Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, Viện kiểm sát đề nghị hủy bản án sơ thẩm
Qua kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án dân sự 'Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, thừa kế tài sản và hủy quyết định cá biệt' giữa nguyên đơn là bà Phạm Thị Thủy với bị đơn là bà Phạm Thị Hương, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng vừa ban hành Thông báo rút kinh nghiệm số 46/TB-VKS-DS đối với vụ án dân sự nêu trên.
Nội dung vụ án
Nội dung vụ án thể hiện: Cha bà Phạm Thị Thủy là ông Phạm Miết có 3 người vợ là Nguyễn Thị Chuyền, Đinh Thị Sơn và Đinh Thị Liên. Ông Phạm Miết và bà Chuyền sinh được 1 người con là anh Phạm Hỷ; ông Phạm Miết và bà Sơn sinh được 4 người con là Phạm Thị Thủy, Phạm Thị Lệ, Phạm Văn Tuấn và Phạm Thị Luật; ông Phạm Miết và bà Liên sinh được 2 người con là Phạm Thị Hy và Phạm Thị Hương. Ngoài 3 người vợ và 7 người con nêu trên, ông Phạm Miết không còn vợ, con nào khác.
Trong quá trình chung sống với bà Liên, ông Phạm Miết và bà Liên có tạo lập được khối tài sản chung là nhà và đất với tổng diện tích 4.195 m2 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất số G688851 do UBND huyện cấp ngày 4/1/1996. Sau khi ông Phạm Miết chết, lợi dụng việc quản lý sử dụng khối di sản nêu trên, bà Liên và 2 con là Phạm Thị Hy, Phạm Thị Hương đã kê khai gian dối, gạt bỏ chị em của chị ra khỏi hàng thừa kế của ông Phạm Miết và lập văn bản phân chia tài sản thừa kế (số công chứng 56, quyển số 07 TP/CC-SCC/HĐGD do Văn phòng Công chứng lập ngày 8/1/2015) để nhượng quyền thừa kế của ông Phạm Miết lại cho chị Phạm Thị Hương. Theo đó, ngày 14/1/2015 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện đã chỉnh lý tại trang sau của GCNQSD đất số G688851 lập ngày 14/1/2015 chuyển dịch toàn bộ QSDĐ cho chị Hương. Việc làm của chị Hương đã ảnh hưởng đến quyền lợi của các đồng thừa kế.
Do đó, chị Thủy khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản phân chia tài sản thừa kế số công chứng 56, quyển số 07 TP/CC-SCC/HĐGD do Văn phòng Công chứng lập ngày 8/1/2015 vô hiệu; hủy phần chỉnh lý tại trang sau của GCNQSD đất số G688851 do Văn phòng Đăng ký đất đai lập ngày 14/1/2015 đối với việc chuyển dịch QSDĐ cho chị Phạm Thị Hương; chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản thừa kế do ông Phạm Miết để lại theo GCNQSD đất số G688851 do UBND huyện cấp ngày 4/1/1996 và hủy GCNQSD đất số G688851 cấp ngày 14/1/2015 cho chị Phạm Thị Hương.
Quá trình giải quyết vụ án
Bản án dân sự sơ thẩm số 66/2019/DS-ST ngày 25/11/2019, TAND tỉnh đã quyết định: Xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Thủy về việc “Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, thừa kế tài sản và yêu cầu hủy quyết định cá biệt” đối với bị đơn là bà Phạm Thị Hương.
Tuyên bố văn bản phân chia tài sản thừa kế số công chứng 56, quyển số 07 TP/CC-SCC/HĐGD do Văn phòng công chứng huyện lập ngày 8/1/2015 vô hiệu; hủy phần chỉnh lý tại trang sau của GCNQSD đất số G688851 do Văn phòng đăng ký đất đai lập ngày 14/1/2015 đối với việc chuyển dịch QSDĐ cho bà Phạm Thị Hương.
Giao toàn bộ diện tích đất ở còn lại cùng toàn bộ đất lúa, màu theo GCNQSD đất số G688851 do UBND huyện cấp ngày 4/1/1996 cùng toàn bộ cây lưu niên có trên đất cho bà Phạm Thị Hương được sử dụng và bà Hương có trách nhiệm thối trả giá trị tài sản bằng tiền cho các đương sự nêu trên. Tổng giá trị tài sản bà Phạm Thị Hương được nhận là 166.111.000đ (Một trăm sáu mươi sáu triệu một trăm mười một nghìn đồng).
Bà Nguyễn Thị Thanh Thu được sử dụng 151,7 m2 đất ở tại thửa 131/1 (Thửa 88 mới, có sơ đồ, bản vẽ kèm theo) và có trách nhiệm kê khai, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được sử dụng diện tích đất trên. Bà Phạm Thị Hương có nghĩa vụ thối trả giá trị di sản được nhận cho bà.
Ngày 2/12/2019, nguyên đơn là chị Phạm Thị Thủy có đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại vụ án để phân chia di sản thừa kế của ông Phạm Miết cho chị em của chị bằng hiện vật (đất) để làm nhà thờ ông bà, cha mę.
Ngoài ra, trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại Đà Nẵng nhận được “Đơn đề nghị xem xét” của ông Đinh Mười và của bà Đinh Thị Sơn cùng có nội dung: Ông Đinh Mười và bà Đinh Thị Sơn là con cụ Đinh Sỏ (sinh năm 1914, chết năm 1986) và cũng là em ruột bà Đinh Thị Liên. Thửa đất số 131/1 diện tích 1.096 m2 loại đất thổ cư và thửa đất số 131/3 diện tích 988 m2 loại đất màu, tại tờ bản đồ số 05 theo hồ sơ 299/TTg có nguồn gốc của cha ông để lại cho cụ Đinh Sỏ sử dụng từ trước năm 1975, sau đó cụ Đinh Sỏ giao cho bà Liên quản lý, sử dụng. Khoảng năm 1983, ông Phạm Miết về chung sống với bà Liên đã đứng ra kê khai, đăng ký theo Nghị định 64/CP của Chính phủ và được cấp GCNQSD đất đối với hai thửa đất trên. Khi cụ Đinh Sỏ chết không để lại di chúc; những người thừa kế chưa tiến hành khai nhận, phân chia di sản thừa kế do cụ Đinh Sỏ để lại nên việc cấp GCNQSD đất số G 688851 ngày 4/1/1996 cho hộ ông Phạm Miết là không đúng pháp luật. Do đó, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm để triệu tập thêm ông Mười, bà Sơn với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; hủy GCNQSD đất số G 688851 ngày 4/1/1996 của UBND huyện cấp cho hộ ông Phạm Miết và chia di sản thừa kế đối với phần đất của cụ Đinh Sỏ để lại theo quy định của pháp luật.
Bản án dân sự phúc thẩm số 114/2020/DSPT ngày 17/6/2020 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng: Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 66/2019/DS-ST ngày 25/11/2019 của TAND tỉnh xét xử vụ án “Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, thừa kế tài sản và hủy quyết định cá biệt” giữa nguyên đơn là chị Phạm Thị Thủy, bị đơn là chị Phạm Thị Hương; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh để giải quyết, xét xử sơ thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Theo cung cấp của UBND xã tại Biên bản xác minh ngày 21/3/2018 và lời trình bày của các đương sự trong quá trình tố tụng thì ông Phạm Miết sinh năm 1940 (chết năm 2008) có 3 người vợ và 7 người con. Trong đó, người vợ thứ nhất là bà Nguyễn Thị Chuyền sinh năm 1940, có 1 con chung với ông Miết là anh Phạm Văn Hỹ (Phạm Hỷ), sinh năm 1964; người vợ thứ hai là bà Đinh Thị Sơn sinh năm 1938 (chết năm 1980), có 4 con chung với ông Miết là chị Phạm Thị Thủy sinh năm 1969, chị Phạm Thị Lệ sinh năm 1971, chị Phạm Thị Luật sinh năm 1974, anh Phạm Văn Tuấn sinh năm 1977; người vợ thứ ba là bà Đinh Thị Liên sinh năm 1942, có 3 con riêng với người chồng trước là anh Nguyễn Văn Trạng, chị Nguyễn Thị Thanh Nga, chị Nguyễn Thị Thanh Thu và 2 người con chung với ông Miết là chị Phạm Thị Hy sinh năm 1980, chị Phạm Thị Hương sinh năm 1984 (ông Phạm Miết về sống chung với bà Liên từ năm 1979 đến khi qua đời năm 2008).
Theo GCNQSD đất số G 688851 ngày 4/1/1996 của UBND huyện và kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản thì hộ ông Phạm Miết được quyền sử dụng 6 thửa đất. Tại Văn bản số 317/UBND-TNMT ngày 1/4/2019, UBND huyện đã xác định: Đối với thửa đất số 131/1 và thửa đất số 131/3: Theo hồ sơ 299/TTg, vị trí các thửa đất nêu trên thuộc phạm vi thửa 395 tờ bản đồ 04 diện tích 591 m2, loại đất hoang do UBND xã quản lý và thửa 396 tờ bản đồ 04 diện tích 3.102 m2; trong đó, ông Đinh Tồn (anh ruột bà Đinh Thị Liên) đăng ký diện tích 430 m2 loại đất màu, diện tích còn lại là đất màu do Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Giang quản lý.
Các thửa đất này nguyên trước đây (trước năm 1975) là thuộc gò Ông Xem (Ông Xem là tên thường gọi của ông Đinh Sỏ, cha ruột của bà Đinh Thị Liên), ông Xem quản lý sử dụng có nguồn gốc từ cha ông để lại và khi ông Xem qua đời thì giao lại cho bà Liên (tên thường gọi Chín Giêng) và con trai bà Liên là anh Nguyễn Trạng quản lý sử dụng. Sau khi ông Phạm Miết về sinh sống với bà Liên, vì ông Phạm Miết là đàn ông nên đã đứng tên chủ hộ gia đình để kê khai, đăng ký theo Nghị định 64/CP của Chính phủ đối với thửa 131/1 và thửa 131/3. Do đó, việc ông Phạm Miết đứng tên kê khai đăng ký đất đai theo Nghị định 64/CP và được cấp GCNQSD đất ngày 4/1/1996 đối với các thửa đất số 131/1 và 131/3 là không đúng quy định của pháp luật vì các thửa đất nêu trên có nguồn gốc của cha bà Liên để lại cho bà Liên trước khi ông Phạm Miết đến chung sống với bà Liên.
Đối với các thửa đất số 17, 71, 21 và 282: Theo hồ sơ đăng ký kê khai theo Chỉ thị 299/TTg là đất sản xuất nông nghiệp do Hợp tác xã nông nghiệp quản lý. Khi triển khai thực hiện Nghị định 64/CP của Chính phủ, ông Phạm Miết đứng ra kê khai và được UBND huyện cấp GCNQSD đất ngày 4/1/1996 cho hộ ông Phạm Miết. Theo sổ Hộ khẩu của gia đình bà Đinh Thị Liên do Công an xã Tam Giang xác lập ngày 10/7/1998 thì hộ bà Đinh Thị Liên có 3 nhân khẩu gồm bà Đinh Thị Liên (chủ hộ) và hai con Phạm Thị Hương, Phạm Thị Hy; không có tên ông Phạm Miết. Tuy nhiên, theo cung cấp của UBND huyện thì do ông Phạm Miết về chung sống với bà Liên từ khoảng năm 1983 và ông Miết đứng tên kê khai, đăng ký nên có đủ cơ sở xác định các thửa đất trên được Nhà nước giao cho 4 thành viên trong hộ gia đình gồm ông Miết, bà Liên, chị Hy và chị Hương.
Trong suốt quá trình tố tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm, chị Phạm Thị Hương là bị đơn và anh Nguyễn Trạng (là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đinh Thị Liên) đều khẳng định các thửa đất trên là của ông bà ngoại để lại, không đồng ý yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn.
Như vậy, để xác định nguồn gốc hai thửa đất 131/1 và 131/3 nêu trên có đúng là tài sản của cụ Đinh Sỏ hay không; cụ Đinh Sỏ trước khi chết có tặng cho bà Liên và anh Trạng, hay là cho một mình bà Liên hay không, cũng như việc xác định phần diện tích đất ông Đinh Tồn kê khai đăng ký, phần đất do UBND xã quản lý có liên quan như thế nào đối với phần đất bà Liên sử dụng, được ông Phạm Miết kê khai đăng ký và đã được cấp GCNQSD đất năm 1996 thì cần thiết phải lấy lời khai của ông Đinh Tồn, anh Nguyễn Trạng và UBND xã.
Thông qua đó, xác định và đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người làm chứng theo quy định tại khoản 4 Điều 68 và Điều 77 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chưa lấy lời khai của những người này để làm rõ, mà cho rằng bà Liên tự nguyện đưa vào khối tài sản chung với ông Phạm Miết là chưa có đủ căn cứ.
Đối với ý kiến kiến nghị của ông Đinh Mười và bà Đinh Thị Sơn thì thấy: Ông Đinh Mười và bà Đinh Thị Sơn là con cụ Đinh Sỏ và cũng là em ruột bà Đinh Thị Liên. Thửa đất số 131/1 và thửa đất số 131/3 đã được UBND huyện xác định có nguồn gốc của cha ông để lại cho cụ Đinh Sỏ, sau đó cụ Đinh Sỏ giao cho bà Liên và con trai bà Liên là anh Nguyễn Trạng quản lý, sử dụng; khoảng năm 1983, ông Phạm Miết về chung sống với bà Liên đã đứng ra kê khai, đăng ký theo Nghị định 64/CP của Chính phủ và được cấp GCNQSD đất đối với hai thửa đất trên là không đúng pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm, các đương sự đều không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc cụ Đinh Sỏ đã tặng cho riêng bà Đinh Thị Liên toàn bộ thửa đất số 131/1 và thửa đất số 131/3 nói trên.
Cũng theo VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, trong quá trình tố tụng, Tòa án cấp sơ thẩm chưa thực hiện đầy đủ việc thu thập chứng cứ làm rõ nguồn gốc thửa đất số 131/1 và thửa đất số 131/3 để xác định chính xác phần ông Phạm Miết được hưởng đối với các thửa đất này; đồng thời phát sinh tình tiết mới chưa đưa đầy đủ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, Tòa án cấp phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung, khắc phục được. Do đó, cần hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết, xét xử lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.