Vì một COC thực chất, hiệu quả

Mới đây, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã hoàn thành vòng rà soát lần thứ nhất đối với dự thảo văn bản Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đây được cho là bước tiến quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến trình đàm phán, xây dựng hoàn thiện một COC thực chất và có hiệu quả, góp phần duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 13 tại Singapore hồi tháng 11-2018, các nhà lãnh đạo Trung Quốc - ASEAN đã đạt được sự đồng thuận và đồng ý hoàn thành vòng thẩm duyệt đầu tiên của dự thảo COC vào năm 2019. Ảnh: asean.org

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 13 tại Singapore hồi tháng 11-2018, các nhà lãnh đạo Trung Quốc - ASEAN đã đạt được sự đồng thuận và đồng ý hoàn thành vòng thẩm duyệt đầu tiên của dự thảo COC vào năm 2019. Ảnh: asean.org

Quãng đường dài...

Nhiều năm qua, Trung Quốc và các nước ASEAN đã có những nỗ lực không ngừng để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông. Tháng 11-2002, Bộ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tại Phnôm Pênh. Điều 10 của DOC nêu rõ: Các bên liên quan nhắc lại rằng việc xây dựng COC sẽ thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định trong khu vực và đồng ý nỗ lực hướng tới đạt được mục tiêu cuối cùng trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên, đến nay đã được 17 năm.

Từ DOC đến COC là một con đường dài gian nan, liên tục. Vốn được khởi động từ năm 2013, COC được coi là phiên bản nâng cấp và củng cố của DOC. Trung Quốc và các thành viên ASEAN đã chính thức bắt đầu đàm phán về COC từ tháng 5-2017 và đưa ra được một dự thảo đầu tiên bao gồm lập trường của các bên liên quan tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 vào tháng 8-2018. Đây là một bước tiến mới và quan trọng đạt được kể từ khi triển khai tham vấn COC đến nay, được coi như việc Trung Quốc cùng với các nước ASEAN xây dựng “trụ cột” cho COC.

Tháng 11-2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 13 tại Singapore. Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc - ASEAN, các bên đã đạt được sự đồng thuận và đồng ý hoàn thành vòng thẩm duyệt đầu tiên của dự thảo vào năm 2019. Phía Trung Quốc đề xuất hoàn thành tham vấn COC trong vòng 3 năm tới. Dự thảo văn bản tham vấn đơn nhất về COC vẫn chưa được công bố, nhưng chắc chắn, quá trình tham vấn COC sẽ rất phức tạp.

…nhiều chông gai

Mặc dù nội dung dự thảo COC cho đến nay vẫn chưa được công khai, nhưng theo phản ánh của giới truyền thông thì công việc đàm phán tới đây sẽ rất khó khăn và mang tính đối kháng trực tiếp, cần có sự thỏa hiệp trước những yêu cầu động chạm đến lợi ích của các bên. Theo giới chuyên gia, các cuộc đàm phán trong tương lai về từ ngữ được dùng trong COC sẽ trở nên khó khăn hơn. Tất cả các bên đều bất đồng về phạm vi mà COC nên bao trùm và quốc gia bên ngoài nào được tính đến. Có thể COC sẽ hoạch định cách thức các quốc gia trong khu vực cần khai thác các nguồn tài nguyên ở các vùng biển tranh chấp và nơi các cuộc tập trận quân sự với các nước bên ngoài có thể được tổ chức. Tất cả những điều này là những vấn đề gây tranh cãi cần được giải quyết.

Mặt khác, mặc dù COC mang tính ràng buộc, nhưng mức độ ràng buộc đến đâu và hiện vẫn chưa rõ bộ quy tắc này có trở thành văn kiện pháp luật quốc tế được công nhận rộng rãi như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, hoặc Quy tắc tránh va chạm ngẫu nhiên trên biển của ASEAN năm 2016 hay không. Trong khi chờ đợi, những diễn biến gần đây tại Biển Đông cho thấy, việc các bên phải tiếp tục nỗ lực để sớm hoàn thiện COC là điều cần thiết.

ASEAN và Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm, song những “trụ cột” cần được thống nhất và xây dựng có thể là những nội dung liên quan đến phương diện phạm vi địa lý, trách nhiệm hợp tác, vai trò của bên thứ ba và địa vị pháp lý.

Theo chuyên gia Termsak Chalermpalanupap thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore, năm 2020 sẽ là một năm khả quan để đạt được COC. Ông cho biết, trong năm nay, Trung Quốc và ASEAN tập trung vào tự do hóa thương mại. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng có thể là năm tới. Năm tới sẽ đến lượt Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có thể có nguyên nhân chiến lược để làm việc với Việt Nam”.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 vào tháng 8-2018 đã đưa ra được một dự thảo đầu tiên của COC. Ảnh: asean.org

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 vào tháng 8-2018 đã đưa ra được một dự thảo đầu tiên của COC. Ảnh: asean.org

Đánh giá triển vọng đạt được COC theo đúng kế hoạch cũng không thể không kể tới vai trò của Philippines. Philippines được giao trách nhiệm làm điều phối viên của các nước Đông Nam Á trong quan hệ với Trung Quốc kể từ năm 2018, với một nhiệm kỳ 3 năm. Chỉ tiêu 3 năm hoàn thành COC mà Bắc Kinh đưa ra trùng hợp gần như hoàn toàn với nhiệm kỳ điều phối viên đặc trách quan hệ ASEAN-Trung Quốc của Philippines, trên nguyên tắc, sẽ kết thúc vào năm 2021.

Theo giới quan sát, một COC hiệu quả vừa phải quản lý được các tranh chấp, vừa phải duy trì được sự ổn định lâu dài cho các hoạt động tác nghiệp khác tại Biển Đông. Thêm vào đó, khu vực này còn là một trong những tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng nhất trên thế giới, nên công tác quản lý buộc phải dựa trên cơ sở các quy tắc, duy trì độ mở, bao trùm, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không. Do vậy, tất cả các bên cần tiếp tục nỗ lực, thông qua đàm phán để giảm bớt khác biệt, thông qua phương pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.

Hồng Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vi-mot-coc-thuc-chat-hieu-qua/