Vì 'một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng đùm bọc và sẻ chia'

LTS: Nhân dịp 50 năm Ngày thành lập ASEAN (1967-2017), đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao có bài viết về quá trình hình thành, phát triển của tổ chức này cùng sự tham gia và đóng góp của Việt Nam. Báo Quân đội nhân dân trân trọng trích đăng bài viết này

Năm mươi năm trước, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính thức ra đời. Năm mươi năm chỉ như một “chớp mắt” của lịch sử, song với ASEAN đó là cả một chặng đường dài với bao gian khó nhưng có những mốc son lưu dấu, có những bước lớn mạnh, trưởng thành khi phấn đấu không mệt mỏi hướng tới mục tiêu “một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng đùm bọc và sẻ chia”.

Nửa thế kỷ ASEAN và những mốc son lịch sử

Các nước thành viên ASEAN gần gũi về địa lý, nhưng đa dạng về chế độ chính trị, văn hóa, ngôn ngữ và trình độ phát triển, trải qua những thăng trầm lịch sử với những mục tiêu và vận mệnh chung đã dần dần thu hẹp khoảng cách, hài hòa khác biệt, “tính đa dạng phong phú đã đem lại sức mạnh và nguồn cổ vũ, giúp nhau xây dựng một ý thức cộng đồng mạnh mẽ”. Từ ý tưởng sơ khởi về một cộng đồng ASEAN trong Tuyên bố Hòa hợp Ba-li II (năm 2003), với thực lực và nền tảng pháp lý đã có, với lộ trình xây dựng cộng đồng (2009-2015) được triển khai hiệu quả, ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời, mở ra một chương mới trong lịch sử của ASEAN, đưa hợp tác ASEAN lên một tầm cao mới.

Năm mươi năm vun đắp một cộng đồng

Cộng đồng ASEAN 2015 hình thành là kết quả của gần 50 năm hợp tác. Nền tảng vững chắc nhất, cũng là thành tựu lớn nhất chính là bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Cộng đồng chính trị-an ninh gắn kết sâu rộng được xây dựng trên cơ sở những cam kết chính trị, những chuẩn mực ứng xử đã được thiết lập cũng như các nguyên tắc về đồng thuận, không can thiệp công việc nội bộ, pháp quyền, quản trị, liêm chính đã hình thành trong đời sống chính trị ASEAN. Cộng đồng Kinh tế là sự phát triển cao hơn của Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA), kế thừa những kết quả liên kết kinh tế nội khối và kết nối với kinh tế toàn cầu, thừa hưởng lợi ích của các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các đối tác. Cộng đồng Kinh tế tạo động lực phát triển cho nền kinh tế các nước thành viên, đem lại cho người dân những cơ hội tiếp cận thị trường, mở rộng cơ hội đầu tư, kinh doanh. Các khuôn khổ, cơ chế và tập quán hợp tác, sẻ chia được hình thành trong các lĩnh vực từ giáo dục, văn hóa, y tế, phúc lợi xã hội, môi trường đến ứng phó các thách thức như: Bệnh dịch, ma túy, thiên tai... là các nhân tố định hình cho Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, đưa cộng đồng trở thành đại gia đình các dân tộc Đông Nam Á đùm bọc, chia sẻ và giúp đỡ nhau để cùng phát triển.

ASEAN cũng phát huy thành quả trong quan hệ đối ngoại, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với bên ngoài nhằm tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ thiết thực từ các đối tác, đồng thời củng cố và duy trì vai trò trung tâm ở khu vực. Những kết quả hợp tác nghị viện ASEAN và ngoại giao nhân dân góp phần làm phong phú và toàn diện bức tranh tổng thể Cộng đồng ASEAN trong tương lai.

Nhằm định hướng cho giai đoạn phát triển tiếp theo, các Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước, cam kết xây dựng “một cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức”.

Việt Nam trong ASEAN-cùng thắp sáng ngọn lửa chung

22 năm tham gia ASEAN, dù là thành viên đến sau, trình độ phát triển còn khoảng cách với nhiều nước, nhưng Việt Nam luôn thể hiện thiện chí và nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm, đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của ASEAN. Đó là nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy kết nạp các nước Đông Nam Á còn lại để hình thành ASEAN-10. Đó là vai trò tích cực của Việt Nam trong xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN. Đó là dấu ấn Việt Nam trong các sự kiện lớn như Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (tháng 12-1998), đảm nhiệm tốt nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2000-2001 và hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 với những kết quả to lớn và thực chất (như mở rộng Cấp cao Đông Á bao gồm tất cả các nước lớn ở khu vực, thành lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng Mở rộng…).

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn, trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, Việt Nam luôn khẳng định tiếng nói của tinh thần đoàn kết, thống nhất và nâng cao ý thức trách nhiệm chung nhằm ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

Từ khi Cộng đồng ASEAN hình thành cuối năm 2015, Việt Nam đã và đang cùng các thành viên ASEAN tích cực triển khai xây dựng cộng đồng, thực hiện nghiêm túc các cam kết và đề xuất sáng kiến trong nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong hai nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp ưu tiên trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Việt Nam cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, đảm nhận thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN với Trung Quốc (2009-2012), EU (2012-AC2015), Ấn Độ (2015-2018).

Từ tầm nhìn đến hành động: Việt Nam chung sức xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh

Trên cơ sở những mục tiêu và kế hoạch chung ASEAN đã xác định trong Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên 3 trụ cột cộng đồng, với thế và lực mới, Việt Nam tiếp tục tham gia hợp tác ASEAN trên mọi lĩnh vực với mức độ và phạm vi sâu rộng hơn các giai đoạn trước đó.

Là một thành viên chủ động, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong thúc đẩy đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, nhất là trong việc duy trì hòa bình, an ninh phục vụ phát triển của khu vực; đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên như hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), công nghệ sáng tạo số, nông nghiệp, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển; chủ động xây dựng các kế hoạch hành động, đề xuất sáng kiến, dự án khả thi liên quan đến nâng cao chất lượng sống của người dân như: An sinh xã hội, giáo dục, lao động, bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất giữa ASEAN với các đối tác lớn, phát huy vai trò của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong quan hệ với các quốc gia, tổ chức trên thế giới.

Là một thành viên tích cực, Việt Nam đã và đang thúc đẩy “văn hóa thực thi” trong ASEAN, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức, tăng cường hợp tác thực tiễn để ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, gắn kết giữa các cơ chế ASEAN có vai trò dẫn dắt ở khu vực (như: EAS, ARF, ADMM+,…); thực hiện đầy đủ các cam kết trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, nhất là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, giao thông vận tải, liên kết kinh tế thông qua các FTA hiện có cũng như thúc đẩy nâng cấp các FTA ở khu vực; tích cực triển khai Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN và các chương trình hợp tác chuyên ngành, ưu tiên các lĩnh vực y tế, du lịch, văn hóa, bình đẳng giới và tuyên truyền nâng cao nhận thức về Cộng đồng ASEAN.

PHẠM BÌNH MINH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/vi-mot-tam-nhin-mot-ban-sac-mot-cong-dong-dum-boc-va-se-chia-513910