Vì lý do này, Mỹ sẽ cấm thiết bị viễn thông mới từ hai công ty Trung Quốc
Ủy ban truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) dự kiến sẽ thông qua lệnh cấm các thiết bị viễn thông mới từ Huawei Technologies và ZTE của Trung Quốc tại quốc gia này vì lý do an ninh quốc gia.
Tuần trước, Chủ tịch FCC Jessica Rosenworcel thông báo lệnh cấm được đề xuất này tới ba ủy viên khác để phê duyệt lần cuối.
Các công ty trên sẽ không thể bán thiết bị mới ở Mỹ nếu không có giấy cấp phép kinh doanh.
Trong một thông báo ngày 13/10, bà Rosenworcel cho biết, FCC vẫn cam kết bảo vệ an ninh quốc gia bằng cách đảm bảo rằng thiết bị liên lạc không đáng tin cậy không được phép sử dụng trong biên giới nước Mỹ và Ủy ban đang tiếp tục công việc này.
Thời hạn cuối cùng để FCC thông qua lệnh cấm dự kiến vào giữa tháng 11 tới.
Hồi tháng 6/2021, Ủy ban trên đã bỏ phiếu để thúc đẩy kế hoạch cấm phê duyệt thiết bị từ các công ty Trung Quốc bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, bao gồm Huawei và ZTE, khỏi mạng viễn thông của Mỹ.
Động thái này được đưa ra sau khi FCC hồi tháng 3/2021 đã đưa 5 công ty Trung Quốc (gồm Huawei, ZTE, Hytera Communications Corp, Hangzhou Hikvision Digital Technology Co và Zhejiang Dahua Technology Co) vào “danh sách được cho là gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia theo luật năm 2019”.
Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ Mark Warner đã bày tỏ sự vui mừng trước hành động của FCC và nói rằng, cơ quan này "cuối cùng đã thực hiện bước đi để bảo vệ mạng lưới và an ninh quốc gia của nước Mỹ".
Trong năm 2022, FCC đã bổ sung AO Kaspersky Lab của Nga, China Telecom (châu Mỹ) Corp, China Mobile International USA, Pacific Networks Corp và China Unicom (châu Mỹ) vào danh sách trên.
Ủy viên FCC Brendan Carr cho biết, vào năm 2021, FCC đã phê duyệt hơn 3.000 đơn đăng ký từ Huawei kể từ năm 2018. Năm 2019, Washington đã đưa Huawei, Hikvision và các công ty khác vào “danh sách đen” kinh tế.
Cũng trong năm 2020, FCC đã coi Huawei và ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với các mạng truyền thông, sau đó đưa ra một tuyên bố cấm các công ty Mỹ sử dụng nguồn vốn từ quỹ chính phủ trị giá 8,3 tỷ USD để mua thiết bị từ các công ty này.