Vi phạm pháp luật sao vẫn ngang nhiên tồn tại?

Nhiều công trình xây dựng vi phạm pháp luật, chình ình cả trên hành lang thoát lũ, gây nguy hiểm cho cộng đồng, sao vẫn ngang nhiên tồn tại? Xe quá tải trọng sao vẫn vô tư chạy vào đường có biển cấm, thậm chí còn phóng nhanh, lạng lách, trở thành mối hiểm họa cho người đi đường?

Nhiều quán bar, karaoke chỉ cần nhìn bằng mắt thường đã thấy không bảo đảm các yếu tố an toàn, nhất là khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, xử phạt, vậy tại sao không phát hiện ra yếu tố nguy hiểm, tại sao vẫn để tiếp tục hoạt động?... Những câu hỏi đó, những thắc mắc đó bất cứ ai cũng có quyền đặt ra!

 Hiện trường vụ cháy quán karaoke tại phố Quan Hoa vào ngày 1-8-2022. Ảnh: nhandan.com.vn

Hiện trường vụ cháy quán karaoke tại phố Quan Hoa vào ngày 1-8-2022. Ảnh: nhandan.com.vn

Chúng ta thường chỉ sôi sục với các vấn đề sau khi một thảm họa xảy ra, nhiều người thiệt mạng. Còn trước đó, dù có rất nhiều dấu hiệu bất ổn, dù có rất nhiều bức xúc thì thường mọi thứ vẫn không được giải quyết triệt để. Đó là một thói quen xấu, là yếu tố để thảm họa tiếp tục lặp lại.

Các vụ cháy quán karaoke xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, trong đó vụ sau còn nghiêm trọng hơn vụ trước, số người thiệt mạng lớn hơn nhiều so với vụ trước là hồi chuông réo rắt, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt. Trách nhiệm của tập thể, cá nhân cần được làm rõ, nếu phát hiện vi phạm pháp luật, phải bị xử lý nghiêm minh, chứ không thể “bắt cóc bỏ đĩa”.

Chúng ta thường hay phàn nàn về thực trạng luật không đi vào đời sống, thậm chí còn có hiện tượng nhờn luật. Đó là vì sao? Phải chăng vì việc thực thi pháp luật của chúng ta chưa nghiêm? Phải chăng vì vẫn còn tình trạng tiêu cực trong đội ngũ thực thi pháp luật nên người vi phạm coi thường luật, vì có thể giải quyết mà không cần luật.

Lâu nay, trong quản lý các công trình xây dựng còn tồn tại một thuật ngữ “phạt cho tồn tại”. Ấy là nhắc đến các công trình xây dựng không phép, sai phép nhưng chỉ cần đóng một khoản tiền phạt là công trình ấy được tồn tại. Thậm chí, từng có địa phương coi đây là một giải pháp hay để tăng thu ngân sách(!). Điều này có thể sẽ giải quyết được một số vướng mắc cụ thể, trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ khuyến khích sự nhờn luật. Như thế không khác nào chính quyền cho phép dùng tiền để hợp thức những vi phạm pháp luật. Từ đó, có những người sẵn sàng làm liều, đưa mọi thứ vào sự đã rồi, để sau đó chỉ phải đóng một khoản xử phạt hành chính là lại ổn thỏa.

Do đó, muốn pháp luật được thực thi nghiêm minh, trước hết những người xây dựng và thực thi pháp luật đều phải có ý thức hết sức nghiêm túc về việc này. Khi xây dựng luật thì cần phải tính toán được khả năng chấp hành của các đối tượng, tránh việc xây dựng những quy định khó như đánh đố, bởi như vậy chỉ tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực. Khi thực thi pháp luật thì cần cương quyết với các hành vi cố tình vi phạm. Tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ... nhiều tòa nhà cao tầng vì vi phạm quy định về xây dựng nên đã bị nhà chức trách dùng mìn phá bỏ. Các cơ quan quản lý của chúng ta có dám cương quyết như vậy không?

Để xây dựng một xã hội kỷ cương thì dứt khoát không thể để tồn tại những hành vi ngang nhiên vi phạm pháp luật.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/vi-pham-phap-luat-sao-van-ngang-nhien-ton-tai-705160