Vì nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững

PTĐT - Với sự vào cuộc đồng bộ cùng các giải pháp phù hợp thực tiễn, kinh tế nông nghiệp của tỉnh từng bước phát triển. Sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực, dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Kỳ I: Bước tiến trong quá trình hội nhập

Trên cơ sở dồn đổi, tích tụ đất đai, quy hoạch vùng sản xuất, huyện Cẩm Khê đã xây dựng một số mô hình nông nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, có liên kết bao tiêu sản phẩm.- Mô hình trồng măng tây của HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ ở xã Chương Xá.

Trên cơ sở dồn đổi, tích tụ đất đai, quy hoạch vùng sản xuất, huyện Cẩm Khê đã xây dựng một số mô hình nông nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, có liên kết bao tiêu sản phẩm.- Mô hình trồng măng tây của HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ ở xã Chương Xá.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015-2020 cũng như thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã tạo chuyển biến căn bản nhận thức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở về sự cần thiết phải cơ cấu lại nông nghiệp, tạo điều kiện cho những cách làm sáng tạo phát huy hiệu quả, quyết định sự bứt phá trong sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Để cơ cấu lại ngành hiệu quả, tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tích cực tuyên truyền nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong quản lý và sản xuất, tăng cường công tác phối hợp xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đây chính là đòn bẩy quan trọng tạo ra những chuyển biến cho toàn ngành nông nghiệp nói chung và sự phát triển của các mô hình liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng thời gian qua.

Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, thu nhập của người dân tăng lên, bộ mặt nông thôn khởi sắc. Đến nay, giá trị sản phẩm bình quân trên một đơn vị canh tác ước đạt 108 triệu đồng, tăng 28% so với năm 2015, đạt 102,9% mục tiêu đề ra. Cơ cấu của ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, chuyển tăng trưởng dựa vào tăng số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng; phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường. Để nông nghiệp phát triển đúng hướng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tỉnh tập trung đầu tư phát triển từng lĩnh vực, ưu tiên các sản phẩm có lợi thế, sản phẩm chủ lực gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng phát triển mạnh kinh tế trang trại, gia trại, hợp tác xã; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm; quan tâm xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ngành nông nghiệp và các địa phương đã tiến hành rà soát quy hoạch, tích cực dồn đổi, tích tụ ruộng đất; chuyển đổi mạnh cơ cấu các loại cây trồng chủ lực phù hợp với lợi thế của các vùng, miền, nhu cầu thị trường và điều kiện biến đổi khí hậu. Tăng cường chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh thâm canh phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất. Qua đó, sản lượng, chất lượng các loại cây trồng chủ lực, có lợi thế tăng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng.

Các sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực phát triển ổn định bền vững.

Các sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực phát triển ổn định bền vững.

Trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đến nay, cả tỉnh có diện tích lúa chất lượng cao đạt gần 28.000ha, chiếm 45% diện tích gieo cấy, hình thành 90 vùng trồng lúa chất lượng cao với tổng diện tích gần 9.000ha. Diện tích bưởi đạt gần 5.000ha, sản lượng bưởi gần 33.000 tấn, có 147 vùng sản xuất bưởi với tổng diện tích 720,8ha. Diện tích chè giữ ổn định trên 16.000ha, tỷ lệ giống chè giống mới, chè chất lượng cao chiếm 75% tổng diện tích; có 159 vùng sản xuất chè xanh với tổng diện tích trên 2.400ha.Hình thức gắn kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản có bước phát triển. Một số hình thức tổ chức liên kết sản xuất đã cho hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất chuối xuất khẩu ở Tam Nông; rau an toàn ở Lâm Thao, Cẩm Khê; liên kết bao tiêu bưởi Diễn, cam với Vineco tại Thanh Thủy…Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc tăng cường ứng dụng công nghệ cao đã góp phần nâng cao chất lượng con giống cũng như chất lượng sản phẩm, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao cùng với kỹ thuật tiên tiến được đưa vào sản xuất. Tổ chức sản xuất tập trung có sự chuyển biến tích cực với 18 doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn, 220 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô trang trại có tổng đàn trên 104 nghìn con; 6 doanh nghiệp đầu tư phát triển gà thịt, gà trứng với tổng đàn trên 600 nghìn; 357 cơ sở chăn nuôi gà quy mô trang trại, gia trại; 48 khu nuôi tập trung. Đến nay, sản lượng thịt hơi đạt 175 nghìn tấn, đạt 105,4% mục tiêu, sản lượng trứng gia cầm đạt 415 triệu quả.Cẩm Khê là một trong những địa phương chuyển đổi mô hình sản xuất chăn nuôi hiệu quả. Bà Trần Thị Thu Hưởng - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Lĩnh vực nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt trong việc chuyển đổi các mô hình sản xuất kém hiệu quả sang sản xuất các loại sản phẩm khác có giá trị kinh tế cao hơn gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Cẩm Khê đã có trên 100 cơ sở chăn nuôi gà quy mô trang trại, gia trại, trong đó 75 cơ sở chăn nuôi gà thịt có số lượng nuôi trên 2.000 con/lứa, tăng 90% so với năm 2015. Đã thu hút được 3 doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi gia cầm ứng dụng khoa học kỹ thuật, dây chuyền hiện đại, tiên tiến với số lượng lớn lên tới 336 triệu sản phẩm. Đối với lĩnh vực thủy sản ổn định diện tích trên 10 nghìn ha; sản lượng hàng năm ước đạt trên 37 nghìn tấn, chiếm 7,9% tỷ trọng toàn ngành. Nuôi thủy sản theo hướng thâm canh, bán thâm canh dần phổ biến, hiện tại nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa đạt trên 1,6 nghìn lồng lưới; hình thành, phát triển 48 khu nuôi thủy sản tập trung.Lĩnh vực lâm nghiệp thực hiện chuyển đổi từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; phát triển hợp tác, liên kết, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh trồng mới, trồng lại khoảng 10 nghìn ha rừng sản xuất. Cơ cấu sản phẩm chế biến gỗ chuyển biến theo hướng giảm tỷ lệ nguyên liệu giấy, tăng sản lượng gỗ xẻ, gỗ thanh, ván bóc, ván ép... qua đó nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho người trồng rừng.Một kết quả nổi bật khác của quá trình cơ cấu lại nông nghiệp thời gian qua là thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản được mở rộng nhờ những giải pháp nỗ lực trong xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua hội chợ kết nối cung-cầu, sàn giao dịch điện tử, chợ truyền thống, đầu mối… Tỉnh đã hình thành 22 chuỗi cung ứng thực phẩm nông- lâm - thủy sản an toàn; có 33 HTX, 115 trang trại thực hiện liên kết; 9 cơ sở, doanh nghiệp có các sản phẩm vào hệ thống siêu thị hiện đại.

Bên cạnh đó, các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới, hoạt động hiệu quả hơn, trên 300 hợp tác xã nông - lâm nghiệp, thủy sản được củng cố theo Luật Hợp tác xã, phát triển trên 470 trang trại. Nhiều hợp tác xã, trang trại đã ký kết hợp đồng dài hạn với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, khẳng định tính hiệu quả và sự phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Hoạt động thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Giai đoạn 2016 - 2020 đã thu hút được 85 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại đang dần thể hiện được vai trò đầu tàu trong việc ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện hỗ trợ kinh tế hộ, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Tuy nhiên, năng lực sản xuất nông nghiệp ngày càng có chiều hướng gia tăng nhưng thị trường tiêu thụ vẫn diễn biến khó lường; khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đảm bảo. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang bộc lộ những hạn chế, làm cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo ra những rào cản trong nông nghiệp phát triển bền vững.

Kỳ II: Còn nhiều “rào cản”

Nhóm PV kinh tế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202010/vi-nen-nong-nghiep-hien-dai-phat-trien-ben-vung-173347