Vì những cung đường văn minh, an toàn

Theo kế hoạch, trong hai ngày 30 và 31/8, tại Chùa Từ Ðàm (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Ðại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024. Ðại lễ cầu siêu nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng 'Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024' theo Nghị quyết của Ðại hội đồng Liên hợp quốc.

Đại lễ Cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2023 diễn ra tại chùa Long Hưng, Đông Anh, Hà Nội. (Ảnh: Phật Sự Long Hưng)

Đại lễ Cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2023 diễn ra tại chùa Long Hưng, Đông Anh, Hà Nội. (Ảnh: Phật Sự Long Hưng)

Trong một thông điệp mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố một con số gây sốc: Trên thế giới, cứ 24 giây lại có 1 người tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ, bình quân mỗi năm, có khoảng 1,35 triệu người tử vong. Ngoài những người không may thiệt mạng, tai nạn giao thông còn khiến từ 20 đến 50 triệu người bị thương, trong số đó nhiều người bị tàn tật suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ước tính, tai nạn giao thông đường bộ khiến hầu hết các quốc gia thiệt hại khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, trong tám tháng năm nay, cả nước xảy ra hơn 16.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 7.000 người, bị thương hơn 12.000 người (trong đó, trên đường bộ xảy ra hơn 15.900 vụ, làm chết 6.987 người). Riêng trong tháng 8, cả nước xảy ra hơn 1.800 vụ, làm chết 873 người, bị thương 1.272 người.

Ðã đến lúc, mỗi người Việt Nam cần nhận thức sâu sắc về tác hại khôn lường của tai nạn giao thông. Và cũng đến lúc, cần phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật: Trong mỗi vụ tai nạn giao thông xảy ra, có một phần lỗi và trách nhiệm của từng cá nhân, của cộng đồng và cả các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan.

Mỗi người khi tham gia giao thông, hãy nâng cao ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, tự giác nhường nhịn, giúp nhau. Mỗi gia đình, nhà trường cần giáo dục con em, học sinh về ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi bước chân ra đường.

Mỗi người dân, vì sự phát triển của đất nước, vì an toàn của bản thân, vì tương lai của con em mình, hãy làm tất cả những gì tốt nhất có thể để giao thông trên đất nước ta ngày càng văn minh, an toàn.

Với tinh thần "Tưởng nhớ người đi-Vì người ở lại", Ðại lễ cầu siêu là một nghĩa cử mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm tưởng nhớ những đồng bào không may qua đời do tai nạn giao thông, qua đó gửi đến toàn xã hội lời cảnh báo về những mất mát, thiệt hại to lớn mà từng gia đình, cộng đồng và xã hội phải gánh chịu.

Hoạt động này cũng kêu gọi các cơ quan hữu quan của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân, để sự bình yên, an toàn, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/vi-nhung-cung-duong-van-minh-an-toan-5020058.html