Vi phạm hành lang lưới điện: Hiểm nguy rình rập
Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để phát sinh các điểm vi phạm mới về hành lang lưới điện cao áp trên địa bàn dẫn đến mất an toàn công trình điện.
Thời gian qua, dù ngành điện đã tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, chung tay bảo vệ an toàn hành lang lưới điện (HLLĐ), song tình trạng vi phạm HLLĐ vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn đe dọa sự an toàn của chính người dân.
Hàng loạt sự cố
Ngày 18.11, do thời tiết có mưa kèm gió to, một bạt nhựa của nhà dân bị cuốn bay vào đường dây điện cao thế tại khoảng cột 4 - 5 nhánh Khê Khẩu 1 đoạn qua khu dân cư Khê Khẩu, phường Văn Đức (Chí Linh) gây tiếng nổ lớn. Sau vụ nổ này, hơn 3.000 khách hàng do Điện lực Chí Linh quản lý bị mất điện. Điện lực Chí Linh đã cử lực lượng khẩn trương kiểm tra tìm điểm sự cố để lên phương án khắc phục. Do trời mưa gió nên phải mất hơn 1 giờ đồng hồ sau, đơn vị mới khắc phục xong sự cố, đóng điện trở lại. Qua xác minh, bạt nhựa trên của gia đình anh Nguyễn Xuân Hòa (ở khu dân cư Khê Khẩu). Nhà anh Hòa đang xây nhà, dùng bạt buộc vào giàn giáo, nhưng do buộc không chắc nên khi có gió to, bạt nhựa đã bay vào đường dây điện.
Trước đó, khoảng 16 giờ 34 ngày 15.11, trên đường dây do Điện lực Thanh Hà quản lý cũng xảy ra sự cố tác động đến máy cắt đầu nguồn lộ 373E8.6. Qua xác minh, vào thời điểm trên, khi kéo dây mạng internet, anh Bùi Văn Quân (ở xã Thanh Xuân) đã tung dây cáp mạng lên đường dây điện tại khoảng cột 18 - 19 nhánh Thanh Xuân A gây sự cố. Sau tiếng nổ, toàn bộ phụ tải đường dây 373E8.6 bị mất điện hoàn toàn. 13.629 khách hàng ở các xã Hồng Lạc, Việt Hồng, Thanh An, Thanh Lang, Thanh Xuân, Cẩm Chế, Liên Mạc bị ảnh hưởng. Sự cố còn gây mất điện các phụ tải của 2 huyện Kim Thành và Nam Sách được cấp điện trên lộ 373E8.6. “Cảnh tượng lúc đó rất sợ. Tôi đang đứng ngay dưới mái hiên, anh Quân vừa tung dây mạng lên thì có tiếng nổ lớn, sau đó cuộn dây bị cháy. Tôi vội vàng hô các con chạy ra khỏi nhà”, bà Hoàng Thị Vớt ở thôn Thiện Trang, xã Thanh Xuân nhớ lại.
Theo thống kê của Điện lực Hải Dương, có khoảng 30% tổng số sự cố do vi phạm HLLĐ gây ra, tập trung nhiều ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Nam Sách và Thanh Miện. Nguyên nhân chủ yếu do động vật, thả diều và các vật thể bay… Có thể thấy, các sự cố do các nguyên nhân nêu trên hoàn toàn có thể phòng ngừa, ngăn chặn.
Chung tay phòng ngừa
Trong nhiều năm qua, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện nhằm xóa bỏ nhiều điểm vi phạm HLLĐ. Chỉ tính riêng 10 tháng qua, Điện lực Hải Dương đã xóa 55 điểm vi phạm HLLĐ cao áp, hiện toàn tỉnh còn 121 điểm vi phạm. Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, đề nghị các hộ dân ký cam kết không vi phạm, ngành điện thực hiện cải tạo, hạ ngầm dây, nâng cao đường dây để tăng khoảng cách… Các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng gần HLLĐ, kịp thời cảnh báo người dân. Phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các trường hợp vi phạm và tích cực vận động, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, cùng tham gia bảo vệ HLLĐ. Các đơn vị đã phối hợp với chính quyền ra quyết định xử phạt 16 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt 23,5 triệu đồng.
Việc UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 25.6.2021 về tăng cường công tác quản lý bảo vệ HLLĐ cao áp trên địa bàn tỉnh đã giúp ngành điện và các địa phương có thêm hành lang pháp lý trong xử lý vi phạm. Chỉ thị nêu rõ, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để phát sinh các điểm vi phạm mới về HLLĐ cao áp trên địa bàn dẫn đến mất an toàn công trình điện, gây sự cố lưới điện. Tùy theo tình hình của địa phương, UBND cấp huyện có thể ban hành văn bản cấm thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp; xem xét giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong đền bù, chặt cây trong và ngoài hành lang lưới điện có khả năng gây sự cố...
Là người may mắn thoát nạn trong vụ việc xảy ra tại xã Thanh Xuân, anh Bùi Văn Quân đã có bài học sâu sắc cho bản thân mình. “Trước đây tôi vẫn nghĩ đường điện cao thế cũng như đường điện hạ thế nên khi làm việc đã chủ quan, rất may không gây thiệt hại lớn. Từ nay khi làm việc dưới đường dây cao thế tôi sẽ tìm tới sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành điện để bảo đảm an toàn”, anh Quân cho biết.
Ngoài sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, chính quyền địa phương thì ý thức của người dân là yếu tố quyết định góp phần bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/tin-tuc/vi-pham-hanh-lang-luoi-dien-hiem-nguy-rinh-rap-187736