Vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ vẫn hết sức nhức nhối

Hiện nhiều tuyến quốc lộ đã và đang xảy ra tình trạng vi phạm quy định về quản lý hành lang an toàn đường bộ ảnh hưởng đến không gian kiến trúc cảnh quan chung khu vực, dự kiến phát triển mở rộng các tuyến đường và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Tình trạng họp chợ, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ diễn ra hết sức nhức nhối trên địa bàn cả nước. Ảnh: TL

Sau vụ tai nạn giao thông khiến 5 người chết, 5 người bị thương ở Đắk Nông tưởng chừng những người buôn bán ở lòng lề đường đã biết sợ, chính quyền địa phương cũng sẽ có những chấn chỉnh để bảo đảm an toàn giao thông. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều tuyến đường, thậm chí đường Quốc lộ trên địa bàn Hà Nội tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán vẫn hết sức nhức nhối.

Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 13/6, tại Km 1818+200 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua chợ 312, xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông). Xe tải mang BKS: 69C - 051.59 mất thắng đã tông liên tiếp vào 1 chiếc container và 2 chiếc xe tải chạy cùng chiều để giảm tốc độ. Tuy nhiên, 2 chiếc xe tải bị tông đã mất lái lao vào lề đường, nơi có nhiều tiểu thương và người dân đang mua bán khiến 5 người chết, 5 người bị thương nặng.

Ghi nhận thực tế của PV, dọc hai bên hành lang Quốc lộ 6 (đoạn từ thị trấn Xuân Mai đến thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) từ lâu đã nhức nhối với tình trạng chợ cóc, chợ tạm gây mất an toàn giao thông. Người bán chỉ cần tấm vải mưa trải ra, tức khắc biến thành “quầy hàng” với đủ thứ thịt, cá, mắm muối. Người mua cũng không cần xuống xe vẫn có thể mua bán, giao dịch một cách thoải mái, vô tư.

Đặc biệt là vào thời gian buổi chiều, khi công nhân từ khu công nghiệp Yên Nghĩa và một số nhà máy, xí nghiệp đóng ven Quốc lộ 6 tan tầm cũng là lúc người dân các xã như Ngọc Hòa, Đông Sơn đem rau quả, thực phẩm ra buôn bán tấp nập. Lúc này, hành lang Quốc lộ 6 biến thành một cái chợ cóc kéo dài hàng cây số, cực kỳ lộn xộn và mất an toàn giao thông.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên tuyến Quốc lộ 32. Theo thống kê tuyến đường có chiều dài 52 km nhưng tồn tại tới 707 trường hợp vi phạm gây mất an toàn giao thông nhất là trên các đoạn qua địa bàn huyện Hoài Đức, Ba Vì, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây.

Các vi phạm chủ yếu như: kinh doanh hàng hóa hoa cây cảnh, vật liệu xây dựng, dựng lều lán bán hàng, đặt biển quảng cáo... lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

Điển hình như đoạn qua địa bàn xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức có chiều dài chỉ 5km nhưng có đến hơn 200 trường hợp vi phạm. Phức tạp nhất phải kể đến 16km đoạn qua huyện Ba Vì với hàng trăm vi phạm như buôn bán hàng ăn, vật liệu xây dựng, họp chợ tụ tập gây cản trở giao thông.

Trên tuyến đường 70 chạy qua địa bàn phường Tây Mỗ, Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) tình trạng người dân kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè diễn ra tràn lan. Không những vậy tuyến đường ngày nào cũng phải cõng hàng ngàn lượt phương tiện tải trọng lớn, có dấu hiệu chở quá tải tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn.

Theo Bộ GTVT, việc giải phóng mặt bằng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ đòi hỏi nguồn kinh phí quá lớn

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ nói riêng và các tuyến đường bộ nói chung hết sức phức tạp do liên quan đến quyền sử dụng phần đất thuộc phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (trong đó gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ).

Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương còn buông lỏng công tác quản lý đất đai, cấp phép các khu dân cư, khu đô thị bám dọc các tuyến quốc lộ, cấp sổ đỏ trong đất hành lang an toàn đường bộ không theo quy hoạch, vi phạm các quy định của pháp luật gây bức xúc dư luận, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ.

Để khắc phục tình trạng nên trên, thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 994/QĐ-TTg, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai thực hiện trong những năm qua.

Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ đòi hỏi nguồn kinh phí quá lớn (theo thống kê năm 2016, kinh phí dự kiến là 129.277,65 tỷ đồng) nên chưa triển khai được do chưa được bố trí nguồn kinh phí.

Để thực hiện tốt các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên hệ thống quốc lộ trong thời gian tới, Bộ GTVT đề nghị chính quyền địa phương thực hiện đúng quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Đặc biệt là thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ mà pháp luật về giao thông đường bộ và đất đai đã quy định. Xử lý các vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác lập lại trật tự công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Phối hợp với chính quyền địa phương xử lý triệt để các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-pham-hanh-lang-an-toan-giao-thong-duong-bo-van-het-suc-nhuc-nhoi-post90094.html