Vi phạm tốc độ đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây tai nạn giao thông nghiêm trọng
Hành vi nguy hiểm được xác định là chạy quá tốc độ. Tốc độ càng cao thì khả năng xảy ra va chạm càng lớn và hậu quả càng nghiêm trọng.
Ngày 24-5, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Vital Strategies - đối tác của Quỹ Bloomberg Philanthropies, thuộc Dự án sáng kiến vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu (BIGRS) tại thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, triển khai chiến dịch truyền thông an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, thực hiện từ quý III-2024 đến hết quý I-2025.
Ông Tạ Đức Giang, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội thông tin, trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 21.880 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 11.498 người, bị thương 15.255 người.
Qua phân tích 34 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong năm 2023, việc không chấp hành quy định về tốc độ chiếm thứ 2 trong các nguyên nhân gây tai nạn giao thông (14,71%).
Cũng trong năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý hơn 3,4 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, không chấp hành quy định về tốc độ đứng thứ 2 trong số vụ vi phạm bị xử lý (hơn 663.000 trường hợp vi phạm, chiếm 19,83% số vụ).
Thông tin thêm, Trung tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông – Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ năm 2023 đến tháng 4-2024, lực lượng Cảnh sát giao thông – Công an thành phố đã xử lý 18.288 trường hợp vi phạm tốc độ. Tuy nhiên, việc xử lý còn nhiều khó khăn.
Phương tiện chạy với tốc độ cao, khi thấy lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì quay đầu hoặc lạng lách, “đánh võng”, gây nguy hiểm cho người điều khiển, người tham gia giao thông khác và lực lượng thi hành công vụ.
Trang thiết bị, máy bắn tốc độ còn thiếu. Phòng Cảnh sát giao thông được cấp 37 máy bắn tốc độ, nhưng hiện 6 máy đã hỏng.
Hợp phần về truyền thông về an toàn đường bộ được triển khai ở 30 thành phố ở 13 quốc gia ưu tiên. Tại Việt Nam, có Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Chiến dịch “Hãy tuân thủ tốc độ quy định” thực hiện ở Việt Nam năm 2023 là chiến dịch thứ 100 được hỗ trợ trong khuôn khổ BIGRS. Hành vi nguy hiểm được xác định là chạy quá tốc độ. Tốc độ càng cao thì khả năng xảy ra va chạm càng lớn và hậu quả càng nghiêm trọng. Nghiên cứu chỉ ra rằng, người đi bộ có 90% cơ hội sống sót nếu bị ô tô đâm với tốc độ 30 km/h, nhưng chỉ có 10% cơ hội sống sót nếu bị ô tô chạy 100km/h đâm.
Vì vậy, chiến dịch truyền thông “Hãy tuân thủ tốc độ quy định” hướng tới thay đổi nhận thức và hành vi của lái xe về tốc độ phương tiện khi tham gia giao thông; nâng cao nhận thức về nguy cơ thiệt hại gia tăng theo tốc độ phương tiện cho bản thân lái xe và người đi đường.