'Vì một đại dương không rác thải nhựa'
Ngày 11-12, tại Hà Nội, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) phối hợp với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An (tỉnh Quảng Nam) trao giải Chương trình 'Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa'.
Ngày 11-12, tại Hà Nội, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) phối hợp với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An (tỉnh Quảng Nam) trao giải Chương trình "Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa".
Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, đây là một sân chơi để thế hệ trẻ xây dựng các ý tưởng thông qua áp dụng khoa học công nghệ vì một mục đích chung - một đại dương bền vững trong tương lai. Chương trình "Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa" thể hiện tính hợp lý trong việc đầu tư vào niềm đam mê, năng lượng và sự sáng tạo của những người trẻ tuổi - thế hệ phát triển bền vững, đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Quế Lâm chia sẻ, chương trình nhằm hỗ trợ các nhóm thanh niên, nhà khoa học trẻ xây dựng, phát triển các giải pháp cho vấn đề thu gom, phân loại, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa. Hy vọng những sáng tạo sẽ phát triển nhân rộng, góp phần vào công tác triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương và Kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Điều quan trọng là thông qua Chương trình để nâng cao kiến thức, nhận thức, năng lực cho cán bộ, nhân dân, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương và phát triển nền kinh tế biển xanh.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An, đây là một sáng kiến để thanh niên có thể phát huy vai trò, năng lực và cả trách nhiệm trong việc giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa - một vấn nạn toàn cầu. Các sản phẩm sáng tạo của thanh niên từ Chương trình này sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và hành động để hướng đến một thế giới không rác thải, đặc biệt tại các khu dự trữ sinh quyển biển đảo như Cù Lao Chàm - Hội An, góp phần duy trì sự cân bằng hệ sinh thái biển và sự phát triển bền vững của đại dương.
Đại diện Công ty Coca-Cola, bà Phạm Bảo Trân cho biết, Coca-Cola mong muốn tạo nên những khác biệt mang ý nghĩa lâu dài cho cộng đồng, luôn đặt mục tiêu phát triển bền vững xuyên suốt quá trình thành lập và phát triển, trong đó, quản lý rác thải bao bì nhựa là một trong 4 trụ cột chính, bên cạnh trao quyền cho phụ nữ, hỗ trợ nâng cao tiếp cận nguồn nước sạch cũng như bảo tồn nguồn nước và nâng cao chất lượng sống người dân. Coca-Cola mong muốn các ý tưởng sẽ thực sự góp giá trị lâu dài, hữu ích đối với môi trường và cho xã hội.
Ba đội đã được trao giải Nhất, mỗi giải trị giá 70 triệu đồng để hiện thực hóa các ý tưởng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Cụ thể, đội Làng chài bình yên với ý tưởng "Thu gom rác đại dương bằng tri thức địa phương"; Đội Green River với ý tưởng "Thiết kế và thi công máy thu gom rác tự động trên mặt nước, dần phát triển thành chiếc máy thu gom rác thông minh"; Đội Storm với ý tưởng thiết kế "Biya-một bé robot đáng yêu có thể nói chuyện cùng mọi người".
Ba đội là Ba cây chụm lại với "Thùng rác phân loại rác thải nhựa có thể tái chế được tại nguồn với hệ thống báo đầy tự động"; Đội Octoplastic với "Làm gạch nhẹ từ rác thải nhựa đại dương"; Đội Bachuca với "Thiết kế ứng dụng trên điện thoại di động hướng dẫn, khuyến khích phân loại rác tại gia đình 2R-Plastic" nhận được giải thưởng Triển vọng, trị giá 10 triệu đồng/đội.
Đại diện đội Green River Huỳnh Ngọc Thái Anh chia sẻ, các thành viên trong đội đều rất tự hào vì đã đoạt giải Nhất. Đến với cuộc thi, mục tiêu của đội là đưa ý tưởng đến triển khai vào thực tế để có thể giúp ích cho nhiều người. Thông qua cuộc thi, mọi người được gặp gỡ, tìm hiểu, kết nối, hỗ trợ triển khai các ý tưởng ngày càng phát triển.
Chương trình nằm trong khuôn khổ của Sáng kiến "Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì đại dương xanh", phản ánh cam kết mạnh mẽ của UNESCO trong việc hỗ trợ Việt Nam duy trì một môi trường đại dương trong lành, bền vững. Mục tiêu của Sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức, hành động của cộng đồng về các vấn đề cốt lõi liên quan đến chất thải nhựa thông qua các chiến dịch và hoạt động giáo dục dài hạn, hướng đến thanh niên. Sáng kiến đồng thời tạo ra mạng lưới thanh niên, các nhà khoa học trẻ hành động vì sự đổi mới trong khoa học và kỹ thuật với vai trò như là một diễn đàn hỗ trợ chia sẻ kiến thức, ý tưởng sáng tạo từ các thanh niên của Việt Nam trong các vấn đề về môi trường và phát triển của quốc gia.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_235871_-vi-mot-dai-duong-khong-rac-thai-nhua-.aspx