Vì một thế giới trong lành

Từ những năm 1960, tôi đã biết hút thuốc lá và trở nên nghiện lúc nào không hay, do thời bấy giờ chưa có sự hiểu biết đầy đủ về tác hại của thuốc lá. Thuốc lá có thể gây ra nhiều bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe và dẫn đến cái chết. Thuốc không chỉ gây tác hại đến người hút trực tiếp mà còn ảnh hưởng đến nhiều người khác do hít phải không khí bị ô nhiễm bởi khói thuốc.

Người nghiện thuốc hằng ngày phải bỏ ra khoản tiền để mua thuốc tùy theo mức độ nghiện nặng, nhẹ và các loại thuốc đắt, rẻ khác nhau. Chưa nói tàn thuốc, giấy bao thuốc nếu người không có ý thức sau khi sử dụng vứt bỏ bừa bãi sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường…

Tôi bắt đầu hút thuốc lá ở tuổi mới 13-14. Khi đang còn đi học, tôi đã học đòi theo chúng bạn cùng trang lứa chung sống trong làng công nhân nghèo. Ngoài ra, tôi còn học và làm theo những đàn anh lớn hơn tôi từ 5-10 tuổi, thấy các anh túm tụm lại từ 3-4 người ngồi uống cà phê rồi thi nhau rít thuốc. Tôi quan sát để ghi lại trong đầu cách điệu nghệ từ quẹt lửa châm đến đưa điếu thuốc vào miệng rồi những ngón tay nhịp nhịp gõ gõ cho rơi tàn thuốc xuống đất và độc đáo hơn là cách các anh hít 1 hơi dài khói thuốc vào miệng rồi nhả ra từ từ những chữ o, e nối nhau thành dãy dài như người làm xiếc tài tình. Tôi ước ao làm được như vậy để chứng tỏ mình là người đã trưởng thành, người “sành điệu”.

Thời kỳ đầu tập hút, tôi chỉ mua vài điếu thuốc lẻ, chỉ hút vào dịp có bạn bè, lúc cần thể hiện nhưng sau nhiều ngày chất gây nghiện trong thuốc lá đã tác động mạnh đến sự thèm muốn trong cơ thể. Tôi đã trở thành con nghiện nên số lần, số lượng hút nhiều hơn. Những đồng tiền ít ỏi má dành dụm từ việc phải vất vả đi bán những nải chuối, trái thơm cho tôi để ăn quà khi đi học nhưng tôi đã dùng để mua một thứ duy nhất, đó là thuốc lá.

Năm 1965, sau khi rời ghế nhà trường, tôi gia nhập Quân Giải phóng. Khi tiễn con lên đường, ba má và các chị cho tôi 500 đồng, số tiền gần nửa tháng lương công nhân của ba tôi thời bấy giờ.

Vào căn cứ, những tân binh như chúng tôi được cấp phát 1 cái bồng (ba lo), 1 cái võng, 2 tấm ni-lon mưa, tấm dài để làm tăng che mưa, tấm ngắn để khi hành quân gặp mưa thì khoác lên người cho khỏi ướt. Việc ăn uống thì đơn vị có gì chị nuôi nấu cho ăn nấy. Thời ấy thông thường các món ăn chủ lực là mắm ruốc xào, cá khô nấu canh chua với lá két. Khoảng tháng 5, tháng 6 khi đến mùa mưa thì món ăn hằng ngày là măng, măng tre, măng nứa, măng lồ ô, măng le, rồi nào là măng đào, măng đạp, măng rung. “Măng rung” là cách diễn đạt việc thu hoạch măng ở giai đoạn các loại măng lên cao khoảng từ 1,5-2m, đoạn dưới đã già thành tre nên rung cho gãy để lấy đoạn non ở trên để ăn.

Giữa rừng sâu không có hàng quán, lương thực thực phẩm do bộ phận kinh tài cung cấp. Việc mua bán hàng hóa khó khăn nên có tiền cũng không làm được gì.

Trước khi vào căn cứ, tôi đã mua 5 cây thuốc Ru by đem theo để hút. Vào đơn vị mới, số thuốc lá mang theo tôi hút và chia sẻ với anh em cùng đơn vị nhưng chỉ một thời gian đã hết. Không có hàng quán để mua trong khi kinh tài có thuốc mua dự trữ nhưng để chia lại cho người nghiện hút thuốc lá chứ không phải loại hàng hóa được cấp phát. Từ đó trở đi số tiền ba má cho tôi mang theo và số tiền phụ cấp hằng tháng mỗi người là 60 đồng, tôi đều dành mua thuốc rê và giấy quyến để quấn thuốc hút, thỉnh thoảng mới mua cây kem đánh răng và cục xà phòng…

Tôi xin kể hoàn cảnh có thực trong cuộc đời tôi, khi tôi đã trở thành con nghiện. Nên nhớ, khi thuốc lá còn nhiều, việc mua bán dễ dàng thì bạn sẽ ít nghĩ đến lúc không còn thuốc. Nhưng khi không còn thuốc, đến lúc cơn “nghiện” nổi lên thì điều gì sẽ xảy ra? Thực tế không phải ai - những người nghiện cùng đồng loạt hết thuốc, sẽ có người hết trước, có người hết sau. Lúc đầu khi hết thuốc, bạn có thể đi xin từng điếu ở những người mà bạn biết còn thuốc. Nhưng đến một lúc bạn thấy không thể xin và tin chắc rằng họ sẽ không sẵn sàng cho và lúc này bạn không bao giờ thấy họ trực tiếp hút thuốc mà chỉ có thể ngửi thấy mùi thuốc bay tỏa vào buổi sáng từ hướng khu vực vệ sinh hoặc ngửi thấy mùi thuốc lá và ánh sáng từ điếu thuốc lóe lên như đom đóm ở khu nào đó trong đêm. May mắn sao cảnh chịu đựng cơn nghiện đầu tiên khi không có thuốc của tôi chỉ diễn ra hơn 1 tuần lễ. Sau đó có chuyến đi tải hàng tại cửa khẩu ở ngã ba Đức Liễu trên quốc lộ 14, lần này tôi được đi và mua về vài chục rê thuốc. Anh em trong đơn vị lúc này ai cũng có thuốc lá để hút…

Năm 1969, tôi được điều động lên núi Bà Rá công tác. Ở đơn vị này, chức năng hoạt động được trên giao rất cụ thể là đội biệt động phải bám trụ và chiến đấu, tích cực xây dựng lực lượng cách mạng trong quần chúng tại chỗ, thường xuyên có mặt trên địa bàn, sẵn sàng làm bàn đạp cho các đơn vị bạn khi có các trận đánh lớn.

Từ vùng giải phóng căn cứ vào núi phải vượt qua hệ thống ấp chiến lược đồn bốt dày đặc nên việc ăn ở sinh hoạt là hoàn toàn dựa vào dân tại chỗ. Ở trên chỉ phụ cấp tiền ăn và sinh hoạt cho đơn vị.

Từ năm 1969 đến cuối 1971, đơn vị chúng tôi bám trụ chiến đấu và công tác đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Việc ăn uống tương đối đầy đủ, lương thực thực phẩm không những đủ ăn còn có dự trữ và hỗ trợ một số đơn vị bạn.

Qua năm 1972, một sự cố bất ngờ trong đơn vị chúng tôi, đó là có 1 tên lính cũ ra chiều hồi. Trong thời kỳ còn công tác trên núi, hắn biết rất rõ đường đi nước bước, những cơ sở cách mạng, những quần chúng cảm tình nên khi ra chiêu hồi để lập công tạo sự tin tưởng, hắn đã chỉ điểm cho địch bắt hết. Thời gian này, cơ sở không còn, trước sự bắt bớ, tù đày khủng bố của địch, quần chúng trong địa bàn đơn vị chúng tôi hoạt động rất hoảng sợ, không còn ai dám tiếp xúc. Khi gặp chúng tôi, họ bỏ chạy hoặc van xin: “Các ông đừng làm khổ gia đình tôi”. Suốt vài tháng trời từ phải ăn độn đến giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm đó là đói cơm, đói muối, đói thuốc hút, chúng tôi đã bằng mọi cách để sống, bám trụ địa bàn.

Lúc này, sức khỏe của anh em toàn đơn vị giảm sút do thiếu cơm, thiếu muối. Cùng với sự hành hạ của cơn thèm thuốc, anh em đã tỏa ra các vị trí đóng chốt tìm kiếm những đuôi thuốc tàn để lấy những sợi đụn thuốc còn sót lại trong đó, nhiều đuôi cuốn lại thành 1 điếu. Lúc bấy giờ có câu: “Tam tàn quy nhất điếu” (tức ba điếu thuốc tàn quy thành một điếu) nhưng tàn thuốc đâu có nhiều, lại bị thời gian, mưa gió nên chỉ vài hôm, cơn nghiện lại trỗi dậy, 7-8 anh em trong đơn vị mỗi người ngồi một góc không ai buồn nói chuyện. Lúc này có người tiếp tục đi bới tìm các đuôi “dế”, người đi tìm lá xâm giây, xâm đất xắt nhỏ ra rang lên quấn hút nhưng chẳng ăn thua bởi các loại lá này không có chất kích thích gây nghiện...

Ngày này qua ngày khác, sức khỏe tinh thần anh em trong đơn vị hết sức căng thẳng, trong lúc đó chiếc máy bay “dầm già” thu băng phát tiếng loa chiêu hồi của tên phản động ra rả kêu gọi anh em ra “đầu thú”… Trước tình thế đó, tôi đã họp chi bộ, vì tất cả chúng tôi là đảng viên, để động viên tinh thần cho anh em vững vàng cố gắng vượt qua. Trong cuộc họp, nhiều anh em đề xuất tình hình này không nên thúc thủ, chúng ta phải đột ấp tiếp cận đồng bào xây dựng cơ sở mới. Ý anh em đề xuất rất có lý nhưng tôi biết bên trong những đề xuất ấy có ẩn ý là nếu tiếp cận được quần chúng không những giải quyết được bài toán về lương thực, thực phẩm mà còn có thể giải tỏa được cơn nghiện giày vò trong nhiều ngày…

Tối hôm ấy, chúng tôi đã tiếp cận ấp chiến lược Sơn Giang, ngôi nhà chúng tôi dự kiến đột nhập là nhà bà Chín. Đây là gia đình có cảm tình với cách mạng, có con là công an mật của ta chưa bị lộ, vì đây là cơ sở mới xây dựng sau khi tên chiêu hồi ra đầu thú.

Trong đợt đi này, chúng tôi đã rất cảnh giác, vừa đi vừa nghe ngóng động tĩnh và dò mìn trái đề phòng địch gài hoặc phục kích. Từ trong núi đi ra đến sát bìa đường phía bên kia gần đối diện nhà thờ tin lành Sơn Giang là nhà bà Chín, chúng tôi nằm sát đất nghe ngóng động tĩnh. Hôm đó, ánh trăng non lờ mờ, lúc đấy khoảng hơn 11 giờ đêm không có dấu hiệu gì khác thường, chúng tôi chuẩn bị vượt đường tiếp cận mục tiêu. 3 đồng chí được phân công lên cắt kẽm gai hàng rào, trong lúc anh em cắt rào gần xong thì bất thình lình 1 quả mìn của địch kích nổ ngọn lửa xanh lè, khói đen trùm lên 3 người đồng đội tôi. Đồng chí Vang là đội phó, người cắt kẽm bị trúng thương không biết chỗ nào, lúc này địch tập trung hỏa lực bắn về phía chúng tôi, pháo sáng đồng loạt bắn lên từ tiểu khu Phước Long và sân bay Phước Bình sáng rực. Đồng chí Vang đã tử vong, mình đè lên những hàng dây thép. Nhiều lần chúng tôi bò lên tìm cách tiếp cận để lấy thi thể đồng đội nhưng không thể. Đến 3 giờ sáng, sau nhiều lần đấu tranh tư tưởng, chúng tôi đành quay về lại núi, trên đường ra mưa rả rích, tâm trạng anh em ai nấy đều nặng nề, đau đớn…

Những tình tiết mà cuộc đời tôi - một người nghiện thuốc lá đã từng trải qua thực sự rất buồn, rất đau… đau lắm! Và tôi đã quyết định bỏ thuốc dù lúc đầu rất khó khăn nếu không có sự quyết tâm của bản thân thì cũng khó có thể vượt qua.

Sau này, đất nước ta ngày một phát triển, được đi đây đi đó hiểu biết nhiều điều, đặc biệt được các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra những bằng chứng, khuyến nghị về tác hại của thuốc lá, tôi thấy sự từ bỏ thuốc là rất đúng. Không những thế, tôi còn khuyên ngăn những cán bộ, bạn bè lớn tuổi cùng bỏ thuốc. Bác sĩ Hữu, nguyên Giám đốc Sở Y tế; đồng chí Thế Sương, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước được tôi khuyên can, rủ rê bỏ thuốc. Lúc đầu các đồng chí có tỏ vẻ khó chịu với tôi nhưng sau khi bỏ thuốc thành công, sức khỏe tốt hơn, mỗi lần gặp tôi đều vui vẻ nói lời cảm ơn.

Từ cuộc đời tôi - người có thâm niên hơn 10 năm nghiện thuốc lá, tôi đã từ bỏ thuốc lá thành công. Tôi rất mong các bạn hãy vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng nên sớm từ bỏ thuốc lá. Đặc biệt, tôi rất mong muốn các bạn trẻ hãy sớm thấy được tác hại của thuốc lá mà tự giác từ bỏ, đồng thời tuyên truyền, vận động để người khác “nói không với thuốc lá”. Chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực phấn đấu vì một thế giới trong lành, an toàn cho sức khỏe của mọi người.

Nguyễn Văn Thỏa
Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước,
nguyên Bí thư Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Sông Bé

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/130089/vi-mot-the-gioi-trong-lanh