'Vi phạm trong công tác nhân sự còn tệ hại hơn tham nhũng về kinh tế'
Một nhân sự bất tài, thất đức thì phá hủy cả thể chế chính sách, cả nền tảng thi hành pháp luật, văn hóa pháp lý, đạo lý xã hội.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, công tác chuẩn bị nhân sự khóa mới đã và đang được tiến hành khẩn trương. Hàng trăm, hàng ngàn cán bộ đã được quy hoạch vào cấp ủy các cấp.
Làm thế nào để những cán bộ được quy hoạch thật sự là những hạt nhân xứng đáng, đi hết nhiệm kỳ mà không xảy ra sai phạm, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội (đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau) về vấn đề này.
Chưa xét xử vụ án nào liên quan sai phạm trong công tác cán bộ
PV: Đảng ta luôn chú trọng đến công tác cán bộ, đặc biệt là quy hoạch cán bộ các thời kỳ. Nhưng theo ông, công tác cán bộ hiện nay đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và sự kỳ vọng của người dân?
Ông Lê Thanh Vân: Nhìn tổng quan có thể thấy, công tác chuẩn bị nhân sự, tuyển chọn nhân tài đã được đổi mới, chất lượng cấp ủy có được nâng lên. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trong công tác cán bộ vẫn còn những điểm khuyết, hạn chế, để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, cả đức và tài vào bộ máy.
Quy hoạch là bước chọn lọc để chuẩn bị nguồn thay thế, tức là sàng lọc trước rất nhiều bước cho đến lúc quy hoạch, vào đội dự bị. Nhưng đáng tiếc, các bước trước làm không đến nơi, đến chốn, bỏ lọt, nên khi đưa vào vòng quy hoạch thì chọn không đúng người. Mặt trái của nó tác động tiêu cực đến nguồn nhân sự thay thế.
Quy hoạch cũng chỉ là một bước. Quy hoạch mà quá cứng nhắc để lựa chọn cán bộ trong khuôn khổ quy hoạch thì khó mà chọn được người tài. Bởi vì con đường hình thành quy hoạch vẫn là cách giới thiệu, lại đưa “tứ hệ” vào, sau đó hợp thức hóa bằng quyết định của tập thể thì rất nguy hiểm. Cho nên giai đoạn trước có chuyện “chạy quy hoạch” và bây giờ cũng không loại trừ vì có những thủ đoạn bị phát hiện ra thì bây giờ họ tìm cách khác; trước đây lộ liễu thì bây giờ tinh vi, kín đáo hơn.
PV: Theo ông, sau khi quy hoạch thì tiếp tục sàng lọc?
Ông Lê Thanh Vân: Tinh thần mà Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã nói đó là quy hoạch nhưng không chỉ đóng khung như vậy mà “có đóng, có mở”. Điều đó có nghĩa quy hoạch chỉ là một bước, những cán bộ được quy hoạch đừng nghĩ rằng mình chắc chắn sẽ được cất nhắc, bố trí vào vị trí cao hơn. Cho nên phải sàng lọc tiếp và bổ sung thường xuyên.
PV: Vấn đề ở đây là cần có sự cạnh tranh để sàng lọc, nếu không có sự cạnh tranh thì làm sao biết được người nào nổi trội hơn?
Ông Lê Thanh Vân: Đó cũng là một phương pháp. Việc đưa cán bộ vào quy hoạch, tuyển chọn cán bộ trong quy hoạch và bố trí sau quy hoạch phải có cách thức, phương pháp để thực hiện. Cách thức, phương pháp điển hình là thi tuyển hoặc sát hạch.
Thời Lê sơ, dưới triều Vua Lê Thánh Tông có chính sách gọi là khảo khóa, định kỳ hàng năm quan chức đều được sát hạch về trình độ học vấn, năng lực thực tiễn, cũng như những kết quả đạt được. Làm quan thì phải có kết quả cụ thể, đưa ra được các giải pháp phù hợp với chính sách quản lý của triều đình, được lòng dân thì sẽ được đánh giá cao. Bên cạnh đó, thời xưa còn có chế độ Bảo cử, tiến cử nhân tài. Một ông quan trước khi nghỉ hưu thì phải “bảo cử” được 1 người và phải đặt sinh mệnh của mình để đảm bảo.
Quay lại với công tác cán bộ hiện nay, chưa có vụ án nào bị đem ra xét xử về những tiêu cực trong công tác cán bộ, chưa có tấm gương răn đe thì ai đó chưa sợ. Tôi nghĩ, tham nhũng kinh tế thì có thể khắc phục được, nhưng mất cán bộ thì thiệt hại vô cùng lớn. Bởi vì bố trí một nhân sự không ngang tầm với nhiệm vụ, cho dù cán bộ đó có đạo đức tốt thì vẫn làm trì trệ bộ máy. Một nhân sự bất tài, thất đức thì phá hủy cả thể chế chính sách, cả nền tảng thi hành pháp luật, văn hóa pháp lý, đạo lý xã hội. Điều này nguy hiểm hơn nhiều so với tham nhũng kinh tế.
Tại sao chúng ta không đem một vụ án điển hình về công tác cán bộ ra xét xử nghiêm khắc để làm gương? Tôi nghĩ, cán bộ được đưa vào diện quy hoạch cần thiết phải đi thực tiễn tại các phiên tòa để thấy tấm gương tày liếp về mặt tham nhũng. Nếu làm được điều này thì không còn cách nào khác là phải lựa chọn đúng người tài, người có đức. Còn nếu cán bộ rơi vào vòng lao lý thì trách nhiệm của người giới thiệu có thể bị truy cứu cho đến lúc họ đã nghỉ hưu. Nếu làm được điều này thì tệ “chạy chức, chạy quyền” sẽ bị ngăn chặn.
Cần đánh giá cán bộ dựa trên tiêu chí định lượng
Giải pháp đưa ra hiện nay vẫn dựa vào tiêu chí định tính là bằng cấp, chỉ số tín nhiệm thì những người không đủ điều kiện sẽ tìm đủ cách để mua bằng cấp hay mượn bằng của người khác, thậm chí mạo danh; hay có những vị đưa vợ con, người nhà, huyết thống, đệ tử, mua bán chức vụ quyền hạn. Cần có biện pháp xử thật nghiêm khắc để ngăn chặn việc này.
Còn giải pháp được coi là “vượt rào”, đó là đưa ra những tiêu thức cụ thể, tổ chức sát hạch, người nào không vượt qua được được thì tự giác nhường chỗ cho người khác. Trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần công ty AVG, bị cáo Nguyễn Bắc Son khi đứng trước tòa đã nói “không biết”, đến mức thẩm phán đã phải bức xúc nói: “Các bị cáo đều là Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng thành viên mà cứ trả lời là không biết. Không biết thì làm Bộ trưởng làm gì?". Dù phát ngôn không đúng chỗ, nhưng câu nói của vị thẩm phán là thực trạng xã hội, ông ấy nói những xúc xúc của xã hội, của người dân.
Có nghĩa, kẽ hở trong công tác nhân sự vẫn còn nhiều. Làm sao đưa ra được giới hạn buộc cán bộ phải vượt qua. Ví dụ, đưa ra một quy định với chức vụ Bộ trưởng thì phải có một chương trình hành động. Định kỳ 6 tháng, 1 năm và cả nhiệm kỳ, Bộ trưởng đã làm được những gì và phải đưa ra được lộ trình để giải quyết. Nếu thấy tất cả điều kiện này đều khả thi thì Quốc hội phê chuẩn cán bộ làm Bộ trưởng. 6 tháng sau, cơ quan phê chuẩn, bầu ra nhân sự đó giám sát chặt chẽ, kiểm tra lịch trình mà cán bộ cam kết, nếu thấy không làm được thì một là cán bộ tự giác rút về cho người khác thay thế; hai là cán bộ sẽ bị xử lý vì đã vi phạm hợp đồng.
Những quan chức trong bộ máy là những người trực tiếp sử dụng pháp luật thì phải tinh thông luật pháp ở lĩnh vực phụ trách. Cán bộ trúng tuyển cũng phải cam kết trong nhiệm kỳ sẽ làm được những gì, đồng thời cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra chặt chẽ thì tin chắc rằng nạn “chạy chức, chạy quyền” tự nó mất đi. Lúc đó người hiền tài đường hoàng xuất thế, còn lại trách nhiệm của cả hệ thống là phải tiến cử nhân tài, nếu không “lưỡi gươm” pháp luật rơi vào đầu anh bất cứ lúc nào.
Gắn trách nhiệm cá nhân trong việc giới thiệu cán bộ
PV: Trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, theo ông làm thế nào để không đưa vào cấp ủy những người “chạy chức, chạy quyền”, dùng bằng giả, không đủ tài năng, đạo đức?
Ông Lê Thanh Vân: Phải đề cao trách nhiệm cá nhân, không chỉ là người đứng đầu mà cả những người giới thiệu, bảo đảm nhân sự đó. Nếu anh không cam kết giới thiệu, giới thiệu xong thì buông cho tập thể, sau đó để cho cán bộ đi vận động ngầm nhằm hợp thức hóa bằng đa số thì rất nguy hiểm. Cho nên trách nhiệm tập thể phải gắn với trách nhiệm cá nhân. Ai là người giới thiệu, đề cử đầu tiên thì phải có cam kết bằng văn bản không chỉ với cấp ủy cùng cấp mà với cả cấp ủy cấp trên. Nếu như sau này, nhân sự được giới thiệu không xứng đáng, bị kỷ luật hay vướng vòng lao lý thì người giới thiệu phải chịu trách nhiệm.
Quy trình bỏ phiếu cũng phải chặt chẽ, chia làm 2 phần, 1 phần là cuống phiếu, 1 phần là phiếu bầu. Dấu là do cơ quan thứ 3 (cơ quan cấp trên) đóng. Bỏ phiếu xong thì lá phiếu lưu ở cơ quan tổ chức, còn cuống phiếu lưu ở cơ quan kiểm tra cấp trên thì sẽ không đánh tráo được.
PV: Xin cảm ơn ông./.