Vị Dổi Xuân Sơn

PTĐT - Hiện diện trong hầu hết các món nướng, món chấm, hạt Dổi là thứ gia vị đặc biệt, không thể thiếu trong bữa ăn của các dân tộc vùng Tây Bắc. Về xã vùng cao Xuân Sơn huyện Tân Sơn vào mùa đông, bên cạnh việc được ngắm nhìn sắc đỏ rực của hoa Trạng nguyên, thì du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sắc, đậm chất núi rừng và luôn thơm nồng vị hạt Dổi...

Cụm 9 cây dổi cổ thụ ở Trạm quản lý bảo vệ rừng Xuân Sơn

Cụm 9 cây dổi cổ thụ ở Trạm quản lý bảo vệ rừng Xuân Sơn

Anh Đặng Văn Quyết - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Sơn cho biết, hiện nay ở Xuân Sơn, khu Dù trồng nhiều cây Dổi nhất, trong đó có nhà ông Bàn Xuân Lâm trồng vài ha . Hiện, cây Dổi chủ yếu có ở xóm Dù và lác đác ở các xóm Lạng, Lấp và Cỏi. Anh Quyết thông tin thêm: Trong ẩm thực của người Dao và người Mường ở Xuân Sơn, hạt Dổi có mặt ở hầu hết các món ăn của bà con. Từ bữa ăn hằng ngày đến các dịp cúng, giỗ, lễ, Tết. Nhiều món phải có hạt Dổi mới dậy vị và đậm đà, nêm vào nước chấm thịt lợn, gà và ướp đồ nướng...

Hạt Dổi sau khi đã được nướng để chế biến cùng thực phẩm

Hạt Dổi sau khi đã được nướng để chế biến cùng thực phẩm

Hạt Dổi, theo anh Quyết khi được người dân thu hái về, sẽ phơi nắng to cho khô hoặc sấy bằng than củi rồi cất nơi khô ráo. Khi chế biến để làm gia vị, bà con sẽ cho vào bếp than nướng (hoặc rang) sau đó giã nát và gia giảm với các món ăn.

Bên bếp than hồng, hạt Dổi khi ướp lẫn với những miếng thịt lợn bản, da mỏng, thịt thơm, ngọt, được xiên bằng những que tre bánh tẻ vót nhọn, nướng trên ổ than đỏ rực ngày đông, mùi thơm lựng sẽ khiến cho bữa ăn của bà con người Dao và người Mường thêm đậm đà bản sắc...và làm cho du khách khi đến với Xuân Sơn không thể nào quên văn hóa ẩm thực của người Mường, người Dao nơi này.

Nhẩn nha ngồi uống chè bên hiên nhà, khi tôi hỏi về chuyện hạt Dổi- thứ gia vị độc đáo của nơi này, anh Triệu Văn Thoa, xóm Cỏi bổ xung thêm thông tin: Không chỉ nêm nếm gia vị, ướp thịt...mà hạt Dổi còn có thể nêm vào món măng. Món măng nêm hạt Dổi cũng là món ăn đặc sắc của người Dao, Mường ở Xuân Sơn.

Vườn Dổi nhiều ha của gia đình ông Bàn Xuân Lâm tại khu Dù

Vườn Dổi nhiều ha của gia đình ông Bàn Xuân Lâm tại khu Dù

Vị ngọt, chua hoặc ngăm ngăm đắng của măng rừng khi có hạt Dổi sẽ dậy mùi cực kỳ khó quên, ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Theo anh Thoa, dù Dổi là loại gia vị không thể thiếu trong các món ăn của đồng bào bởi mùi vị hấp dẫn, tuy nhiên sử dụng hạt Dổi làm gia vị cũng phải khéo. Ít quá thì không đủ mùi, vị, còn cho nhiều quá thì đồ ăn sẽ hăng và đắng khó ăn. Tìm hiểu thêm được biết, Dổi còn được làm gia vị cho món măng chua nấu với thịt gà bản. Đây cũng là một món ăn đặc sắc của đồng bào vùng cao.

Một cây Dổi cổ thụ, to hơn một vòng tay người ôm tại xã Xuân Sơn.

Một cây Dổi cổ thụ, to hơn một vòng tay người ôm tại xã Xuân Sơn.

Bà con cho biết, Dổi là loại cây quý do gỗ và hạt đều có giá trị kinh tế cao, nhưng vì trồng lâu năm mới có hạt và phải có "tay" trồng, nên không phải nhà nào ở Xuân Sơn cũng có loài cây này. Trên địa bàn huyện Tân Sơn, theo tìm hiểu của chúng tôi, cây Dổi chỉ có ở một số xã như Xuân Sơn, Xuân Đài, Kim Thượng. Hạt Dổi những năm gần đây là thứ gia vị được lùng mua rất nhiều để làm gia vị nên có giá cao và đầu ra cực lớn, do đó, cây Dổi có thể là cây xóa đói, giảm nghèo nếu được tổ chức trồng có kế hoạch, trên quy mô lớn và phù hợp thổ nhưỡng.

Trong ánh chiều buông dần ở rừng Xuân Sơn. Giữa cái se lạnh ngày đông. Ngồi bên mâm cơm ấm cúng trên nếp nhà sàn của bản Mường, gắp miếng thịt lợn bản căng mọng, nướng than hoa đưa lên miệng. Mùi hạt Dổi thơm quyến rũ lan tỏa, kích thích khứu giác thực khách cùng những tiếng hít hà. Để rồi trong men rượu hoẵng say nồng, ở giữa đất trời Xuân Sơn, du khách càng thêm yêu đất và người nơi này. Và rồi, lòng cứ quấn quýt, vấn vương, mong có dịp được vào thăm bản xa nhiều lần hơn nữa...

Quốc Hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202012/vi-doi-xuan-son-174475