Vị ngọt từ nho Hạ Đen

Những ngày cuối tuần tháng 6, dù nhiệt độ ngoài trời tăng cao nhưng nhiều đoàn khách vẫn đổ về các vườn nho Hạ Đen sai lúc lỉu của Trường Đại học (ĐH) Nông - Lâm Bắc Giang. Ai nấy đều thích thú khi được trải nghiệm thu hoạch, thưởng thức quả chín, nhâm nhi rượu nho do chính những người trồng nơi đây chưng cất. Mọi người không bỏ lỡ cơ hội 'check in' bên những chùm nho chín mọng.

Trái ngọt của tình hữu nghị

Vội đỗ chiếc xe máy điện ở đầu đường, Th.s Phùng Duy Hiếu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ nông - lâm nghiệp (gọi tắt là Trung tâm), Trường ĐH Nông - Lâm Bắc Giang đưa chúng tôi len qua nhóm du khách đến khu sản xuất nho Hạ Đen. Ở đây, những luống nho được trồng theo hàng thẳng tắp, cành tỉa gọn gàng, vươn dài trên giàn bằng thép tạo hình chữ “Y”. Phía trên được phủ lớp ni lông trong suốt (hoặc nhà màng) che mưa và sương rơi trực tiếp vào lá.

 Th.s Phùng Duy Hiếu chăm sóc nho Hạ Đen.

Th.s Phùng Duy Hiếu chăm sóc nho Hạ Đen.

Với tay bứt một chùm nho chín mọng, anh Hiếu mời chúng tôi thưởng thức. Ai nấy đều tấm tắc vì vị ngọt đậm, xen lẫn hương thơm dịu của trái nho đầu vụ. Anh Hiếu chia sẻ: "Theo kết quả nghiên cứu, độ Brix (độ ngọt) của nho Hạ Đen trồng tại Trung tâm dao động từ 17-19, cao hơn từ 3-5 độ so với các giống nho khác trồng trong nước. Đây là đặc điểm khiến nho Hạ Đen được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng".

Anh Hiếu kể, tháng 9/2016, trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Trung Quốc - Đông Nam Á lần thứ 14, tổ chức ở TP Nam Ninh (Trung Quốc) dự án Hợp tác hành lang khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt-Trung được ký thỏa thuận. Mục tiêu dự án nhằm bổ sung cơ cấu giống cây trồng cho các tỉnh biên giới Việt Nam. Đầu năm 2017, mô hình trình diễn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) tại Trường ĐH Nông-Lâm Bắc Giang được tiến hành dưới sự chuyển giao của Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây (Trung Quốc) với 3 loại cây trồng gồm: Nho Hạ Đen, dưa lưới và các giống ngô mới. Trung tâm được nhà trường giao phụ trách dự án này với người đứng đầu là thầy giáo, Th.s Phùng Duy Hiếu.

Khi triển khai, 800 gốc nho Hạ Đen được trồng tại khu vườn rộng 2,2 nghìn m2 của trường. Khi đó, lãnh đạo nhà trường rất lo ngại, bởi trước đây có nhiều giống nho được trồng thử nghiệm nhưng không hiệu quả. Nguyên nhân do khí hậu miền Bắc độ ẩm cao, nhiều mưa, trong khi nho Hạ Đen có bộ lá mỏng, gặp mưa, ẩm, sương muối dễ nát, phát sinh nấm bệnh gây rụng hoa, quả. Thế nhưng, anh Hiếu và các nhà khoa học đã khắc phục điểm yếu này bằng cách che phủ ni lông.

 Th.s Phùng Duy Hiếu hướng dẫn nông dân chăm sóc nho.

Th.s Phùng Duy Hiếu hướng dẫn nông dân chăm sóc nho.

Tuy nhiên, do chưa kịp làm mái che nên vụ thứ nhất (tháng 6/2018) hiệu quả không cao bởi mưa làm lá của nho dập nát khiến các loại nấm bệnh phát sinh gây rụng quả. Khi nhà màng làm xong, việc chăm sóc nho mới đi vào ổn định. Được sự chỉ dẫn tận tình của chuyên gia Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây, anh Hiếu đã nắm chắc kỹ thuật từ khâu trồng, làm giàn, chăm bón đến thu hoạch và hướng dẫn đồng nghiệp thực hành thành công. Tháng 11/2018, vườn nho cho thu hoạch vụ 2, năng suất đạt hơn 3 tạ/sào. Qua đó khẳng định, nho Hạ Đen cho thu 2 vụ/năm. Với giá bán buôn tại vườn 130 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, lãi khoảng 23 triệu đồng/sào/vụ, mang lại triển vọng lớn.

Thành công nhờ làm chủ kỹ thuật

Với mục tiêu mở rộng dự án, phát triển cây nho Hạ Đen ra toàn miền Bắc, tháng 3/2019, Trung tâm nhập 1 vạn cây giống về trồng tại 8 tỉnh, thành phố (đại diện cho các vùng sinh thái ở miền Bắc gồm: Cao Bằng, Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh), tổng diện tích hơn 2,5 ha. Sau hơn nửa năm trồng, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của anh Hiếu và đồng nghiệp, nho ở các tỉnh đều cho thu hoạch, năng suất đạt 3,5 tạ/sào/vụ.

 Vườn nho Hạ Đen tại Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang.

Vườn nho Hạ Đen tại Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang.

Từ kết quả trên, tháng 9 năm sau giống nho Hạ Đen được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp Bằng bảo hộ và công bố lưu hành, trở thành cây ăn quả quan trọng để nông dân các tỉnh miền Bắc lựa chọn. Tháng 6/2021, vườn nho Hạ Đen của Trung tâm được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh công nhận là vườn cây đầu dòng để sản xuất giống.

Tuy nhiên, thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, Trung tâm không nhập được các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đặc chủng chăm sóc nho từ Trung Quốc. Vì thế, anh Hiếu và các đồng nghiệp phải tự mày mò đêm ngày để chế ra các loại thuốc BVTV bằng hóa chất sản xuất trong nước. Kết quả này góp phần để tháng 1/2022, Trường ĐH Nông - Lâm Bắc Giang được Cục Trồng trọt công nhận tiến bộ kỹ thuật “Quy trình trồng và chăm sóc nho Hạ Đen tại miền Bắc”.

Thấy nho Hạ Đen hiệu quả kinh tế cao, giai đoạn 2020-2021, nhiều cá nhân, tổ chức đã nhập giống về Việt Nam bán mà không biết hoặc không phổ biến đầy đủ kỹ thuật canh tác dẫn đến nhiều hệ lụy. Không ít hộ dân tại các huyện: Lục Nam, Yên Dũng, thị xã Việt Yên… bị thiệt hại nặng vì đầu tư lớn nhưng không hiệu quả. Nhiều chủ vườn phải nhờ anh Hiếu đến tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật...

Với những nỗ lực của bản thân, Th.s Phùng Duy Hiếu được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang năm 2021; giải C Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang lần thứ 2 năm 2020 với công trình “Chọn tạo thành công giống nho Hạ Đen phù hợp với khí hậu miền Bắc Việt Nam”; giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ 8 năm 2018-2019 với giải pháp “Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang cây trồng mới (cây nho Hạ Đen) làm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang".

Anh Hiếu chia sẻ: "Chăm sóc nho Hạ Đen phải nắm chắc kỹ thuật mới đạt hiệu quả. Cây trồng từ 6-9 tháng được thu quả. Trong các công đoạn: Trồng, làm giàn, bón phân, tưới nước, cắt tỉa cành… thì việc nắm bắt khoảng thời tiết thuận lợi để cắt cành, giúp cây phân hóa mầm hoa là quan trọng nhất. Lý do thời tiết miền Bắc không ổn định, có cả nắng nóng và lạnh giá, trong khi nhiệt độ phù hợp để cắt cành, giúp nho Hạ Đen phân hóa mầm phải ổn định từ 20-25 độ C và kéo dài từ 5-7 ngày. Nếu thời tiết quá nóng hoặc lạnh kéo dài, người trồng phải sử dụng các loại thuốc BVTV đặc chủng để kích mầm, điều tiết sinh trưởng cho cây".

Hiện chi phí đầu tư trồng nho Hạ Đen (tính trên đơn vị 1 ha) hết khoảng 1,4 tỷ đồng. Mức đầu tư cao nhưng khung giàn có thể dùng trong 20 năm, màng phủ 2 năm thay thế 1 lần. Chi phí nhân công duy trì chăm sóc cho 1 ha/năm hơn 300 triệu đồng. Sản phẩm thu được vụ đầu tiên đạt từ 4-4,5 tấn/ha. Từ năm thứ hai trở đi, chăm sóc tốt có thể thu 2 vụ/năm, năng suất đạt bình quân 16 tấn/ha/năm. Với giá bán bình quân 100 nghìn đồng/kg, sau 2 năm, người trồng có thể thu lại toàn bộ vốn đầu tư ban đầu và có lãi khoảng 100 triệu đồng/ha. Từ năm thứ 3 có thể cho lãi từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/ha.

Mở hướng làm giàu mới

Với những thành công trong phát triển cây nho Hạ Đen, từ năm 2020 đến nay, anh Hiếu được giao làm chủ và tham gia nhiều đề tài, dự án khoa học cấp bộ, cấp tỉnh như: “Nghiên cứu chọn dòng nho đen không hạt theo hướng ngắn ngày, chất lượng từ nguồn vật liệu nhập nội tại miền Bắc Việt Nam”; “Ứng dụng CNC xây dựng mô hình sản xuất nho Hạ Đen nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”.... Ngoài nho Hạ Đen, Trung tâm còn khảo nghiệm, đánh giá, tuyển chọn ban đầu nhiều giống nho khác như giống nho mẫu đơn (tháng 2/2023 được Cục Trồng trọt cấp Bằng bảo hộ và công bố lưu hành), nho đỏ, nho NRBĐL…

 Thu hoạch nho Hạ đen.

Thu hoạch nho Hạ đen.

Nhờ làm chủ kỹ thuật chăm sóc, sản xuất cây giống, tận tình hướng dẫn người dân khắc phục các “lỗi” trong thâm canh nên Th.s Phùng Duy Hiếu được gắn cho biệt danh “phù thủy” trồng nho. Quả vậy, từ 800 gốc nho Hạ Đen và 2,2 nghìn m2 nhà màng ban đầu, đến nay, anh Hiếu và Trung tâm đã mở rộng khu sản xuất (trình diễn) nho quả, giống nho và trồng khảo nghiệm các giống nho khác lên hơn 2,1 ha, góp phần mở rộng diện tích nho Hạ Đen toàn tỉnh hơn 20 ha, đưa tổng diện tích trồng nho Hạ Đen trên địa bàn miền Bắc lên gần 380 ha.

Hiện cây nho Hạ Đen đã có mặt tại 27 tỉnh, TP phía Bắc. Nho Hạ Đen trở thành sản phẩm OCOP của nhiều địa phương như Cao Bằng, Hà Nội… Đáng chú ý, hầu hết diện tích nho Hạ Đen ở các tỉnh, TP phía Bắc đều nhận được sự trợ giúp về kỹ thuật, cung ứng giống từ Trung tâm và anh Hiếu.

Hiện Trung tâm xuất bán từ 4-5 vạn cây giống/năm. Khu sản xuất nho của Trường ĐH Nông-Lâm Bắc Giang trở thành điểm tham quan, trải nghiệm thú vị, mỗi năm thu hút từ 2-3 nghìn lượt du khách. Doanh thu từ các sản phẩm nho Hạ Đen của Trung tâm đạt khoảng 7 tỷ đồng/năm, bảo đảm thu nhập cho gần 20 lao động của đơn vị. "Cùng với sản phẩm quả tươi, rượu vang và cây giống, tới đây chúng tôi sẽ sản xuất thêm sản phẩm nho Hạ Đen sấy khô”, anh Hiếu thông tin thêm.

Đánh giá về những đóng góp của Th.s Phùng Duy Hiếu đối với việc phát triển cây nho Hạ Đen trên đất Bắc, TS. Nguyễn Tuấn Dương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông-Lâm Bắc Giang khẳng định: “Bằng tâm huyết, trách nhiệm, đam mê của mình, thầy giáo Phùng Duy Hiếu đã làm cho nho Hạ Đen ra quả 2 vụ/năm, giúp hàng trăm hộ dân có thu nhập cao từ nho, biến nho Hạ Đen trở thành cây làm giàu".

Bài, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/vi-ngot-tu-nho-ha-den-102341.bbg