Vì một Nghệ An mạnh về kinh tế biển
Dựa vào biển, làm giàu từ biển, đưa kinh tế biển thành ngành kinh tế mũi nhọn đã và đang là chủ trương lớn được tỉnh Nghệ An chú trọng triển khai bằng nhiều nội dung, kế hoạch mang tầm chiến lược.
Trong đó, có việc phát triển kinh tế hàng hải và xây dựng hệ thống cảng biển. Việc quy hoạch, phát triển khu bến cảng Đông Hồi tại huyện Quỳnh Lưu là một trong những trọng tâm chiến lược, vì một Nghệ An mạnh về kinh tế biển.
Kỳ vọng Đông Hồi
Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đã chỉ rõ: Nghệ An cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, địa phương trong vùng tập trung xây dựng và khai thác hiệu quả các cảng biển, hình thành hệ thống cảng biển hiện đại, đủ đáp ứng yêu cầu vận tải và vươn tầm ra quốc tế, trở thành quyết tâm lớn của tỉnh.
Thực hiện chủ trương đó, đến nay, Nghệ An có 7 cảng biển đang hoạt động. Cảng biển Nghệ An là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), gồm các khu bến Nam Cửa Lò, Bắc Cửa Lò, và khu bến cảng chuyên dùng Đông Hồi.
Trong đó, đáng chú ý là khu bến cảng chuyên dùng Đông Hồi. Theo quyết định phê duyệt số 838 ngày 28/4/2011 của Bộ Giao thông vận tải, Khu bến cảng Đông Hồi huyện Quỳnh Lưu ( Nghệ An) nằm trong quy hoạch nhóm cảng biển số 2, có diện tích gần 1.100ha, bao gồm cả khu đất và khu nước. Trong đó, phạm vi quy hoạch vùng đất hơn 540ha và phạm vi quy hoạch vùng nước hơn 556ha. Phía Bắc bến cảng giáp ranh giới giữa 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, phía Đông giáp biển Đông, phía Nam đến mũi Đầu Rồng và phía Tây giáp khu công nghiệp Đông Hồi.
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030 xác định: Cảng Đông Hồi là bến cảng chuyên dùng và đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch. Khu bến Đông Hồi phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp thuộc khu công nghiệp Đông Hồi (Nghệ An). Bến cảng có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 - 50.000 tấn. Khu bến cảng Đông Hồi được chia thành 4 phân khu chức năng: bến cảng nhà máy nhiệt điện, bến cảng nhà máy thép, bến cảng xi măng, vật liệu xây dựng và các khu chức năng khác. Riêng kinh phí dành cho khu bến cảng xi măng chiếm phần lớn nhất, với gần 8.000 tỷ đồng.
Bổ sung, cập nhật bến cảng chuyên dùng xi măng: Gỡ khó cho Đông Hồi
Kỳ vọng của Nghệ An đối với Khu bến cảng Đông Hồi là rất lớn. Theo phương án quy hoạch được phê duyệt, phạm vi quy hoạch khu bến cảng Đông Hồi có diện tích 1.096,7ha (bao gồm cả đất và khu nước) với đê chắn sóng phía Bắc dài 2,1km, đê chắn sóng phía Nam dài 3,4km, hình thành bến cảng rộng khoảng 556,3ha đáp ứng nhu cầu xây dựng 19 bến cảng chuyên dùng liền bờ với tổng chiều dài 4.450m cho tàu trọng tải đến 50.000 DWT, thông qua lượng hàng 5,8-7,0 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đến nay, chưa triển khai được theo quy hoạch.
Ngày 9/4/2020 vừa qua, tỉnh Nghệ An đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT về phương án xây dựng bến cảng chuyên dùng xi măng của Công ty CP Xi măng Tân Thắng, ngoài bến liền bờ cho tàu 5.000 DWT. Bến cảng chính do Công ty đề xuất có dạng bến nhô, được xây dựng tại vị trí có độ sâu tự nhiên thuận lợi cho việc khai thác tàu có trọng tải đến 50.000 DWT. Trường hợp phương án được triển khai, bến cảng có thể được khai thác ngay sau khi hoàn thành cho cỡ tàu theo quy hoạch mà không phụ thuộc vào việc hình thành các đê phía Nam và phía Bắc của khu bến, kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tế trước mắt phục vụ vận hành nhà máy xi măng Tân Thắng và góp phần thúc đẩy phát triển KCN Đông Hồi và khu bến Đông Hồi sau nhiều năm chưa thể triển khai. Đề nghị này của tỉnh Nghệ An đã nhận được sự ủng hộ của Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến để UBND tỉnh Nghệ An cập nhật quy mô và phương án điều chỉnh tổng thể các bến cảng còn lại khu bến cảng Đông Hồi.
Hy vọng phương án này sẽ sớm được thực thi và những kỳ vọng của Nghệ An về Khu bến cảng Đông Hồi sẽ sớm thành hiện thực trọn vẹn, góp phần tạo dựng một Nghệ An mạnh về kinh tế biển, giàu từ biển.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-mot-nghe-an-manh-ve-kinh-te-bien-post94381.html