Vì mục tiêu gỡ 'thẻ vàng' IUU (Bài 3): Vì danh dự quốc gia và những mục tiêu lâu dài
Những ngày này, Thanh Hóa đang tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp cùng với cả nước quyết tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) để vượt qua được đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban Châu Âu (EC) gỡ cảnh báo 'thẻ vàng' đối với thủy sản Việt Nam.
Video: các hoạt động chống khai thác IUU của các lực lượng chức năng.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện công tác chống khai thác IUU được các cấp, các ngành, đơn vị liên quan của tỉnh cùng với các địa phương ven biển triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cấp bách để khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC. Trong 3 tháng đầu năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh về chống khai thác IUU, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND cấp huyện rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn; rà soát, tổng hợp tàu đã cấp phép khai thác, tàu cá “3 không” báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm cơ sở điều chỉnh hạn ngạch giấy phép khai thác năm 2024.
Các lực lượng có liên quan của tỉnh cũng tập trung xác minh, xử lý tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên 6 tháng và tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên mất kết nối trên biển trên 10 ngày. Tính đến ngày 12/3, các cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt 11 vụ vi phạm không duy trì kết nối thiết bị VMS. Nguyên nhân được các lực lượng chức năng xác định là do chủ tàu không đóng phí thuê báo của thiết bị VMS, thuyền trưởng tắt hoặc vô hiệu hóa thiết bị, do lỗi kỹ thuật, chất lượng của thiết bị không đảm bảo và có nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân.
Theo chủ tàu mang số hiệu TH 90085 TS Nguyễn Văn Trung, phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn), "trong chuyến biển khai thác ngư trường Vịnh Bắc bộ trung tuần tháng 2/2024 vừa qua, tàu của tôi mất tín hiệu thiết bị VMS về trạm bờ. Trong quá trình khai thác, các thuyền viên tập trung thu tời lưới và tập kết bảo quản hải sản, không biết tàu bị mất kết nối VMS. Khi tàu về cập Cảng cá Lạch Hới, các lực lượng chức năng đã xuống xác minh nguyên nhân và lập biên bản xử lý hành vi ngắt kết nối VMS trên tàu cá. Qua sự việc này, tôi đã liên hệ với đơn vị cung cấp lắp đặt thiết bị VMS kiểm tra, bảo dưỡng để thiết bị hoạt động ổn định, chúng tôi yên tâm hơn mỗi lần vươn khơi bám biển".
Việc xử lý triệt để tàu cá ngắt kết nối VMS và chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác, chứng nhận an toàn kỹ thuật, nhật ký khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá là một trong những nội dung mà Đoàn thanh tra của EC khuyến nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc trong đợt thanh tra lần thứ 4. Nhận thức được điều đó, ngư dân Viên Đình Quyền, phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn) - chủ tàu cá TH 93626 TS với công suất 823 CV chuyên khai thác hải sản ở ngư trường Vịnh Bắc bộ, cho biết: "Trước mỗi chuyến ra khơi, chúng tôi thông báo và xuất trình hồ sơ, giấy tờ, khai báo các thông tin cho Tổ Kiểm soát tàu cá tại Cảng cá Lạch Hới trước 1 giờ để cán bộ kiểm tra các điều kiện theo quy định. Chúng tôi thấy thoải mái khi chấp hành đủ các điều kiện khai thác và tuân thủ, không phải né tránh, chui lủi... khi vươn khơi bám biển. Trước khi tàu đi khai thác về cảng, chúng tôi thông báo cho Ban Quản lý cảng cá và trình bày nhật ký ghi chép. Suốt hành trình khai thác hải sản, chúng tôi tuân thủ các quy định duy trì kết nối thiết bị VMS và chỉ hoạt động trong vùng biển được phép hoạt động".
Với sự quyết tâm “về đích” trong chống khai thác IUU của tỉnh, tỷ lệ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị VMS đạt 100%; tàu cá được đánh dấu theo quy định đạt 100%... Trước những chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, một số địa phương ven biển được xem là “điểm nóng” về tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác IUU đã cơ bản được khắc phục. Nhận thức về chống khai thác IUU của ngư dân được nâng lên rõ rệt, nhiều năm liền ở các địa phương ven biển không có tàu cá vi phạm vùng biển bị nước ngoài bắt giữ. Cùng với các sở, ngành, lực lượng có liên quan của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố ven biển của tỉnh tập trung bố trí nhân lực phối hợp với các đồn, trạm biên phòng tuyến biển, Chi cục Thủy sản để rà soát, xác minh đối với tàu cá mất kết nối thiết bị VMS, nắm chắc diễn biến tàu cá tại địa phương đến từng hộ ngư dân. Cùng với đó, các địa phương có phương án quản lý, theo dõi chặt chẽ đối với nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, nhất là nhóm tàu cá “3 không”, tàu cá nằm bờ... đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, hình ảnh để chứng minh khi có yêu cầu.
Ông Trịnh Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, cho biết: "Thực hiện đợt công tác cao điểm chống khai thác IUU, huyện đã chỉ đạo các xã ven biển và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, ngư dân đã thấy rõ trách nhiệm của việc chống khai thác hợp pháp IUU. Toàn huyện có 555 phương tiện khai thác hải sản trên 3 vùng khơi, vùng lộng và vùng ven bờ. 100% tàu cá có chiều dài thân tàu từ 6 đến dưới 12m đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định; 83 tàu cá không rõ nguồn gốc được đánh số quản lý. Qua hơn 10 ngày rà soát tàu cá của các các tổ công tác trên địa bàn huyện đã có 28 tàu cá được đăng kiểm; 53 tàu cá được kích hoạt lại thiết bị giám sát hành trình.
Huyện đang chỉ đạo các xã Ngư Lộc, Hòa Lộc, Minh Lộc... tổ chức giám sát sản lượng thủy sản qua cảng cá do cấp huyện quản lý, bến cá tư nhân hoặc bến truyền thống, khu neo đậu tự nhiên... Ban chỉ đạo chống khai thác IUU huyện phối hợp với các lực lượng không để tàu cá từ 15m trở lên bốc dỡ thủy sản tại các cảng cá, điểm lên cá tự phát, bến cá không phải cảng cá chỉ định. Cùng với đó, yêu cầu chủ tàu kẻ biển số theo quy định, không để biển số mờ, không treo biển số tạm...".
Xác định khai thác hải sản là một trong những lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế biển của tỉnh, nên Ban chỉ đạo tỉnh về chống khai thác IUU liên tục tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra và truyền thông, quy định pháp luật về khai thác thủy sản, chống khai thác trái phép trên biển.
Video: Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định siết chặt khai thác IUU.
Với tinh thần cao nhất để chuẩn bị cho đợt thanh tra lần thứ 5, cũng như những quyết tâm, nỗ lực và những kết quả đạt được của toàn tỉnh trong việc khắc phục các khuyến nghị của EC, góp sức cùng cả nước sẽ sớm tháo gỡ được “thẻ vàng” thủy sản trong thời gian sớm nhất, đảm bảo lợi ích của người dân, bảo vệ được vị thế, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.