Ví dụ điển hình của nền kinh tế chia sẻ - dịch vụ chia sẻ phòng lưu trú Airbnb
THS. LẠI THỊ TUYẾT LAN (Khoa Kinh tế Luật - Trường Đại học Tài chính Marketing)
TÓM TẮT:
Trong thời đại 4.0 phát triển bùng nổ như hiện nay, ứng dụng công nghệ và kinh tế chia sẻ trở thành một xu hướng chiến lược trong kinh doanh. Xu hướng này cũng đang dần được áp dụng phổ biến trong ngành Nhà hàng - Khách sạn. Đó là tiền đề cho Airbnb ra đời.
Bài viết giới thiệu về nền kinh tế chia sẻ - dịch vụ chia sẻ phòng lưu trú Airbnb xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2015 và đang phát triển mạnh mẽ, xuất hiện ở nhiều thành phố du lịch.
Từ khóa: Airbnb, dịch vụ cho thuê phòng lưu trú, kinh doanh chia sẻ.
1. Giới thiệu về Airbnb
Tại Việt Nam, nếu Grab hay Goviet là dịch vụ cho thuê xe, thì Airbnb là dịch vụ cho thuê phòng lưu trú. Tuy nhiên, cả 3 đều có mô hình kinh doanh giống nhau, đó là sharing economy - kinh doanh chia sẻ.
Airbnb (AirBed & Breakfast) là ứng dụng kết nối trực tiếp người có phòng cho thuê với người thuê phòng cần tìm chỗ lưu trú, kể cả ngắn ngày hay dài ngày thông qua một ứng dụng di động với thủ tục, cách làm cực kì đơn giản, đặc biệt chi phí lại thấp, hợp lý hơn rất nhiều so với những trang web đặt phòng thông dụng khác (Booking, Agoda, Traveloka,…). Với Airbnb, bạn có thể là người thuê phòng, cũng có thể là người cho thuê phòng. Khi đó, tất cả việc thanh toán sẽ được thực hiện thông qua Airbnb bằng thẻ tín dụng, nguồn thu của Airbnb đến từ khoản phí trích 3% của chủ nhà và 6 - 12% từ người thuê phòng.
Airbnb có nhiều ưu điểm, mang lại lợi ích cho cả người thuê và người cho thuê. Trong đó, có thể kể đến giá cả, tiện nghi phòng và những chính sách bảo vệ.
2. Sự phát triển của Airbnb trên thế giới
Trong một thập niên, Airbnb đã phát triển từ một startup nhỏ thành một công ty với hơn 7 triệu tài sản cho thuê trong ngắn hạn trên toàn cầu cùng hoạt động ở hơn 220 quốc gia/vùng lãnh thổ. Cụ thể:
- Lượng phòng cho thuê trên Airbnb tăng liên tục qua các năm theo cấp số nhân, vượt mốc 7 triệu trong năm 2019. Điều này có nghĩa là khi nhiều chủ nhà đưa nhà/phòng cho thuê lên Airbnb, khách thuê sẽ có thêm nhiều lựa chọn, và khi có nhiều khách thuê chú ý đến Airbnb, chủ nhà có nhiều cơ hội quảng bá nhà/phòng để thu lợi ích hơn. Điều này mang lại giá trị lớn cho các bên. (Hình 1)
- Khẳng định vị trí của mình trong ngành du lịch/lữ hành. Nếu như vào năm 2013, Airbnb vẫn chỉ là một cái tên nhỏ bé trong ngành du lịch/lữ hành, đến nay doanh thu của họ đang khiến nhiều tập đoàn, khách sạn lớn phải ghen tị. Vào năm 2018, người Mỹ đã tiêu dùng tại Airbnb nhiều hơn những gì họ bỏ ra cho Hilton, chuỗi khách sạn lớn thứ hai tại Mỹ. Airbnb cũng giúp khái niệm "chia sẻ nhà ở" (home sharing) phổ biến hơn.
- Xét về thị phần, Airbnb liên tục mở rộng chiếm lĩnh thị phần, cạnh tranh với khách sạn. Mặc dù chia sẻ nhà ở (home-sharing) ngày càng phổ biến, người dùng vẫn bỏ ra 200 tỉ USD tại Mỹ cho các chuỗi khách sạn, theo IBISWorld - cao hơn mức chi trên các nền tảng như Airbnb rất nhiều. Xu hướng ấy đồng nghĩa với việc khách sạn vẫn là lựa chọn phổ biến hơn ở thời điểm hiện tại, song nó cũng đồng nghĩa rằng những nền tảng như Airbnb và HomeAway vẫn còn dung lượng thị trường rất lớn để chinh phục.
3. Sự phát triển Airbnb tại Việt Nam
Ở Việt Nam, hiện có nhiều loại hình lưu trú khác nhau để du khách lựa chọn theo nhu cầu và điều kiện của mình. Nhiều gia đình có điều kiện thường mua các biệt thự, villas ven biển hoặc tại các điểm du lịch nhưng tần suất sử dụng rất ít, họ chỉ đến nghỉ ngơi vào những dịp lễ, cuối tuần... Phần lớn thời gian còn lại, các biệt thự villa này bị bỏ trống và từ khi có Airbnb, những nơi này đã trở thành nơi cho thuê lưu trú.
So với các trang web đặt phòng truyền thống: Booking, Agoda, Traveloka,… thì Airbnb xuất hiện khá muộn. Dịch vụ chỉ mới được xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2015. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm phát triển, Airbnb đã xây dựng được thương hiệu và thị trường riêng cho mình, trở thành đối thủ mạnh mẽ với các loại hình khách sạn và các phương thức đặt phòng truyền thống.
Theo Báo cáo “Homesharing Vietnam Insights” giai đoạn 2015 - 2019 của Outbox Consulting, số lượng phòng Airbnb ở Việt Nam đã lên đến 40.804 cơ sở, tăng hơn 40 lần chỉ sau 4 năm - từ con số 1.000 trong năm 2015 lên tới hơn 40.000 vào đầu năm 2019. Trong đó, tốc độ tăng trưởng số lượng căn hộ/phòng đăng ký cho thuê hàng năm tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng luôn đạt mức cao. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng số lượng dịch vụ cho thuê hàng năm trên Airbnb tại TP. Hồ Chí Minh là 97%, ở Hà Nội là 112% và Đà Nẵng là 111%.
Ngoài ra, nhiều điểm du lịch nổi tiếng cũng bắt đầu nở rộ mô hình chia sẻ phòng lưu trú như Sa Pa, Hạ Long,… Theo Outbox Consulting thống kê, cộng đồng phát triển mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng Airbnb tại Việt Nam tập trung chính ở miền Nam với mức tăng trưởng 42,3%, miền Bắc chiếm 27,2%, con số này ở khu vực miền Trung là 26,2%. Việc này giúp tận dụng nguồn thu từ những phòng không sử dụng mà cũng không phải chịu ràng buộc về hợp đồng thuê dài hạn. Theo thống kê, tỷ lệ cho thuê theo mô hình phòng riêng là 49% và mô hình nhà nguyên căn là 47%.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 18.230 chủ nhà cho thuê các cơ sở lưu trú trên nền tảng này và có đến 69% số căn hộ/phòng ngủ cho thuê trên nền tảng Airbnb tại Việt Nam là multi-listing host, tức là những người chủ có nhiều hơn 1 căn hộ/phòng nghỉ cho thuê cùng lúc. Báo cáo nhận định chia sẻ phòng lưu trú không đơn thuần giúp tăng thu nhập mà còn trở thành sản phẩm kinh doanh với mức lợi nhuận cao. Cụ thể, trung bình doanh thu hàng tháng của chủ nhà ở TP. Hồ Chí Minh trong mùa cao điểm là 11,5 triệu đồng và 8,3 triệu đồng vào mùa thấp điểm. Trong khi những con số này ở Hà Nội lần lượt là 6,78 triệu đồng và 5,2 triệu đồng.
Nhìn chung, Airbnb mang đến cho du khách thêm lựa chọn khi có nhu cầu lưu trú. Bởi ngoài việc tìm một địa điểm nghỉ ngơi ưng ý trong thời gian du lịch, khách hàng còn có thể tìm được những người bạn và khám phá những nền văn hóa độc đáo. Bên cạnh việc tạo điều kiện để nhiều người có thể đi du lịch với chi phí rẻ, trải nghiệm độc đáo, Airbnb còn góp phần đa dạng hóa các hình thức lưu trú dành cho du khách tại Việt Nam, giảm gánh nặng cho điểm đến, nhất là trong những ngày cao điểm du lịch, tạo thêm thu nhập, việc làm cho người lao động địa phương.
4. Những thách thức trong sự phát triển của Airbnb
- Airbnb dần trở thành một nền tảng "cho thuê nhà" thay vì "chia sẻ nhà"
Airbnb bắt đầu mô hình kinh doanh với ý tưởng cho phép người dùng cho thuê những căn phòng không sử dụng trong chính căn nhà của mình. Dù vậy, ở nhiều thị trường trọng điểm của Airbnb, người dùng đang có xu hướng cho thuê toàn bộ ngôi nhà. Như vậy, chủ nhà thường có một căn nhà thứ hai (có thể ở một thành phố khác) hoặc thậm chí được sở hữu bở các công ty quản lý tài sản thương mại. (Hình 2)
Thống kê trên làm rộ lên tranh cãi rằng, Airbnb đang khiến những tài sản cho thuê dài hạn thành những tài sản cho thuê ngắn hạn với chi phí đắt đỏ hơn. Bằng cách này, Airbnb mang đến lợi ích cho những chủ tài sản thay vì người dân địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan quản lý cho rằng, có một nhóm chủ nhà "chuyên nghiệp" đang dùng Airbnb để vận hành dịch vụ khách sạn lưu trú mà không cần tuân theo những quy định chung.
- Thách thức trong quản lý tại Việt Nam
Mô hình kinh doanh này cũng chứa đựng không ít rủi ro, đối với cả người cho thuê và người đi thuê. Bởi khi Airbnb được xác định là kênh đầu tư để sinh lời thì yếu tố lợi nhuận cần được tính toán kỹ lưỡng, đòi hỏi những người cho thuê phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng trên cơ sở nghiên cứu cụ thể thị trường, nhu cầu của khách du lịch. Thực tế cho thấy, có nhiều nhà đầu tư bỏ ra không ít vốn thầu lại các bất động sản để cho thuê, nhưng thiếu kinh nghiệm chuyên môn. Trong khi đó, họ lại quản lý nhiều địa điểm lưu trú ở cùng một thời điểm, lúng túng trong xây dựng chiến lược cạnh tranh. Cho nên, không thể tối ưu hóa doanh thu và công suất phòng cho thuê, dẫn đến lỗ vốn, phải giải thể. Việc kinh doanh Airbnb đang chứng minh đây là kênh đầu tư có khả năng mang đến nhiều lợi nhuận, nhưng là "cuộc chơi" chỉ dành cho những nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược và biết cách tạo các giá trị khác biệt để thu hút du khách. Ngoài ra, rủi ro thường gặp mà các chủ nhà phải đối mặt là thiệt hại về cơ sở vật chất. Nếu du khách không có ý thức giữ gìn hay sự khó chịu của cư dân xung quanh vì sự xuất hiện của những vị khách lạ trong khu chung cư, tập thể.
Thêm nữa, giao dịch trên Airbnb giữa chủ nhà và người thuê được thiết lập chủ yếu dựa vào niềm tin giữa những người lạ mặt. Không có cơ sở để bảo đảm chắc chắn về độ chính xác của những thông tin được trao đổi, cho nên nhiều trường hợp khách bị vỡ mộng vì thực tế khác xa quảng cáo. Bên cạnh đó, để tận dụng tối đa các không gian vì mục đích cho thuê kiếm lợi nhuận, không ít chủ nhà đã lách luật, tự ý cải tạo, xây dựng thêm các công trình phụ trợ, chủ động kinh doanh thêm các hoạt động trải nghiệm mà chưa xin phép hoặc bỏ qua các quy định về cảnh báo an toàn, phòng, chống cháy nổ trong xây dựng, dẫn đến yếu tố an ninh, trật tự không được bảo đảm.
Với sự bùng nổ nhanh chóng về số lượng phòng đăng ký kinh doanh trên Airbnb tại Việt Nam, không ai dám chắc sẽ không xảy ra những sự cố đáng tiếc tương tự. Lời khuyên ở thời điểm hiện tại dành cho những người thuê là cần nghiên cứu thật kỹ thông tin về điểm đến, nên chọn những nơi được chủ nhà chia sẻ với nhiều mô tả, hình ảnh, tốt nhất là những điểm đã được nhiều người trải nghiệm và có đánh giá tích cực để bảo đảm tính chân thực, độ an toàn…
Nhiều đại diện khách sạn chia sẻ, đến thời điểm này Airbnb vẫn chưa tạo sức ép quá lớn đối với ngành kinh doanh lưu trú truyền thống. Nhưng với tốc độ phát triển như hiện nay, chắc chắn đây sẽ là kênh chi phối tạo áp lực và nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường lưu trú du lịch. Trên thực tế, các chủ nhà chủ yếu chỉ đăng ký có căn hộ cho thuê trên hệ thống Airbnb - ứng dụng online có trụ sở ở nước ngoài. Toàn bộ giao dịch giữa các bên được thực hiện trực tuyến qua mạng internet, không dùng tiền mặt, không cần xuất hóa đơn. Các cơ quan chức năng cũng chưa có những thống kê đầy đủ, chính xác về số lượng các cơ sở được kinh doanh theo mô hình này, chưa có những biện pháp quản lý cụ thể. Mất ít chi phí vận hành, lại có thể "lách" phần thuế kinh doanh dịch vụ, cho nên các cơ sở lưu trú qua Airbnb rất dễ dàng hạ giá.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Báo cáo: Homesharing Vietnam Insights.
Top 5 xu hướng định hình bất động sản Việt Nam 2019 - Công ty Dịch vụ bất động sản toàn cầu JLL.
Một số website: fr.airbnb.com/s/Vietnam,outbox-consulting.com/
The sharing economy - Airbnb: A case study
Master. Lai Thi Tuyet Lan
Faculty of Economic Law, University of Finance and Marketing
ABSTRACT:
In the context of rapid changes from the 4.0 Industry, using technological advances and taking advantage of the sharing economy have become a strategic trend of businesses, especially those that operate in tthe hospitality sector. These factors facilitate the establishment and the growth of Airbnb which is an online rental platform. Airbnb has operated in Vietnam since 2015 and this online rental platform has witnessed a strong growth in many cities.
Keywords: Airbnb, lodging service, sharing economy.