kg/con thì chỉ mua được 15 con là tối đa”- đại diện doanh nghiệp xin giấu tên chia sẻ.
Giá lợn cao vì còn nhiều khâu trung gian
Lợn hơi đang có dấu hiệu tăng vọt trở lại, còn thịt lợn bán ra đến tay người tiêu dùng vẫn đứng ở mức cao chót vót, người dân chưa hề cảm nhận được tác động của việc giảm giá thịt lợn từ các doanh nghiệp lớn.
Khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Thành Công, chợ Cầu Giấy, chợ Gia Lâm… cho thấy, giá bán thịt lợn ba chỉ dao động từ 150.000 đồng-170.000 đồng/kg, nạc vai ở mức 160.000-180.000 đồng/kg, sườn ở mức 170.000 đồng/kg…
Chị Nguyễn Thúy Nga ở Yên Nghĩa, Hà Đông bày tỏ: “Tôi thấy tin tức nói giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ khoảng chục hôm nay rồi, nhưng tôi mua thịt lợn hàng ngày vẫn thấy chẳng giảm tí nào. Không hiểu là giảm ở đâu ấy”.
Còn tại các siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm sạch, giá bán thịt lợn vẫn đứng ở mức rất cao. Như tại chuỗi siêu thị Vinmart, giá bán thịt ba chỉ vẫn giữ nguyên so với trước kia, ở mức xấp xỉ 200.000 đồng/kg…
Trong khi đó, thống kê cho thấy, nhập khẩu thịt lợn trong 3 tháng đầu năm 2020 đã tăng đến hơn 300% so với cùng kỳ, thêm vào đó, vài tháng nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kinh tế khó khăn nên sức tiêu thụ của người dân không cao, nhưng giá thịt lợn vẫn bất chấp, giữ ở mức cao.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nguyên nhân đầu tiên phải kế đến là thiếu hụt nguồn cung lớn do dịch tả lợn châu Phi.
“Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tập trung tập trung tái đàn. Hiện, tổng đàn lợn cả nước đã đạt 24 triệu con, tăng 6,3%. Với đà này, chúng tôi nhận thấy đến cuối quý 3, đầu quý 4, đàn lợn cả nước đủ khối lượng để cung cấp cho thị trường”- ông Cường cho hay.
Nguyên nhân thứ hai, theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, là do giá thành sản xuất lợn hiện đã ở mức cao.
Thêm nữa, do còn tồn tại nhiều khâu trung gian nên góp phần đẩy giá lợn lên. Ông Cường lấy ví dụ, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn đã giảm giá xuất chuồng về 70.000 đồng/kg, nhưng các doanh nghiệp này lại không phân phối trực tiếp mà qua các doanh nghiệp chế biến, các thương lái, rồi qua giết mổ, phân phối thịt thương phẩm... mới đến tay người tiêu dùng.
“Còn rất nhiều khâu trung gian, khiến người tiêu dùng chưa được hưởng giá thịt lợn thấp như chúng ta mong muốn”- ông Cường nhận định, đồng thời cho biết, trong thời gian tới vẫn sẽ duy trì tăng cường nhập khẩu để bổ sung phần thiếu hụt trong nước.
Tuy vậy, một trong những nguyên nhân trọng yếu nữa khiến giá thịt lợn trên thị trường không hề giảm, thậm chí đang có xu hướng tăng là do lượng lợn bán ra từ các doanh nghiệp lớn đã giảm.