Vi phạm giao thông gia tăng vì 'dư âm' không khí Tết
Tình trạng vi phạm giao thông diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành sau dịp Tết Nguyên đán, dẫn tới nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng xảy ra.
Tâm lý lơ là sau Tết
Liên tiếp những ngày sau Tết Nguyên đán 2022, cơ quan chức năng phát hiện nhiều tài xế xe khách, ô tô con sử dụng ma túy khi đang tham gia giao thông trên các tuyến đường cao tốc. Chỉ riêng hai ngày 13/2 và 14/2, lực lượng CSGT thuộc Cục CSGT đã ghi nhận 5 trường hợp lái xe dương tính với ma túy trên các tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Thái Nguyên,…
Trả lời báo chí, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT, cho hay: “Việc lái xe sử dụng ma túy và các chất kích thích khác là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”.
Bên cạnh đó, sau Tết Nhâm Dần 2022, khi người dân quay trở lại làm việc, lực lượng chức năng nhiều tỉnh, thành cũng ghi nhận các trường hợp vi phạm giao thông gia tăng, chủ yếu là các lỗi không mũ bảo hiểm, vượt đèn tín hiệu, đi sai làn đường quy định, lạng lách, đua xe trái phép…
Tại thành phố Đà Nẵng, ở thời điểm này, lực lượng CSGT phải tăng cường triển khai các kế hoạch nhằm kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ. Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, ngã tư Ngũ Hành Sơn – Lê Văn Lưu mặc dù đã lắp đặt biển phân làn nhưng hàng ngày vẫn có hàng loạt xe máy đi sai làn đường. Hành vi vi phạm này sẽ trực tiếp dẫn đến tai nạn giữa xe máy và container tại nút giao Ngũ Hành Sơn – Hồ Xuân Hương cách đó không xa.
Còn theo thống kê của lực lượng CSGT tỉnh Tây Ninh, trong một tuần sau nghỉ Tết, lực lượng đã thực hiện 902 ca tuần tra kiểm soát, đã phát hiện lập biên bản 164 trường hợp vi phạm, tạm giữ 133 phương tiện môtô, nhắc nhở 270 trường hợp, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 112 trường hợp.
Trong đó, các lỗi vi phạm chủ yếu bao gồm: vi phạm nồng độ cồn, không giấy phép lái xe và giấy chứng nhận đăng ký xe, đi ngược chiều, không đủ tuổi điều khiển phương tiện, vượt đèn đỏ,… Công an tỉnh khuyến cáo, sau nghỉ Tết, nhiều người có tâm lý chủ quan, lơ là khi điều khiển phương tiện giao thông, từ đó nhiều vụ TNGT đau lòng có thể xảy ra.
Trước đó, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, Cục CSGT đã thống kê 25.723 trường hợp vi phạm được xử lý, phạt tiền hơn 25 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã xảy ra 216 vụ tai nạn giao thông, làm chết 121 người, bị thương 138 người, chủ yếu là tai nạn giao thông đường bộ.
Khẩn trương khắc phục tình trạng vi phạm gia tăng
Trước tình trạng vi phạm giao thông gia tăng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Cục Quản lý chuyên ngành; sở GTVT các tỉnh, thành phố triển khai các nhiệm vụ bảo đảm ATGT sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 ở tất cả các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không.
Trong đó, Bộ nhấn mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu TNGT trên các tuyến quốc lộ được ủy thác và các tuyến đường địa phương; yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn trên đường đèo dốc, tại các đường ngang đường sắt; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra TNGT.
Đầu năm nay, Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2022 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đặt mục tiêu giảm tai nạn từ 5 – 10% cả 3 tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương) so với năm 2021. Theo thống kê, trong năm 2021, số vụ TNGT trong năm 2021 ghi nhận đạt gần 11.500 vụ, làm chết gần 6 nghìn người, bị thương 8 nghìn người.
Mặc dù cả 3 tiêu chí này đều giảm so với năm 2020 nhưng cần cân nhắc nguyên nhân khách quan là trong thời gian bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 kéo dài nhiều tháng khiến số lượng phương tiện và người tham gia giao thông giảm rất sâu so với cùng kỳ năm trước.
Cũng không thể bỏ qua thông số 2.884.855, là số trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc đã được lực lượng CSGT xử lý trong năm 2021, với số tiền phạt lên gần 2.809 tỷ đồng. Những hành vi lơ là hoặc cố ý vi phạm giao thông đều tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra tai nạn.
Xác định thời gian sau Tết Nguyên đán, tình hình trật tự an toàn giao thông sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, lực lượng công an các tỉnh, thành, địa phương cần đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Kèm theo đó là công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định về Luật An toàn Giao thông đường bộ.
Có thể thấy, một bộ phận người dân vẫn còn thiếu kiến thức, kỹ năng về trật tự, an toàn giao thông. Bên cạnh đó, cũng có không ít người cố tình vi phạm, cá biệt có đối tượng manh động tấn công chống người thi hành công vụ. Thiết nghĩ, mục tiêu quan trọng cần đạt được để kéo giảm tai nạn trên cả ba tiêu chí là người dân phải tự nhận thức và tự nguyện chấp hành quy định pháp luật.