Vì màu xanh của đất

Thuở còn học trung học đệ nhất cấp, tôi theo ngoại ngữ chính là tiếng Anh. Bộ sách giáo khoa Tiếng Anh Ngày Nay (English For Today) làm tôi ấn tượng và nhớ mãi 2 chủ đề về 'người gác rừng' và tâm trạng mong mưa của người nông dân tên Lâm. Có lẽ, nỗi mê say về một thiên nhiên đầy màu xanh đã ăn vào máu thịt từ khi còn bé mà tôi mê thích đến nỗi thuộc lòng 2 bài ăm ắp màu xanh này.

Lên đại học, ưu tiên số một của tôi là Khoa Thủy lâm (Khoa Lâm nghiệp hiện nay). Vậy nên tôi nộp đơn xin thi tuyển vào Học viện Quốc gia Nông nghiệp cộng thêm Khoa Toán bên Trường Sư phạm để dự phòng. Kết quả, tôi đỗ cả 2 và ngay lập tức chọn theo học ngành nghề rừng mình yêu thích.

Ra trường, tôi nhận quyết định phân công tác về tỉnh Sông Bé (cũ). Sau một thời gian, tôi xin chuyển về Gia Lai-Kon Tum, quê hương thứ 2, nơi mà tôi luôn có cảm giác sẽ là chốn để mình nương tựa về công việc, tình thân và ở đó còn nhiều kỷ niệm không quên. Nguyện vọng của tôi nhanh chóng được giải quyết.

Về lại chốn xưa, đón nhận tôi là một huyện nghèo phía Bắc tỉnh, nơi gánh chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, bom đạn và chất khai quang làm vỡ nát màu xanh của rừng, những mảnh xanh canh tác nông nghiệp cũng trở nên chắp vá, tạm thời. Trong 5 năm ở đó, tôi đã kịp góp một phần nhỏ công sức và chuyên môn của mình để tái tạo, phủ xanh hàng ngàn héc ta đất trống đồi trọc thành rừng thông đầy sức sống.

Kông Chro, An Khê, Ia Pa là vùng đất đáng nhớ tiếp theo trong tôi với từng mảng xanh của bạch đàn, keo lai được lần lượt lấp đầy. Giai đoạn được điều động về Sở, là một chuyên viên về lâm sinh, tôi có điều kiện đi khắp tỉnh để nhận thấy rằng việc trả lại màu xanh cho đất sẽ rất dài lâu, sẽ mất nhiều công sức, tiền của và không chỉ từng đó.

Không gian xanh tại hồ Diên Hồng (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên

Không gian xanh tại hồ Diên Hồng (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên

Điều kiện lập địa (thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình) chung của Gia Lai rất thuận lợi cho các loại cây trồng rừng phát triển. Chất lượng rừng được nghiệm thu trên hầu hết địa bàn là những con số đầy lạc quan. Một lần, tôi được phân công hướng dẫn kiêm phiên dịch cho một đoàn khách của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tham quan và khảo sát tái sinh rừng tại tỉnh; thấy mật độ sống của khu rừng thông 3 lá trồng ở Mang Yang, khách trong đoàn trầm trồ và bày tỏ sự ngạc nhiên.

Một chuyên gia người Ấn Độ nói với tôi: “Người trồng rừng ở đây hạnh phúc quá! Bên Ấn, trồng xong, tỷ lệ sống rất thấp, thường không quá 50%”. Sự thuận lợi về điều kiện lập địa đúng là vốn quý trong tái tạo màu xanh cho đất tại Gia Lai, chỉ cần đúng thời vụ, đúng giống cây mà chọn.

Vui mừng nhất là được ngắm những cá thể bắt đầu đâm chồi non sau một thời gian ngắn xuống đất. Cứ mỗi năm qua, tầm mắt cứ phải ngước dần lên theo sức tăng trưởng chiều cao và không thể không buồn tiếc cho vài cây bỗng khô cành, héo lá. Ngậm ngùi khi có nơi rừng chẳng còn vì thay đổi... quy hoạch. Có những khoảnh rừng tôi đã sống qua hàng chục năm, có nơi chỉ ghé tham quan, làm việc, tất cả đều đem đến cho tôi cảm xúc tràn đầy khi có dịp trở lại, nhất là nơi từng hàng cây lớn lên có sự tái sinh và chăm sóc trực tiếp của mình.

Khi bỏ rừng về phố, chứng kiến hàng loạt cây cổ thụ bị chặt bỏ khỏi vỉa hè vì áp lực chỉnh trang phát triển đô thị, tôi không thôi buồn và tiếc. Sau gần 10 năm thì tâm trạng đã khả quan hơn khi công bằng mà so sánh với nhiều tuyến đường Yên Đổ, Tăng Bạt Hổ, Lê Hồng Phong của Phố núi trước đây hiếm hoi cây xanh giờ đã rợp bóng. Các đại lộ mới đều trồng bù thích đáng.

Có lẽ chỉ tầm 5 năm nữa, Pleiku lại là “Phố núi cây xanh” như đã từng. Tôi thì có “đánh chết không bỏ”, mê màu xanh của lá, của cây như mê người tình mà chắc đâu chỉ riêng tôi, ai mà chẳng muốn được sống giữa cây lá, trong lành và khoáng đạt...

NGUYỄN NGHI

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12383/202010/vi-mau-xanh-cua-dat-5704541/