Vì dịch Covid-19, đại gia châu Á rút công ty khỏi sàn chứng khoán
Hàng loạt nhà tài phiệt và gia tộc kinh doanh lớn ở châu Á rút công ty của họ khỏi thị trường chứng khoán khi dịch Covid-19 đẩy giá cổ phiếu lao dốc.
Theo Bloomberg, từ cuối năm ngoái giá trị vốn hóa của hàng loạt công ty lớn tại châu Á rơi tự do khi dịch virus corona chủng mới bùng lên từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) rồi lan rộng trên phạm vi toàn cầu.
Khảo sát cho thấy hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu (PE) của 1.584 doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương sụt giảm tới 13 lần. Cổ phiếu của nhiều công ty blue-chip giao dịch trên thị trường với giá thấp hơn giá trị ghi sổ. Chỉ số Hang Seng (Hong Kong) sụt giảm 13%.
Do đó, nhiều đại gia châu Á quyết định mua lại toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của công ty mình để đưa công ty rời khỏi thị trường chứng khoán. Theo Dealogic, từ đầu năm đã có tới 23 giao dịch tư nhân hóa công ty trị giá tới 14,6 tỷ USD tại châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2019, toàn khu vực chỉ có vỏn vẹn 7 giao dịch với tổng trị giá 287 triệu USD. Giới lãnh đạo ngân hàng nhận định những gì đang diễn ra tương tự tình trạng năm 2003, khi thị trường chứng khoán khu vực lao dốc vì dịch SARS.
Các gia tộc ra tay
Mới đây, gia tộc Fung và Tập đoàn GLP (Singapore) đề nghị tư nhân hóa hãng quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu Li & Fung với giá 929 triệu USD. Tỷ phú Peter Woo Kwong-ching cũng nhanh tay mua lại toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của đế chế bất động sản Wheelock và Co.
Trong khi đó, Reuters đưa tin Soho China có kế hoạch bán lại bản thân hãng cho Tập đoàn Blackstone với giá 4 tỷ USD.
“Các quỹ tư nhân (do các gia đình tỷ phú đứng sau) nắm giữ nguồn vốn khổng lồ. Họ sẵn sàng chi tiền để tư nhân hóa doanh nghiệp trong thời điểm nhạy cảm này”, South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Kerwin Clayton thuộc JP Morgan Chase nhận định.
Các nhà phân tích cho rằng giới đầu tư nhỏ có thể kỳ vọng kiếm lợi lớn từ những thỏa thuận mua lại cổ phiếu ở Hong Kong. Hàng loạt tập đoàn gia đình Hong Kong và công ty nhà nước Trung Quốc sẵn sàng chi đậm để hoàn tất việc tư nhân hóa.
"Các thỏa thuận mua cổ phiếu ở Hong Kong thường hấp dẫn hơn ở châu Âu hay Mỹ, một phần do quy định chỉ cần 10% cổ đông không muốn bán có thể chặn giao dịch", chuyên gia Dieter Turowski của Morgan Stanley giải thích.
Giá cổ phiếu Li & Fung trong phiên giao dịch gần đây nhất trên sàn chứng khoán Hong Kong chỉ đạt 0,5 HKD và các cổ đông công ty bán lại cổ phiếu cho gia tộc Fung với giá cao hơn 150%.
Nhóm nhà đầu tư Wheelock bán cổ phiếu cho tỷ phú Peter Woo Kwong-ching với giá cao hơn thị trường 52,2%. Với thỏa thuận Soho China - Blackstone, các nhà đầu tư cũng bán được cổ phiếu với giá gấp đôi thị trường.
Do đó, các ngân hàng và nhà môi giới đang "ngắm nghía" những doanh nghiệp có thể sẽ được tư nhân hóa, ví dụ công ty bất động sản, khách sạn, nhóm công ty phục vụ tiêu dùng bên ngoài ngành thực phẩm và đồ uống, hãng phục vụ du lịch, công ty chăm sóc sức khỏe...
Vượt qua cơn bão
Chuyên gia Samson Lo thuộc UBS cho biết xu hướng này đã nhen nhóm từ năm ngoái khi các cuộc biểu tình bùng lên ở Hong Kong, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và kinh tế thành phố. Trong những tháng đầu năm nay, làn sóng tư nhân hóa xuất phát từ tác động của đại dịch Covid-19.
Theo chuyên gia Kerwin Clayton của JP Morgan, các thỏa thuận tư nhân hóa chủ yếu được thực hiện bởi các nhà sáng lập công ty sở hữu khối tài sản khổng lồ và định giá doanh nghiệp của họ cao hơn giá thị trường.
Dù vậy, một số đại gia châu Á vẫn đang tính toán giữ tiền mặt hay mua lại cổ phần công ty, tùy thuộc vào góc nhìn của họ về khả năng dịch Covid-19 kéo dài bao lâu. Các ngân hàng cũng ngần ngại không dám hỗ trợ những thỏa thuận này vì viễn cảnh kinh tế u ám.
Ngoài ra, một rào cản đối với các thỏa thuận tư nhân hóa là "nội chiến" trong nhiều gia tộc kinh doanh lớn tại châu Á. Thành viên thế hệ thứ hai hoặc ba của gia tộc thường có quan điểm khác biệt so với người sáng lập về việc điều hành công ty.
Năm ngoái, hãng bất động sản Hong Kong Hopewell thực hiện thỏa thuận tư nhân hóa trị giá 2,7 tỷ USD, nhưng cũng phải trải qua rất nhiều xáo trộn và tranh chấp nội bộ.
Doanh nhân Gordon Wu và vợ Ivy quyền kiểm soát nhóm mua lại công ty. Tuy nhiên, con trai ông Wu - Thomas Jefferson Wu, Phó chủ tịch Hopewell, cũng là một cổ đông lớn của công ty - bị gạt ra bên lề.
Giới chuyên gia cho rằng tranh chấp nội bộ gia đình có thể là rào cản lớn, hầu hết người sáng lập phải ra quyết định cụ thể để "vượt qua cơn bão". Việc niêm yết công khai sẽ giúp thu hút vốn hiệu quả về lâu dài và giúp quảng bá thương hiệu tốt hơn.
"Do đó, một số đại gia sẽ thận trọng, không muốn tư nhân hóa công ty”, chuyên gia Clayton của Morgan Morgan khẳng định.