Vì đâu phim truyền hình miền Nam vẫn chưa tạo được bứt phá?

Trong khi các phim của miền Bắc đang khởi sắc nhờ nhiều nội dung mới và hấp dẫn thì những gì mà phim truyền hình miền Nam đang thực hiện, cho thấy sự loay hoay thậm chí rơi vào khủng hoảng.

Những dự án được đầu tư lớn nhưng gây thất vọng

Trong số nhiều dự án phim được quay của miền Nam, "Gạo nếp gạo tẻ" năm 2018 là phim truyền hình tạo nhiều hiệu ứng nhất, nhờ dàn diễn viên có thực lực và chuyện phim gần gũi với các gia đình.

Tuy nhiên, "Gạo nếp gạo tẻ" sang phần 2 trong năm 2020 dù đã có sự đầu tư lớn hơn cùng dàn diễn viên hùng hậu hơn phần 1 nhưng lại bị đánh giá là nhiều sạn và nội dung thiếu logic khiến không ít khán giả thất vọng.

Niềm tin của khán giả một lần nữa được nhen nhóm nhờ bộ phim "Tiếng sét trong mưa" của đạo diễn Nguyễn Phương Điền gây sốt trong năm 2019. Nội dung phim là những câu chuyện về tình yêu đầy bi kịch từ những lỗi lầm.

Tuy nhiên, khi dàn sao của "Tiếng sét trong mưa" gần như được cùng một đạo diễn bê nguyên vào "Vua bánh mỳ" trong năm 2020 nhưng không tạo được hiệu ứng nâng cao tỷ suất lượt xem như phim trước.

"Gạo nếp gạo tẻ 2" hay "Vua bánh mỳ" dù thừa hưởng ít nhiều những dư âm từ những phim trình chiếu và thành công trước đó, nhưng không lặp lại được thành tích, phần nào cho thấy sự hụt hơi của ekip làm phim.

Nội dung phim lộn xộn hay tình trạng dài dòng, lê thê và tình huống khiên cưỡng là những nguyên do chính khiến khán giả không còn mấy mặn mà với hai bộ phim này.

Gạo nếp gạo tẻ 2 không tạo được kỳ tích như phần phim đầu

Đặc biệt, bộ phim "Kẻ sát nhân cô độc" khai thác về đề tài hình sự và được đánh giá cao khi tham gia "Liên hoan truyền hình toàn quốc". Ngoài ra, phim còn được ưu ái vào khung giờ vàng trên HTV9 nhưng vẫn chưa tạo được hiệu ứng mạnh.

Cuối năm 2020, bộ phim "Đường về cồn Nảy" của đạo diễn Đỗ Phú Hải lên sóng dù để lại ít nhiều ấn tượng cho người xem nhưng bộ phim vẫn chưa thoát khỏi cách làm phim cũ.

Vì sao chưa thể bứt phá?

Đây là nỗi trăn trở của không ít người làm phim truyền hình ở miền Nam. Theo đạo diễn Đỗ Phú Hải, phim truyền hình miền Nam đang thiếu đi những kịch bản tốt và đội ngũ viết kịch bản cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong khi đó, từ năm 2000 trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC đã đầu tư cho đội ngũ làm phim trẻ đi học nước ngoài, tham gia vào các dự án lớn. Nhờ đó đội ngũ vừa có trình độ, vừa có tầm nhìn và chuyên môn nên khâu viết kịch bản của họ được đảm bảo.

Ngược lại, các biên kịch ở miền Nam cũng như thế hệ làm phim trẻ ở miền Nam chưa được đầu tư đúng mức và đây là vấn đề chưa tìm được lời giải đáp. Đạo diễn Đỗ Phú Hải nhận định phim của VFC “vượt mặt” phim truyền hình miền Nam.

Kịch bản yếu và diễn viên thiếu kinh nghiệm khiến phim truyền hình miền Nam thiếu sức hút

Bên cạnh đó, cách chọn diễn viên của ekip miền Nam cũng rất khác so với miền Bắc. Diễn viên Cao Thái Hà qua lần quay chung bộ phim "Bão ngầm" với ekip miền Bắc đã lý giải, ngoài Hà Nội các diễn viên được chọn vai phù hợp với tính cách nhân vật và dù ít hay nhiều thoại thì vẫn thấy rất hợp vai, khả năng đồng đều. Vì vậy, khi đóng chung, họ dễ dàng bắt nhịp với nhau.

Nhưng đối với những người làm phim trong Nam họ lại ưu tiên tuyển những diễn viên trẻ, đẹp có độ “hot” và phủ sóng cao trên các trang mạng xã hội nhưng lại thiếu kinh nghiệm diễn xuất. Chính điều này đã tạo ra những màn diễn xuất có phần kịch và sống sượng trong phim khiến nhiều người xem khó chịu.

Đồng thời, Cao Thái Hà và đạo diễn Đỗ Phú Hải đều cho rằng thời gian quay gấp rút, chạy nhanh theo tiến độ cũng là hạn chế, khiến phim truyền hình miền Nam chưa thể làm kỹ như VFC. Diễn viên phim truyền hình không có thời gian để chuẩn bị như phim điện ảnh nên khó có thể đòi hỏi họ trở thành nhân vật ngay khi vào phim.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-dau-phim-truyen-hinh-mien-nam-van-chua-tao-duoc-but-pha-post111344.html