'Vì một thập niên phát triển bền vững hơn'

Chiều 12/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể của Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 với chủ đề 'Vì một thập niên phát triển bền vững hơn', hướng đến cột mốc năm 2030.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể của Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể của Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019

Việt Nam đang vượt lên trong cuộc “đua xanh”

Hội nghị năm nay được đặt trong bối cảnh 10 năm tới (2020 - 2030). Đây là thời điểm quan trọng được coi là “nước rút” để Việt Nam hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Những kiến nghị từ hội nghị được kỳ vọng sẽ là đầu vào giá trị, đóng góp tích cực nội dung xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, với tầm nhìn và chính sách mới, để đưa đất nước bước vào một thập niên phát triển bền vững hơn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và đạt được nhiều kết quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững với 115 chỉ tiêu và lồng ghép vào tất cả các chủ trương, chính sách, kế hoạch hành động. Phó Thủ tướng nhấn mạnh không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững nếu không hành động đúng đắn, quyết liệt, đồng bộ từ tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, mọi người dân với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế.

Việc thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt những chính sách đó đã thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam và đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Năm 2018, Việt Nam đã xếp hạng 54/162 quốc gia lọt vào top 30% quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững và chỉ thua Thái Lan trong ASEAN.

Đặc biệt, tỷ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn dưới 7% năm 2017; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,4% năm 2017; Tỷ lệ học sinh hoàn thành giáo dục tiểu học là 99,7% năm học 2016-2017; Hơn 99% các hộ gia đình Việt Nam đã được tiếp cận với điện năm 2016; Tăng trưởng GDP năm 2015, 2016 và 2017 đạt tương ứng 6,7%, 6,2% và 6,8%...

"Đồng thanh tương ứng, đồng chí tương phùng”

Hội nghị đã thảo luận về nhiều chủ đề quan trọng như: Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn; Nhân rộng mô hình hợp tác công tư; Cải thiện nguồn nhân lực hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững…

Liên quan đến vấn đề phát triển vốn nhân lực tại Việt Nam, Việt Nam đang phải đối mặt với hai thách thức chính trong đảm bảo nguồn vốn nhân lực chất lượng cao, đó là cần thu hẹp khoảng cách cho các nhóm dân tộc thiểu số và tăng cường phát triển lực lượng lao động. Ông Daniel Dulitzky - Giám đốc Chương trình Phát triển Con người khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới) khuyến nghị cải cách các chương trình Mục tiêu quốc gia, cải cách hệ thống giáo dục đại học, thu hút thêm nữa sự đầu tư và tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực giáo dục đào tạo... Phía các doanh nghiệp có cho rằng “quốc sách về giáo dục cần được đẩy mạnh, đối tác công - tư và vai trò của tư nhân trong lĩnh vực đào tạo cần phải đóng vai trò then chốt”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, Việt Nam tiếp cận toàn diện với phát triển bền vững, Việt Nam phát triển không chỉ dựa trên 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường mà còn nhấn mạnh đến bảo tồn phát huy văn hóa, phát triển nguồn vốn con người, xã hội...

Nhấn mạnh Việt Nam phát triển bền vững nhưng phải phát triển nhanh, phải bứt phá để không tụt hậu, ông Thắng khẳng định, điều đó hoàn toàn có thể làm được nếu có thể chế tốt, nếu giải được bài toán công nghệ, bài toán thị trường và nguồn nhân lực và kết nối với kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Nhấn mạnh tính tích hợp trong phát triển bền vững rất quan trọng, ông cho rằng, nếu không có bộ dữ liệu, không kết nối và chia sẻ thông tin là rất lãng phí nguồn lực. Có dữ liệu, chia sẻ thông tin chính là phát triển bền vững. Đồng thời “bền vững” còn thể hiện ở các quy hoạch chương trình dự án, và sự kết nối, kết nối thông tin, kết nối quy hoạch và quan trọng nhất là kết nối chính sách. Làm được như thế thì doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, dân giàu và quốc gia bền vững.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển nhanh và bền vững bởi chúng ta còn không gian để phát triển, tiềm lực và nguồn lực trong dân còn lớn. Vì vậy, nếu cải thiện tốt hơn nữa môi trường kinh doanh, phát huy được tiềm lực, khơi dậy được tiềm năng trong dân… có cách làm đúng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7% trong 10 năm tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phát triển bền vững, phát triển nhanh là tất yếu và là yêu cầu cấp bách. Trong 30 năm đổi mới Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng đất nước.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, Thủ tướng đã đưa ra những yêu cầu cụ thể các với các bộ ngành địa phương, đặc biệt các vị Bộ trưởng... Nhấn mạnh phải thống nhất về nhận thức và hành động trong các cấp, ngành và toàn xã hội về phát triển bền vững, xem đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của mọi thành phần kinh tế, Thủ tướng nêu rõ: “Để làm việc lớn thì cần “đồng thanh tương ứng, đồng chí tương phùng”.

Linh Ly

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/vi-mot-thap-nien-phat-trien-ben-vung-hon-92133.html