Vì đâu nhiều người Tây Bắc vượt biên sang Trung Quốc lao động 'chui'?

Tại nhiều bản làng ở Tây Bắc, số người sang Trung Quốc lao động ngày càng nhiều khiến quê nhà thiếu hụt lao động, ruộng nương bị bỏ bê, hoang hóa.

Chỉ khi có đại dịch Covid-19 xảy ra, các tỉnh có đường biên vùng Tây Bắc mới vội thống kê nhân khẩu các xã bám biên giới. Điều các cấp chính quyền sở tại phải giật mình là có tới hàng chục ngàn thanh niên bỏ đã bản cả năm trời đi làm thuê; hàng chục bản bám biên không còn nhân lực lao động tại chỗ; nương bỏ trắng, đồng không canh tác; trẻ em thất thường đến trường thiếu sự chăm sóc của bố mẹ…

Bế đứa cháu nội đang khóc gọi mẹ bên cạnh bếp lửa, bà Thào Thị Chà (ở thôn Pả Chư Tỷ 1, xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) buồn bã kể, hai vợ chồng con trai út là Giàng Seo Dơ đang đi làm thuê ở bên Trung Quốc: “Không thể nào nói được, thanh niên đi hết, vợ chồng nó cứ đòi đi. Mình chẳng làm được gì. Thanh niên đi hết lo lắm, mình bảo con cháu đều là của mình, vợ chồng nó đi mình phải giúp vợ chồng nó”.

Số người đi sang bên kia biên giới lao động càng nhiều dẫn đến tại quê nhà thiếu hụt lao động, ruộng nương bị bỏ bê. (Ảnh minh họa : KT)

Số người đi sang bên kia biên giới lao động càng nhiều dẫn đến tại quê nhà thiếu hụt lao động, ruộng nương bị bỏ bê. (Ảnh minh họa : KT)

Trước Tết Nguyên đán năm Canh Tý, khi chúng tôi về các gia đình tại các thôn bản vùng cao, vùng biên giới hầu như chỉ bắt gặp người già, trẻ nhỏ ở nhà. Đây cũng là câu chuyện của ông Giàng Seo Tánh ở thôn Pả Chư Tỷ 1, xã Lùng Phình.

“Tất cả mọi người ở nơi khác cũng thế, có phải mỗi gia đình mình đâu. Thanh niên đi làm thuê hết bên Trung Quốc, chỉ còn người già ở nhà. Nếu có người già nào qua đời thì cũng không còn thanh niên để lo việc tang ma, rồi chăm sóc, dạy dỗ các cháu nhỏ chỉ đổ dồn vào người già ở lại cũng rất vất vả”, ông Giàng Seo Tánh chia sẻ.

Bên hiên nhà, ông bố trẻ Giàng Seo Lìn chưa đến 30 tuổi, cũng không nhớ cưới vợ năm nào, thẫn thờ buồn bã. Hai đứa con bé dại trong tay bố, ngây ngô nhớ mẹ. Giờ này năm ngoái, từ xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, vợ chồng Lìn vượt qua lối mở sang Trung Quốc đi trồng mía thuê. Tết vợ không về, Lìn mang được ít tiền cho bố mẹ lo Tết, anh tính ăn tết xong lại sang nhưng do dịch Covid-19 nên không đi được. Nhìn hai con dại nheo nhóc thiếu chăm sóc, không đến trường, anh không giấu nổi những giọt nước mắt cơ cực….

“Xem mình làm thế nào thì họ trả công như thế đó. Nếu làm tốt thì một ngày được 120 đồng Nhân dân tệ, họ cho ăn uống”, anh Giàng Seo Lìn nói.

Khác với gia đình Lìn, Giàng Seo Lẩu năm nay vui lắm. Mùng một Tết năm ngoái, Lẩu cùng vợ cắt rừng vượt sang biên. Có người đón sẵn, họ đưa vợ chồng Lẩu cùng hơn chục lao động khác chạy hai đêm đến chỗ làm. Công việc hàng ngày hai vợ chồng phát nương trồng mía thuê. Cũng quen tay việc nương, làm đủ công vợ chồng Lẩu cũng tích cóp được hơn 100 triệu đồng, 23 Tết vừa rồi vợ chồng Lẩu mới về. Nhà Lẩu có 10 anh em, giờ vợ chồng Lẩu giàu nhất. Cũng vì mải đi kiếm sống, bỏ 3 con ở nhà nhờ bố già trông chừng, con trai thứ 2 của Lẩu chưa học xong lớp 12, bỏ học và dự định trong tháng này sẽ cưới cô học sinh lớp 9 ở bản dưới. Tôi nói với vợ chồng Lẩu, nhà mình làm như thế là vi phạm pháp luật, con của Lẩu sẽ đi tù nếu như làm vợ chưa đủ tuổi vị thành niên có con… không biết Lẩu có nghe không?

Những người tha hương đi làm ăn ở đất khách quê người đã vất vả, nhưng với người già ở lại càng vất vả hơn. Có những ông bà dù đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn phải trông nom một đàn cháu, vẫn phải bám nương, bám ruộng, vẫn phải thả trâu bò, lam lũ một nắng hai sương cơ cực.

“Vợ chồng chúng nó đi hết, mình ở nhà trông nom các cháu thì mình khổ. Mình không lăn lộn vất vả làm sao mà con chúng nó được ăn. Phải kiếm tiền cho chúng nó đi học, ốm đau thanh niên đi làm thuê hết, mình già thì làm sao đưa được chúng nó đến trạm y tế, chỉ biết ngước mắt nhìn thôi”, bà Hảng Thị Xông ở thôn Dào Dần Sán, xã Nàn Sán (Si Ma Cai) than thở.

Số người đi sang bên kia biên giới lao động càng nhiều dẫn đến tại quê nhà thiếu hụt lao động, rồi tiếp đến là ruộng nương bị bỏ bê. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến đất bị hoang hóa, bạc màu, cùng với những biến đổi của khí hậu sẽ gây ra các hiện tượng như xói mòn, rửa trôi. Ngoài ra, việc cho mượn đất để canh tác ở những gia đình thiếu lao động trụ cột cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những xung đột về đất sản xuất ở nông thôn, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự trên địa bàn.

“Rất nhiều hộ gia đình bỏ ruộng nương. Có hộ gia đình cả hai vợ chồng đi, bỏ ruộng nương cả năm không ai làm. Nhưng người Mông chúng tôi các gia đình có người đi thì anh em ở nhà còn làm một ít. Còn anh em Phù Lá thôn Tả Chải ruộng gần như bỏ hết cỏ mọc um tùm”, ông Giàng Seo Giả ở thôn Pả Chư Tỷ 1, xã Lùng Phình cho biết.

Thống kê nhanh từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lào Cai và Lai Châu, số lao động sang Trung Quốc làm thuê lên tới gần 30.000 người. Con số trên vẫn chưa hẳn chính xác bởi thực tế số lao động không qua đăng ký (đi chui) còn cao. Ông Phàn A Tón, Chủ tịch UBND xã Bản Lang, huyện Phong thổ, tỉnh Lai Châu cho biết, tính đến hết ngày 4/2/2020 xã mới thống kê đủ trên 200 số người trong xã sang biên lao động. Vẫn còn 52 trường hợp hiện không thấy về chạy dịch.

“Khi đi một số làm giấy thông hành, còn lại một số dân tự phát lại đi chui. Bà con thấy làm giấy thông hành khi hết hạn đi về xin gia hạn cũng khó”, ông Phàn A Tón cho biết thêm.

Như vậy đã rõ về sự yếu kém của chính quyền cơ sở trong việc quản lý nhân khẩu địa bàn. Rất nhiều địa phương khi chúng tôi đến thực hiện phóng sự này đều cho biết, chỉ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, có lệnh thống kê, huyện, xã mới làm và cho ra con số… áng chừng như vậy?! Những lao động chui tha hương, xa xứ ai đảm bảo tính mạng, quyền lợi cho họ?

Ông Lò Văn Yên thuộc bản Lằn, xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, riêng năm ngoái trong bản đã có hơn 100 thanh niên đi làm "chui" bên Trung Quốc, không ít người bị chính quyền Trung Quốc bắt giam, bỏ tù 2 tháng, và chỉ đến khi trao trả, chính quyền địa phương cùng gia đình mới biết.

Trong mắt du khách, cung đường mùa xuân qua Tây Bắc vẫn đẹp nhất. Nhưng dưới chân những cung đường dải lụa mềm mại đó lại là sự xác sơ mùa màng thiếu nước; là cánh đồng bạc trắng không thể gieo cấy, những dòng suối khốc khô trơ đá; là những bản trắng thiếu vắng thanh niên - lực lượng lao động quan trọng trong việc bám biên, giữ đất lại đang phải “tha phương cầu thực”. Tất cả những hệ lụy đau lòng ấy, hình như đang chĩa mũi dùi vào một “tội đồ”, đó là sự hỗn loạn trong quy hoạch thủy điện nhỏ./.

Bài 2: Tan hoang mùa màng vì thủy điện nhỏ?

Nguyễn Hào-Giàng Pùa/VOV4

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/vi-dau-nhieu-nguoi-tay-bac-vuot-bien-sang-trung-quoc-lao-dong-chui-1014571.vov