Vi phạm luật giao thông vì thói quen rẽ phải khi đèn đỏ

Nhiều người cho rằng khi tín hiệu đèn giao thông báo đỏ thì đương nhiên được quyền rẽ phải. Tuy nhiên, trên thực tế, người tham gia giao thông chỉ được phép rẽ phải khi đèn đỏ tại một số điểm cho phép...

Theo quan sát, hiện nay khi tham gia giao tại Hà Nội có rất nhiều người vẫn thản nhiên rẽ phải trong khi đèn tín hiệu giao thông vẫn đang ở đèn đỏ. Điều ngạc nhiên là rất ít người biết được khi đèn đỏ thì bắt buộc mọi phương tiện giao thông đều phải dừng lại (kể cả rẽ phải) trừ một số trường hợp ngoại lệ.

Chị Đỗ Thị Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Rất nhiều lần khi tham gia giao thông trên đường phố, trong khi tôi dừng đèn đỏ thì có người phía sau bấm còi và tỏ thái độ khó chịu vì cho rằng bị chắn lối rẽ phải. Bạn bè tôi nhiều người vẫn giữ thói quen rẽ phải khi đèn đỏ mà không biết rằng mình đã vi phạm luật giao thông”.

Các phương tiện giao thông phải dừng lại khi có tín hiệu đèn đỏ

Các phương tiện giao thông phải dừng lại khi có tín hiệu đèn đỏ

Chia sẻ về điều này, luật sư Lê Quyên - Công ty Luật Hợp danh The Light, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết: Theo quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008 23/2008/QH12 thì hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.

Trong đó, tín hiệu đèn giao thông có ba màu và được quy định như sau: Tín hiệu xanh là được đi; Tín hiệu đỏ là cấm đi; Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Như vậy, căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì về nguyên tắc khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu đỏ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải dừng lại. Tuy nhiên, người dân được phép lưu thông khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ trong các trường hợp:

Thứ nhất, có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông cho phép phương tiện được lưu thông. Thứ hai, tại nút giao thông có đèn xanh báo hiệu ưu tiên cho phép lưu thông được lắp đặt kèm theo. Thứ ba, tại nút giao thông có biển báo hiệu cho phép các xe lưu thông được lắp đặt kèm theo. Thứ tư, tại nút giao thông có lắp đặt tiểu đảo để phân luồng cho phép các xe lưu thông trước khi đến đèn tín hiệu giao thông.

Trường hợp vi phạm rẽ phải khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ, người điều khiển phương tiện vẫn bị lực lượng chức năng xử phạt, cụ thể mức phạt như sau:

Phạt tiền từ 1.200.000 - 2.000.000 đồng và tước Giấy phép lái xe 01 - 03 tháng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông (căn cứ Điểm a Khoản 5 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).

Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng và tước Giấy phép lái xe 01 - 03 tháng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông (căn cứ Điểm c Khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).

P.V

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vi-pham-luat-giao-thong-vi-thoi-quen-re-phai-khi-den-do-99693.html