Vì một lời hứa nhỏ
Chỉ thiếu nửa điểm nữa thôi là tôi đã đạt điểm tuyệt đối ở cả ba môn thi đại học. Nhưng điều đó không khiến tôi bất ngờ.

Minh họa: Chu Văn
Suốt ba năm phổ thông, tôi cày cuốc như một con trâu trên cánh đồng dày đặc chữ nghĩa và công thức. Những đêm thức tới hai, ba giờ sáng, mắt díp lại, chỉ định sập xuống. Tay cầm bút run run vì lạnh, nhưng tôi vẫn gắng giải cho kỳ được bài toán khó. Mùa mưa năm cuối cấp dài lê thê, những con đường làng đất đỏ sũng nước. Tôi lội qua đồng, áo mưa mỏng dính chặt vào da, tái người vì rét mà miệng vẫn không ngừng nhẩm đi nhẩm lại những công thức hóa học lởn vởn trong đầu.
Có lần, vì quá mệt, tôi chỉ định ngả lưng chốc lát trước giờ học thêm môn vật lý. Ai ngờ lại ngủ quên đến tối mịt. Bỏ lỡ buổi học hôm ấy, tôi ngồi bó gối bên hiên nhà, tiếc ngẩn ngơ như thể vừa đánh rơi cả tương lai. Từ sau lần đó, tôi đặt hai đồng hồ báo thức, nhất định không để lỡ thêm một buổi học nào nữa.
Với một đứa học sinh nghèo ở làng quê, ước mơ của tôi giản dị lắm: chỉ cần đỗ đại học. Đỗ đại học là được ra Hà Nội, được sống tự lập, học lấy một cái nghề rồi bước vào đời, đi làm, kiếm tiền… thế là đủ.
Nhưng bác tôi thì nghĩ xa hơn.
“Cháu mà không đi du học thì phí cả cái đầu đấy,” bác nói, tay đặt nhẹ lên vai tôi, ánh mắt nghiêm trang như thể vừa trao cho tôi một sứ mệnh.
Du học. Hai từ ấy với tôi xa vời như bầu trời đầy sao trên cánh đồng quê đêm mùa hạ. Tôi từng nghe nói về nó, từng thấy trên mạng những gương học tốt nhận học bổng, có khi tới cả tỷ đồng, nhưng tôi chưa một lần dám nghĩ mình sẽ có thể với tới.
“Nhưng nhà mình làm gì có tiền?”. Tôi nói nhỏ, gần như thì thầm.
“Tiền thì tính sau. Cháu cứ học sao cho giỏi đã”, bác đáp, ánh mắt vẫn đầy kiên định.
Thế là bác và bố tôi xách một túi quà quê, chẳng có gì nhiều, chỉ vỏn vẹn hai chai nước mắm cốt, một cân mực khô, rồi khăn gói lên Hà Nội thăm thầy hiệu trưởng của trường đại học mà tôi vừa đỗ. Hóa ra, thầy là người cùng làng với bác, ngày xưa từng cắt cỏ, chăn trâu chung với nhau.
Khi họ về, gương mặt rạng rỡ như vừa trúng vé số.
“Anh cứ yên tâm. Tôi sẽ tạo điều kiện cho cháu nó đi du học trong năm đầu. Cháu chỉ cần học giỏi, học ngoại ngữ cho tốt là được”, thầy hiệu trưởng nói thế.
Lúc đó, tim tôi đập thình thịch. Thầy hiệu trưởng, người mà tôi chưa một lần gặp mặt, vừa thắp lên ngọn lửa đầu tiên trong hành trình dài phía trước của tôi.
Tôi lên Hà Nội nhập học với một niềm tin lớn lao, mạnh mẽ như con sóng vỗ bờ trong ngày gió về, vừa rạo rực, vừa dữ dội. Tôi tin chắc rằng chỉ cần học thật giỏi, thật chăm chỉ, cánh cửa du học sẽ tự khắc mở ra. Lời hứa của thầy hiệu trưởng như một ngọn hải đăng dẫn đường.
Năm nhất, tôi cắm đầu học. Môn toán đại cương, tôi học ráo riết. Môn tin học, tôi đăng ký thêm trung tâm bên ngoài, ngồi chung bàn với mấy anh dân công nghệ. Thư viện trở thành nhà. Căng-tin là trạm tiếp nhiên liệu. Còn căn gác trọ ban đêm là nơi tôi co mình dưới ánh đèn bàn vàng, vừa học, vừa mơ ngày được lên máy bay.
Rồi, tôi đụng phải một bức tường, cao như núi. Môn tiếng Anh.
Buổi học đầu tiên, tôi bước vào giảng đường, ngồi ở hàng ghế thứ hai. Cô giáo tóc xoăn nâu, nói tiếng Anh trôi chảy. Tôi cố lắng nghe, cố hiểu, nhưng chỉ sau mười phút, đầu tôi ong lên, như thể có đàn ong vỡ tổ trong óc.
“What does it mean?”. Cô hỏi tôi.
Cả lớp cười rúc rích. Tôi đờ người, chẳng hiểu gì.
Tôi học tiếng Pháp ở cấp ba. Nhưng vì học theo ban A, kết quả là… tôi chẳng biết tí ngoại ngữ nào cả. Không tiếng Pháp, không tiếng Anh. Chỉ có tiếng thở dài nặng nề sau mỗi giờ học.
Lớp tôi có vài bạn Campuchia nói tiếng Anh như gió. Một vài bạn Hà Nội thì trôi chảy. Còn tôi, như một cục đá nằm giữa lòng suối, trơn trượt và lạc lõng.
“Mày phải học lại từ đầu thôi”. Cậu bạn cùng phòng nói, vừa đưa tôi quyển giáo trình sơ cấp cũ.
Tôi cười méo xệch: “Đến từ đơn giản như “Hello” tao còn chưa phát âm nổi”.
Nhưng tôi biết, muốn bước tiếp, tôi phải vượt qua bức tường này. Tôi bắt đầu hành trình học tiếng Anh theo kiểu… con nhà nghèo. Trung tâm nào miễn phí, tôi đến. Lớp học nào giá rẻ, khuyến mãi mua một tặng một, tôi đăng ký. Buổi hội thảo nào ở Hội đồng Anh, Đại sứ quán, tôi đứng lặng im cả tiếng, chỉ để nghe người ta nói tiếng Anh.
Nhưng kỳ một trôi qua, vẫn không có cuộc gọi nào từ văn phòng khoa, từ phòng hợp tác quốc tế, hay từ thầy hiệu trưởng.
Một hôm, lớp bên cạnh reo hò ầm trời. Bạn Lâm, người cùng thi đại học điểm cao như tôi, được chọn đi du học Đông Âu theo chương trình hợp tác giữa hai chính phủ. Tôi nghe tin ấy khi đang gặm bánh mì ở căng-tin giảng đường. Miếng bánh nghẹn lại nơi cổ họng.
“Còn mình thì sao?”. Tôi lẩm bẩm. “Thầy đã hứa mà…”.
Nhưng chờ mãi, cũng chẳng có ai nhắc gì tới tôi. Không có lời mời, không có thông báo, không một dòng tin nhắn. Tôi chạy lên phòng đào tạo hỏi. Cô nhân viên xem hồ sơ, rồi lắc đầu: “Em chưa đủ điều kiện tiếng Anh”.
Tôi bước ra khỏi văn phòng, đứng giữa sân trường, gió quất mạnh. Cảm giác như cả bầu trời sụp xuống. Một lời hứa bị bỏ quên. Một giấc mơ vỡ vụn.
Tối ấy, tôi lặng lẽ lên sân thượng nhà trọ. Gió thổi hun hút. Thành phố xa xa sáng lấp lánh như một giấc mơ. Tôi nhìn từng dãy nhà cao tầng sáng đèn, tim nghẹn lại.
“Mình đã chờ. Đã tin. Mình đã nỗ lực. Thế mà…”. Tôi thì thầm, giọng lạc đi trong gió.
Nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi bắt đầu lại từ con số không. Không tiền, không nền tảng, không ai chỉ đường. Nhưng tôi có một thứ, đó là sự kiên trì.
Tôi đi dạy kèm ban đêm, dành dụm từng nghìn lẻ. Mỗi tối, dạy xong, tôi vội vã đạp xe ra quán internet đầu ngõ, nơi mỗi giờ chỉ có bốn nghìn. Tôi cặm cụi tra từ điển, nghe tiếng Anh trên trang BBC Learning English bằng chiếc tai nghe rè rè, tay chép như điên vào vở. Chị chủ quán thấy vậy, bảo:
“Cậu học chăm thật. Nếu định thi lấy chứng chỉ thì tối 11 giờ qua, chị cho ngồi thêm tiếng nữa, khỏi tính tiền”.
Tôi mừng đến suýt khóc. Giữa thành phố này, mỗi ân tình nhỏ cũng trở thành chiếc phao cứu sinh.
Đầu năm hai, tôi được một người bạn giới thiệu tới lớp tiếng Anh của thầy Tân, mở ở một ngõ nhỏ phố Khâm Thiên. Lớp học nằm trên tầng ba, mái tôn, nóng hầm hập. Mỗi buổi học, có hơn bốn chục sinh viên chen chúc nhau, đứa ngồi bệt, đứa ngồi ghế nhựa, tay vở, tay bút, tất cả chăm chú nghe thầy giảng bằng tất cả say mê.
Thầy Tân từng là sinh viên trường tôi, đỗ học bổng, từng du học tại Anh quốc. Thầy về nước, đi làm ở một cơ quan một thời gian rồi nghỉ, mở lớp dạy tiếng Anh cho sinh viên nghèo. Thầy còn là nhà văn, nhà thơ. Giọng thầy vừa truyền cảm, vừa ấm áp:
“Các em đừng sợ tiếng Anh. Nó chỉ là một cánh cửa. Cánh cửa ấy không phân biệt giàu nghèo, chỉ chờ ai đủ kiên nhẫn đứng gõ đủ lâu…”.
Tôi ngồi hàng đầu, ghi chép từng từ, từng mẫu câu. Thầy có cách giảng gần gũi, các bài giảng được cắt ra từ các tờ báo tiếng Anh và tiếng Việt. Thầy dạy từ vựng, dạy nói, rồi dịch xuôi và dịch ngược. Thầy còn lồng vào đó biết bao câu chuyện đời nhân văn, như thể thầy không chỉ dạy chúng tôi tiếng Anh mà còn dạy chúng tôi làm người. Mỗi tuần, tôi đều bắt bản thân nộp bài tập đúng hạn, đọc một đoạn văn, luyện nói một chủ đề.
“Em định thi IELTS à?”. Thầy hỏi một hôm.
“Vâng, em… em muốn đi du học. Nhưng… em chưa từng được học cơ bản như các bạn chuyên ngữ”.
Thầy cười. “Càng hay. Người chưa bị khuôn mẫu nhồi vào đầu, học tự nhiên sẽ nhớ lâu hơn. Miễn là em quyết tâm”.
Tôi mua một máy cassette cũ ở cửa hiệu cầm đồ. Mỗi đêm, tôi nghe “Listen and Repeat” đến nỗi bạn cùng phòng phát cáu.
Tôi luyện nói từng đoạn tiếng Anh trong nhà vệ sinh, ở phòng ăn, ngoài hành lang. Tôi dán từ vựng lên tường, lên bàn, lên cả cái gương soi mặt. Tôi biến phòng trọ thành thế giới riêng để chuẩn bị cho một trận chiến. Mỗi ngày là một lần luyện đọc, viết, nghe, nói, đều đặn như đánh răng. Tôi đã tự viết cả một đoạn luận văn, sai be bét, nhưng vẫn gửi cho thầy Tân chấm. Rồi tôi đăng ký thi một chương trình học bổng dành cho sinh viên.
Thầy hiệu trưởng vẫn không nhắc gì đến lời hứa năm xưa. Nhưng tôi không trách thầy. Bây giờ tôi dần hiểu ra, trong một ngôi trường có hơn mười nghìn sinh viên, ai nhớ nổi một lời hứa làm quà cho một người bạn cũ cùng quê?
Nhưng tôi vẫn nhớ. Và tôi vẫn tin.
Đêm trước ngày thi IELTS, tôi đứng trên sân thượng, nơi tôi đã từng rơi nước mắt vì hụt hẫng. Nay, tôi nhìn lên trời. Trăng tròn. Gió lạnh. Tôi nhắm mắt, thì thầm:
“Mình đã gõ cánh cửa này… đủ lâu rồi”.
Hai tháng sau, khi đang làm thêm ở tiệm sách cũ, điện thoại rung. Số lạ. Tôi nghe máy, giọng nữ nhẹ nhàng vang lên:
“Chào em. Chị gọi từ Hội đồng. Em là Sơn, sinh viên Trường Bách Khoa, đúng không? Em vừa đỗ học bổng... Chúc mừng em!”.
Tôi chết lặng. Tiếng ồn ào xung quanh mờ dần. Mắt tôi nhòe đi. Tôi đi ra sau kệ sách, tựa vào tường, úp mặt vào hai tay. Lần đầu tiên trong đời, tôi khóc vì hạnh phúc.
Cầm cuốn hộ chiếu và chiếc vé, tôi đứng giữa sân bay Nội Bài. Bố tôi đứng bên, vẫn bộ quần áo công nhân cũ bạc màu, mắt đỏ hoe nhưng giấu. Mẹ gói cho tôi mấy miếng mứt gừng, dúi vào tay: “Sang đó lạnh lắm. Gió Tây khác gió mình. Ăn cho ấm bụng”.
Tôi ôm bố mẹ, nghẹn ngào không nói nổi. Lên máy bay, tôi nhìn xuống thành phố đang dần thu nhỏ lại bên dưới. Và bỗng nhớ tới thầy hiệu trưởng. Tôi rút cuốn sổ nhỏ trong hành lý xách tay, viết dòng nhật ký:
“Thưa thầy, em đang đến nước Anh. Em không biết thầy còn nhớ lời hứa hôm đó không. Nhưng với em, lời ấy như một ngọn lửa thắp lên trong mùa đông giá lạnh. Cảm ơn thầy, vì một lời hứa nhỏ, đã dẫn em đến giấc mơ lớn”.
Bên ngoài cửa sổ, tôi thấy máy bay đang lướt trên mây trắng bồng bềnh, ánh mặt trời chói chang mở rộng muôn hướng.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vi-mot-loi-hua-nho-post894568.html