Vi phạm nồng độ cồn chiếm tỷ lệ cao trong các vi phạm về an toàn giao thông
Từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Cảnh sát giao thông, Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông.
Trong đó, trên đường bộ tập trung xử lý vi phạm theo 5 nhóm chuyên đề gồm: Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn; kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng, phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm; cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ; vi phạm tốc độ; sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện.
Các chuyên đề trên được thực hiện thường xuyên, quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Qua xử lý các chuyên đề, dần hình thành thói quen, văn hóa tham gia giao thông của người dân "không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia"; tình trạng xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng hoạt động trên tuyến sau đợt tăng cường xử lý cũng đã cơ bản được kiểm soát.
Trên tuyến đường sắt, lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn tại các đường ngang, lối đi tự mở, vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt; phối hợp với doanh nghiệp đường sắt kiểm tra việc chấp hành các quy định như điều kiện lưu hành của các phương tiện giao thông đường sắt; trang thiết bị thông tin, chỉ dẫn cần thiết trên phương tiện giao thông đường sắt... Đặc biệt là kiểm tra an toàn kỹ thuật đường ngang được phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động, phức tạp về trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kiểm tra việc chấp hành của công nhân viên đường sắt đối với quy định về nồng độ cồn.
Trên tuyến đường thủy nội địa, các nội dung được kiểm tra, xử lý là vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, an toàn kỹ thuật, hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy nội địa; người điều khiển phương tiện thủy nội địa mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn; các vi phạm quy định về hoạt động của thuyền viên, người lái phương tiện, chủ phương tiện; các vi phạm quy định về quản lý, khai thác cảng, bến thủy.
Trong 9 tháng của năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý trên 2,5 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông; phạt tiền trên 4.801 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn 484,6 nghìn trường hợp, tạm giữ 771,3 nghìn phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm trước, xử lý vi phạm tăng 20,35%; tiền phạt tăng 69,92%.
Cơ quan Cảnh sát giao thông và Cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố 3.530 vụ, 3.569 bị can liên quan đến các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân truy tố 2.966 vụ, 3.062 bị can (Tòa án nhân dân các cấp đã xét 3.208 vụ, 3.141 bị cáo).
Đáng chú ý, mặc dù các cơ quan chức năng rất quyết liệt trong kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, song hành vi vi phạm này vẫn chiếm tỷ lệ rất cao trong các hành vi vi phạm. Chỉ trong 6 tuần (từ ngày 30/8 - 15/10), 6 tổ công tác của Bộ Công an do Cục Cảnh sát giao thông chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đã phát hiện và bàn giao cho Công an địa phương xử lý 6.119 trường hợp vi phạm (có 232 trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức), 46 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.
Điển hình, tại Bắc Giang, các tổ công tác đã phát hiện và bàn giao cho địa phương lập biên bản xử lý 399 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 4 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong tổng số 436 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Trong số này, qua xác minh nhanh có 19 trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức.
Chỉ trong một tuần (từ 25-31/10) tổ công tác của Bộ Công an phối hợp với lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai triển khai kế hoạch kiểm soát chuyên đề nồng độ cồn, ma túy trên tuyến Quốc lộ 20 đi qua tỉnh, đã phát hiện 352 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 7 cán bộ, công chức, viên chức.
Một phân tích của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, trong hơn 2,9 triệu hành vi vi phạm thì vi phạm quy định về nồng độ cồn là nhiều nhất, với 550.291 trường hợp (chiếm 18,88%); tiếp đến là chạy quá tốc độ quy định 499.095 trường hợp (chiếm 17,12%), vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm 323.772 trường hợp (chiếm 11,11%). Các hành vi như dừng đỗ không đúng quy định chiếm 6,42%; vi phạm quy định về giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn chiếm 8,8%; đi sai làn đường, phần đường chiếm 1,88%, lái xe dương tính với ma túy 0,06%
Vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện là một trong những tồn tại trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã được Ủy ban An toàn giao thông chỉ ra trong báo cáo 9 tháng năm 2023. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các hành vi vi phạm khác như tai nạn giao thông, chống lại người thi hành công vụ.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 9 tháng qua, cả nước xảy ra 44 vụ không chấp hành pháp luật về giao thông, chống lại lực lượng Cảnh sát giao thông đang thi hành nhiệm vụ, làm 1 cán bộ hy sinh, 21 cán bộ, chiến sỹ bị thương; bắt giữ 44 đối tượng. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 23 vụ (109%), trong đó, có tới 19 vụ người vi phạm có sử dụng rượu, bia (chiếm 43,18%).
Còn theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đàu năm đến ngày 9/10, tổng số lượt bệnh nhân khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là gần 318,3 nghìn trường hợp, số nạn nhân tử vong sau khi nhập viện là 1.294 người. Tổng số trường hợp liên quan đến tai nạn giao thông có xét nghiệm nồng độ cồn trong máu là 85.717, trong đó có vi phạm nồng độ cồn trong máu là 26.855 người.
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông mới đây, Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, lực lượng Cảnh sát giao thông tập trung đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, rà soát các tuyến, địa bàn, các tụ điểm ăn nhậu, nhà hàng, đưa ra đánh giá và tập trung các lực lượng để đưa vào địa bàn đó thực hiện, đảm bảo hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát.
Cục sẽ tiếp tục đưa các chuyên đề cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xác định phải đánh trúng để kiềm chế các hành vi vi phạm, trong đó có các vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ, chở quá tải, tránh vượt không đúng quy định... Đó là những nguyên nhân có nguy cơ cao làm mất an toàn giao thông.