Vì nông thôn sạch, nền nông nghiệp bền vững

Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ vừa tổ chức hội thảo khoa học “Ứng dụng các chế phẩm vi sinh trong nông nghiệp, nông thôn tại Phú Yên” nhằm giới thiệu một số chế phẩm vi sinh trong nông nghiệp, nông thôn và định hướng phát triển, ứng dụng các chế phẩm vi sinh trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ tập huấn cho người dân xã Hòa Thắng cách ủ phân vi sinh bằng chế phẩm sinh học PYMIC. Ảnh: THÁI HÀ

Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ tập huấn cho người dân xã Hòa Thắng cách ủ phân vi sinh bằng chế phẩm sinh học PYMIC. Ảnh: THÁI HÀ

Bảo vệ môi trường nông thôn

Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm chất thải hữu cơ ở các khu vực ao hồ, chuồng trại chăn nuôi đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của con người. Việc sử dụng hóa chất không xử lý một cách triệt để tiêu diệt các vi khuẩn có ích, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại phát triển. Vì vậy, phương pháp xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học được các chuyên gia đánh giá là an toàn và hiệu quả hơn.

Bà Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ, cho biết có một thực tế là khu vực chăn nuôi và nhà ở của người dân nông thôn thường liền kề nhau, nên người dân thường xuyên sống chung với mùi hôi trong thời gian dài. Chưa kể, nhiều hộ gia đình vẫn chưa có thói quen thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi… gây ô nhiễm môi trường.

Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên đã nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm vi sinh PYMIC. Sau thời gian sử dụng trong thực tế, chế phẩm PYMIC đã cho thấy tác dụng trong việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

Cụ thể, nếu ủ phân, người dân dùng 400g chế phẩm vi sinh hòa với nước rồi tưới vào nguyên liệu (chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp) sau đó che lại bằng bạt. Sau 7-10 ngày tiến hành đảo trộn, nếu đống ủ khô có thể bổ sung nước. Sau 25-30 ngày là đống ủ đã thành phân hữu cơ. Nếu dùng chế phẩm để khử mùi hôi, người dân có thể dùng 1 lít chế phẩm hòa cùng 19 lít nước, 1kg rỉ đường đậy kín. Sau 3 ngày dùng dung dịch này phun tưới đều chuồng trại để khử mùi hôi…

Ông Diệp Tấn Dương ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa cho biết: Từ đầu năm 2020, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ đã mở các lớp tập huấn giới thiệu các chế phẩm vi sinh và hướng dẫn người dân cách ủ phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ, làm chất tẩy mùi hôi và được người dân trong xã đón nhận. Chỉ qua một năm, nhờ sử dụng chế phẩm sinh học nên mùi hôi của chất thải chăn nuôi đã được khắc phục triệt để, lượng ruồi muỗi cũng giảm đáng kể.

Hướng đến nền nông nghiệp bền vững

Trong những năm qua, việc thâm canh cây trồng trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao song cũng gây ra nhiều bất lợi đối với môi trường và sự phát triển bền vững. Theo niên giám thống kê tỉnh Phú Yên, năm 2019 diện tích cây lâu năm là hơn 13.000ha, cây hàng năm là hơn 130.000ha. Trong đó, ở một số vùng chuyên canh nông nghiệp, người dân vẫn còn thói quen sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để thâm canh cây trồng.

Theo GS.TS Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, việc lạm dụng quá mức phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ đã làm nảy sinh nhiều tác dụng phụ nguy hiểm: sự ô nhiễm môi trường đất và nước, sự tuyệt chủng nhiều côn trùng, vi sinh có lợi và phát sinh nhiều loại côn trùng, sâu bệnh, sự chai cứng và bạc màu đất trồng; tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người...

Trong khi đó, phân hữu cơ, đặc biệt là phân bón hữu cơ vi sinh có ưu điểm vượt trội, vì vừa chứa lượng hữu cơ phù hợp, vừa chứa các chủng vi sinh vật hữu ích vẫn còn sống và sẽ hoạt động khi được bón vào đất, giúp tạo nên độ phì nhiêu của đất canh tác, cân bằng về môi trường và một điều quan trọng là thúc đẩy việc xử lý các phế phẩm hữu cơ, kể cả kim loại nặng đang tồn đọng gây ô nhiễm môi trường trở thành phân bón.

Chia sẻ hiệu quả từ việc sử dụng các chế phẩm vi sinh trong nông nghiệp, ông Trần Ngọc Phú, Chủ tịch HĐQT HTX Ea Bar EMI Farm (Sông Hinh), cho biết: Hiện nay, người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải sạch, không tồn dư hóa chất độc hại và mẫu mã đẹp. Để đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm trong và ngoài tỉnh, người nông dân chỉ có thể canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Năm 2017, HTX Ea Bar EMI Farm đã mạnh dạn ứng dụng các chế phẩm vi sinh và triển khai thành công nhiều mô hình nông nghiệp.

Cụ thể, HTX Ea Bar EMI Farm đã dùng chế phẩm vi sinh để ủ các phế phẩm từ nông nghiệp, chăn nuôi làm chúng hoai mục, tiêu diệt được các loại khuẩn nấm có hại và cung cấp phân bón hữu cơ sinh học cho cây trồng, giúp đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, cây trồng phát triển bền vững theo tự nhiên, cho sản phẩm sạch, giá trị cao.

Mỗi năm, HTX đã tư vấn cho nhiều hộ nông dân (canh tác trên khoảng 20ha rau sạch, cây ăn trái chất lượng cao) thay đổi tư duy, cách làm để hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc diệt muỗi; hạn chế những tác động tiêu cực của chúng đến sức khỏe người trực tiếp sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sống.

Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với thực phẩm an toàn, thời gian tới, các cấp hội nông dân sẽ xây dựng các mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch để đáp ứng yêu cầu an toàn, chất lượng, giúp người nông dân canh tác nông nghiệp bền vững.

Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/250764/vi-nong-thon-sach-nen-nong-nghiep-ben-vung.html