Vị ngọt dưa hấu

'Tôi bỏ ra 900 triệu đồng đầu tư trồng 18 ha dưa hấu giống Đồng Xanh trái vụ. Nếu không vướng dịch Covid-19 thì đợt thu hoạch dưa hấu này, tôi bán 100 triệu đồng/ha sẽ thu về 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, giờ bán được 65 triệu đồng/ha cũng đã mừng rồi, mình không bán thì mất trắng vì dưa đã quá lứa' - ông Nguyễn Văn Kế, ngụ ấp Tân Phong, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp chia sẻ chuyện trồng dưa hấu.

Giúp dân phòng dịch, thu dưa

Tháng 6-2021, một doanh nghiệp ở TP. Đồng Xoài thu hoạch cây keo lai, đồng thời trồng vụ mới tại ấp Bàu Cây Me, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú. Tận dụng diện tích đất trống khi cây keo còn nhỏ, ông Nguyễn Văn Kế và 7 hộ dân ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp xuống thuê 100 ha để trồng dưa hấu. Nhưng đến kỳ thu thành quả thì tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh lại diễn biến phức tạp, huyện Đồng Phú phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nên việc thu hoạch và tiêu thụ dưa hấu gặp nhiều khó khăn.

Chính quyền và lực lượng chức năng xã Thuận Phú giám sát, hỗ trợ thu hoạch dưa đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống dịch Covid-19

Giữa tháng 9, dưa bắt đầu chín rộ. Tổng sản lượng của 100 ha dự kiến đạt khoảng 1.500 tấn, nếu không thu hoạch đúng thời điểm dưa sẽ già, chất lượng giảm và mau hư. Để tiêu thụ hết sản lượng nêu trên cần nhiều thương lái và nhân công thu hoạch. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh phức tạp, việc tiêu thụ khó khăn, từ đầu vụ đến nay chỉ có vài thương lái đến từ Bình Dương lên thu mua. Vì đến từ vùng dịch nên 5 người gồm 1 thương lái và 4 nhân công phải đi cách ly tập trung theo quy định. Để việc thu hoạch không bị gián đoạn, ảnh hưởng tới kinh tế người dân, UBND xã Thuận Phú đã cử một tổ công tác đến vườn, phối hợp tổ covid cộng đồng thôn Bàu Cây Me nắm bắt tình hình, tìm hiểu cụ thể việc mua bán, thu hoạch của tiểu thương và các hộ, qua đó tìm giải pháp tháo gỡ. Công an và dân quân thường trực xã Thuận Phú thường xuyên có mặt tại nơi thu hoạch để hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các nguyên tắc phòng dịch, ngăn ngừa tình trạng người dân đi qua dừng lại mua dưa gây mất an ninh trật tự.

Diện tích 100 ha dưa hấu, trị giá 6,5 tỷ đồng. Nếu không linh hoạt trong thu hoạch và tiêu thụ kịp thời sẽ thiệt hại vô cùng lớn. Bám sát mục tiêu kép vừa chống dịch vừa sản xuất, sau khi xin ý kiến chỉ đạo của huyện Đồng Phú, xã đã bố trí lực lượng hỗ trợ, giám sát trong suốt quá trình thu hoạch. Kết quả, người trồng bán được dưa, người mua vận chuyển thuận lợi và người lao động nhàn rỗi có việc làm, tăng thu nhập. Ai cũng hài lòng.

Ông Trần Đình Thìn , Chủ tịch UBND xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú

Ông Nguyễn Tấn Phát, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Bàu Cây Me khẳng định: “Ngoài 5 người đến từ Bình Dương đã đi cách ly tập trung, tất cả người lao động thu hái, phân loại, vận chuyển dưa đều phải thực hiện test nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2. Quá trình làm việc, mọi người phải đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch, nhất là giữ khoảng cách an toàn. Đặc biệt, tài xế xe tải đăng ký hoạt động luồng xanh chở dưa hấu đi tiêu thụ tại Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, trong quá trình chờ đủ chuyến phải tuân thủ nghiêm việc ăn, ở, ngủ trên xe hoặc mắc võng nghỉ ngơi cách xa mọi người”.

Đạt mục tiêu “2 trong 1”

Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, lãnh đạo xã Thuận Phú đề nghị thương lái sử dụng nhân công tại thôn Bàu Cây Me và một số thôn trong xã. Những ngày giãn cách, phần lớn người dân xã Thuận Phú không ra khỏi nơi cư trú, do vậy đã có khoảng 40 lao động nhàn rỗi được tạo việc làm tăng thu nhập. Việc thu hoạch diễn ra an toàn, thuận lợi vì khu vực trồng dưa gần nhà dân.

Trong các khâu thì phân loại là quan trọng nhất, bởi quyết định giá trị của từng loại dưa. Ông Trần Văn Lùn (SN1972) có kinh nghiệm phân loại dưa 20 năm cho biết, dưa thường được phân thành 3 loại. Loại 1 có trọng lượng từ 1,8-4kg/trái, chín đủ, chắc ruột, độ đường cao; loại 2 trọng lượng từ 1kg đến dưới 1,8kg/trái; loại 3 từ 0,8kg đến dưới 1kg/trái. “Ngoài căn cứ vào trọng lượng, người có kinh nghiệm chỉ cần vỗ vào trái và cảm nhận sẽ biết phẩm chất dưa còn non, chín đủ, già hay đã giập, thối, qua đó phân loại rất nhanh. Bình quân, tôi phân loại được khoảng 7 tấn/ngày, tương đương với mức thu nhập khoảng 400 ngàn đồng/ngày” - ông Lùn khoe.

Người hái dưa được trả công 30 ngàn đồng/giờ, tương đương 240-300 ngàn đồng/ngày. Người bốc, vác vận chuyển từ vườn dưa về nơi tập kết được tính 80 ngàn đồng/tấn, người phân loại thì được trả công 60 ngàn đồng/tấn.

Ông Trương Văn Sóc, người chịu trách nhiệm tổ chức nhân công hái dưa

Là người trồng dưa lâu năm, ông Nguyễn Văn Kế chia sẻ kinh nghiệm: Trồng dưa không quá khó, có thể trồng 2 vụ/năm. Mỗi vụ từ khi trồng đến lúc thu hoạch khoảng 60-70 ngày. Nếu trồng chính vụ từ tháng 10 đến tháng chạp, sẽ có năng suất cao khoảng 25 tấn/ha. Thời tiết cuối năm hanh khô, dưa ngọt, tiêu thụ cũng dễ hơn. Nếu trồng trái vụ như hiện nay, năng suất chỉ 15 tấn/ha, dưa nhạt, đồng thời cũng có nhiều sâu, bệnh gây hại. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người trồng dưa càng gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền xã Thuận Phú nên việc thu hoạch, tiêu thụ được giải quyết kịp thời, dù giá giảm nhưng người trồng vẫn có lời.

“Vì mua theo diện tích nên nếu không ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì chúng tôi sẽ thu hoạch theo 2 đợt, qua đó sản lượng và chất lượng dưa tăng đáng kể, thu một lượt sẽ lãng phí nhiều trái non. Dưa cắt về cần phải tiêu thụ ngay, nếu không gặp mưa sẽ hư hao. Dù ban đầu khó khăn do phải thực hiện cách ly phòng dịch, tuy nhiên chúng tôi chấp nhận vì điều đó là cần thiết, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Bù lại, xã Thuận Phú đã có giải pháp hỗ trợ, mọi việc đến nay diễn ra an toàn, thuận lợi” - một tiểu thương đến từ tỉnh Bình Dương bày tỏ sự hài lòng.

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/127244/vi-ngot-dua-hau