'Vi khuẩn ăn thịt người' - Căn bệnh này là gì và nguy hiểm như thế nào?

Miền Trung sau khi phải gánh chịu một loạt các cơn bão lớn và mưa, lũ lụt đi cùng. Kèm theo đó là báo cáo tăng nhanh bất thường các ca bệnh vi khuẩn ăn thịt Whitmore.

"Vi khuẩn ăn thịt người" - Căn bệnh này là gì?

Bệnh Whitmore (hay tên gọi khác là Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomalle gây ra. Vi khuẩn B. pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm khuẩn B. pseudomallei. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.

Bệnh Whitmore nguy hiểm như thế nào?

Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng đa dạng, phức tạp như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, thường chẩn đoán nhầm với bệnh khác như: bệnh viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, bệnh nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu... Thời gian ủ bệnh thường từ 1 – 21 ngày.

Người mắc bệnh Whitmore có tỷ lệ tử vong cao lên đến 40-60%. Trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh

Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào năm 1925 tại TP.HCM sau đó xuất hiện rải rác ở một số địa phương và gần đây được ghi nhận gia tăng tại một số địa phương.

Số ca mắc bệnh do vi khuẩn ăn thịt người Whitmore tăng mạnh ở miền Trung

Theo ghi nhận của Bộ Y tế, từ đầu tháng 10/2020 đến nay, tại khu vực các tỉnh miền Trung bệnh Whitmore vi khuẩn "ăn thịt người" tăng đột biến.

Ngày 24/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết có gần 30 trường hợp mắc bệnh Whitmore. Tính riêng từ giữa tháng 10, bệnh viện đã ghi nhận 24 trường hợp. Trong số họ, 4 người đã tử vong.

Tại Đà Nẵng, thời điểm từ ngày 1/1 đến hết tháng 9, chỉ tiếp nhận 4 ca bệnh Whitmore. Tuy nhiên tính từ ngày 1/10 - 25/11, bệnh viện đã tiếp nhận 29 ca, trong đó phần lớn đến từ Quảng Nam, một số ở Nghệ An, Quảng Ngãi và Đà Nẵng.

Trong 29 bệnh nhân mắc bệnh, có 3 ca nặng được chuyển từ Khoa Y học nhiệt đới sang Khoa Hồi sức tích cực điều trị. Nhưng đã có 2 trường hợp tử vong (một trường hợp ở Quảng Nam, một trường hợp ở Quảng Ngãi) do bệnh nặng.

Nguyên nhân bệnh Whitmore gia tăng đột biến?

Thời gian qua, các tỉnh miền Trung phải sống chung với lũ lụt,và bùn đất ô nhiễm sau lũ là yếu tố nguy cơ. Mưa lũ cũng dễ gây nên tổn thương da và gia tăng tiếp xúc với bùn đất nhiễm bệnh, uống nước nhiễm bệnh.

Theo đó, chế độ ăn, chất lượng sống giảm do bão lũ làm suy giảm sức đề kháng, tăng stress…

Những yếu tố này chính là nguyên nhân làm khả năng mắc bệnh Whitmore tăng lên đáng kể trong thời gian qua.

Hiện nay, bệnh Whitmore chưa có vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, để phòng bệnh Whitmore, người dân cần chủ động hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất, nước, bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng. Trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn.

Chú ý, khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-khuan-an-thit-nguoi--can-benh-nay-la-gi-va-nguy-hiem-nhu-the-nao-post106724.html