Vi khuẩn HP nguy hiểm như thế nào?

Vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P) sống trong lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày, là nguyên nhân chính gây ra viêm, loét dạ dày - tá tràng. Đây cũng là tác nhân gây ung thư dạ dày - loại ung thư nguy hiểm thường gặp ở nước ta.

 Bác sĩ tư vấn điều trị cho người bệnh - Ảnh: N.P

Bác sĩ tư vấn điều trị cho người bệnh - Ảnh: N.P

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm H.P ở người lớn chiếm tới hơn 70%. Vi khuẩn này có khả năng lây nhiễm trên mọi đối tượng thông qua đường ăn uống, trực tiếp qua nước bọt của người bệnh hoặc qua các thủ thuật tiêu hóa như nội soi tiêu hóa, nội soi mũi họng…

Vi khuẩn H.P sống trong dạ dày, tiết ra một số độc tố có thể làm phá hủy lớp bảo vệ niêm mạc của dạ dày, gây ra rất nhiều bệnh lý như viêm dạ dày cấp tính, viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày.

Một số nghiên cứu cho thấy, người nhiễm H.P có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao gấp 2-6 lần so với người không bị nhiễm. Vi khuẩn H.P còn là tác nhân gây ra một dạng ung thư tế bào lym-phô ở niêm mạc dạ dày, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, thiếu máu thiếu sắt không rõ nguyên nhân hoặc mề đay mạn tính, viêm da cơ địa.

Theo bác sĩ, dù H.P có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nhưng không phải người nào bị nhiễm H.P cũng sẽ diễn tiến xấu, cần phải điều trị mà phụ thuộc vào yếu tố di truyền, độc tính của chủng loại H.P và chế độ ăn uống, sinh hoạt của người bệnh. Nhiều trường hợp nhiễm H.P ở dạng tiềm ẩn, ổn định, không gây ra triệu chứng nhưng người bệnh lại quá lo lắng dẫn đến tốn kém trong điều trị, gây nhiều tác dụng phụ không cần thiết. Những trường hợp này có thể chỉ cần theo dõi định kỳ theo chỉ định.

Bác sĩ Hoàng cho biết, trong trường hợp vi khuẩn H.P gây các biểu hiện lên dạ dày, làm xuất hiện triệu chứng đầy bụng, khó tiêu hoặc đau vùng thượng vị, người bệnh nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để kiểm tra xem có phải tác nhân do H.P hay không. Nếu kết quả dương tính thì nên tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ, đồng thời tầm soát những người trong gia đình hoặc người tiếp xúc gần với người nhiễm để phát hiện và điều trị nhằm phòng ngừa lây nhiễm.

"Phác đồ điều trị H.P cho người bệnh có chỉ định bao gồm ít nhất 2 loại kháng sinh kết hợp với thuốc kháng tiết a-xít. Thời gian điều trị khoảng 14 ngày, sau đó có thể uống thêm thuốc kháng tiết a-xít để giúp lành các tổn thương ở dạ dày và giảm triệu chứng", bác sĩ Hoàng cho hay..

Các thuốc điều trị H.P thường có nhiều tác dụng phụ và cách sử dụng khác nhau. Vì vậy người bệnh cần được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn cách sử dụng thuốc thật kỹ càng, chi tiết. Ngay khi xuất hiện tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, tiêu lỏng, đắng miệng… người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn phác đồ phù hợp, tránh việc tự ý bỏ thuốc làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị, tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm.

Trưởng khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh do H.P gây ra, người dân nên tuân thủ các biện pháp vệ sinh ăn uống như ăn chín - uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không sử dụng chung các vật dụng ăn uống. Cần chọn lựa các quán ăn, thực phẩm đảm bảo vệ sinh.

Khi phát hiện bị nhiễm H.P phải đến gặp bác sĩ để được tư vấn và tuân thủ đúng phác đồ điều trị để đạt kết quả diệt trừ H.P đồng thời tầm soát, điều trị cho những người sống chung, ăn chung để tránh tái nhiễm sau khi đã điều trị thành công.

Có thể bạn chưa biết đến loại 'vi khuẩn ăn thịt người' nguy hiểm hơn cả Whitmore

Nguyệt Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vi-khuan-hp-nguy-hiem-nhu-the-nao-20210412154633855.htm