Vi phạm hành chính có phải là 'em' của vi phạm hình sự?
Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ tiêu chí xử phạt vi phạm hành chính và mức phạt vì 'lâu nay chúng ta vẫn quan niệm rằng hành chính là 'em' của hình sự, hình sự phải cao hơn'.
Hành chính là 'em' của hình sự?
Sáng 10/2, phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2020 khai mạc tại Hà Nội.
Sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ băn khoăn và đề nghị cơ quan soạn thảo - Bộ Tư pháp làm rõ tiêu chí để xác định mức phạt vi phạm hành chính.
Theo bà Nga, "lâu nay chúng ta vẫn quan niệm rằng hành chính là em của hình sự, xử phạt hình sự phải cao hơn". Từ đó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá những thay đổi trong dự thảo sửa đổi của Luật Xử lý vi phạm hành chính này so với Bộ Luật Hình sự đã đồng bộ chưa?
Liên quan tới tiêu chí để xác định mức phạt vi phạm hành chính trong Luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ băn khoăn và cho rằng đang có độ vênh trong tiêu chí xác định mức phạt trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và xử phạt hình sự trong Bộ Luật Hình sự.
Bà Ngân nêu ví dụ, với hành vi đánh bạc, nếu xác định hình phạt chính là phạt tiền thì Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ phạt tối đa 40 triệu đồng, trong khi tội này trong Bộ Luật Hình sự lại phạt từ 20 tới 100 triệu đồng.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tiêu chí xác định mức phạt trong dự thảo sửa đổi Luật Xử phạt vi phạm hành chính sao cho đồng bộ với các luật khác.
Thực tế vẫn có độ vênh
Trả lời những thắc mắc trên, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận đang có độ vênh giữa xử phạt vi phạm hành chính và hình sự.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề lý luận và cách tiếp cận khi nói tới quan hệ giữa hành chính và hình sự.
“Từ trước đến nay, ta tiếp cận hành chính nhẹ hơn hình sự về mức độ vi phạm”, Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tư pháp cho biết, một số nước có cách tiếp cận tổng thể hơn, từ chỗ xác định hành chính và hình sự đều là hành vi vi phạm, bỏ qua yếu tố mức độ nguy hiểm và ảnh hưởng xã hội. Theo Bộ trưởng, từ cách tiếp cận này sẽ có cách xử lý nhất quán.
Qua rà soát, Bộ trưởng Tư pháp thấy rằng có một số lĩnh vựa như chứng khoán, quảng cáo, bảo vệ rừng, trật tự an toàn giao thông... có mức phạt tiền tối đa theo Luật xử phạt vi phạm hành chính cao hơn mức phạt tiền thấp nhất trong Bộ Luật Hình sự.
"Như vậy, cái ranh giới giữa hai bên chúng ta chưa xử lý dứt điểm", Bộ trưởng Tư pháp nói.
Tuy biết có độ vênh như vậy nhưng Bộ trưởng Tư pháp cho rằng "có nhiều lý do để chúng ta vẫn phải đi theo cách tiếp cận này".
Lý do đầu tiên, theo Bộ trưởng Tư pháp chính là tính nghiêm khắc của xử phạt hình sự không chỉ thể hiện ở mức phạt là thấp hay cao mà còn liên quan tới quy trình tố tụng, hậu quả pháp lý.
"Đối với xử lý hình sự, sau này sẽ có án tích, rồi cả quy trình xử lý hình sự ảnh hưởng tới nhân thân con người một cách trực diện và lâu dài", Bộ trưởng Tư pháp nói.
Tiếp đó, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng việc áp dụng việc phạt tiền với vi phạm hành chính không phải lúc nào cũng áp mức phạt tối đa, mà quy định trong luật là mức trần, phạt thế nào phải căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi. Tương tự, trong chế tài hình sự không phải lúc nào chúng ta cũng áp dụng cứng nhắc mà phải căn cứ vào từng trường hợp.
“Do thực tế đặt ra chúng ta chưa xử lý vấn đề này. Cách này chúng ta cũng quy định những cái lớn nhất còn những gì cụ thể trong pháp luật quy định. Còn lại một yếu tố rất quan trọng là quyền tự quyết, tính mức độ khách quan và tính nghiêm túc của các cán bộ trực tiếp làm công tác này và các thẩm phán có liên quan”, Bộ trưởng Tư pháp nói.