Vi phạm trong đào tạo lái xe: Cần xử lý nghiêm vì mạng sống!

Hơn 63.000 học viên là những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự 'Giả mạo trong công tác, Đưa hối lộ và Nhận hối lộ', xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn là một con số báo động.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án hình sự “Giả mạo trong công tác, Đưa hối lộ và Nhận hối lộ”, xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn (địa chỉ: 205C Phạm Văn Thuận, Phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) trực thuộc Công ty TNHH Phát triển giáo dục và dạy nghề 3T, Thành phố Hồ Chí Minh và một số đơn vị, địa phương liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 16/QĐ-CSKT-P10 ngày 27/4/2023, Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 26/QĐ-CSKT-P10 ngày 26/12/2023.

Sai phạm trong quá trình đào tạo, sát hạch lái xe

Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 4 năm 2023, Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn đã lập 935 hồ sơ đăng ký đào tạo lái xe và được Sở Giao thông vận tải Đồng Nai xác nhận việc đào tạo đối với 63.458 học viên.

Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn dạy lý thuyết, thực hành không đúng quy định, giao cho các cá nhân ngoài xã hội không có chức năng tự đào tạo lái xe và hợp thức hóa hồ sơ người học là do Trung tâm đào tạo. Đáng chú ý, Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn đã cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho 39.021 học viên trái quy định.

Căn cứ kết quả điều tra, tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, ngày 26/12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ"; Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với Hồ Đình Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn về tội "Đưa hối lộ”.

Liên quan tới vụ án hình sự “Giả mạo trong công tác, Đưa hối lộ và Nhận hối lộ”, xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn, cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 04 bị can, gồm:

(1) Bùi Đình Thỏa, nguyên Phó Giám đốc, phụ trách Phòng Đào tạo Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn về tội "Đưa hối lộ";

(2) Nguyễn Thị Mỹ Nhân, Phó trưởng Phòng;

(3) Nguyễn Nhân Cường, Chuyên viên Phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai về tội "Nhận hối lộ";

(4) Đặng Thái Hân, nguyên Phó Giám đốc phát triển thị trường Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn; Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư giáo dục nghề nghiệp K27.

Được biết, các bị can liên quan tới vụ án hình sự đã bị khởi tố về tội "Giả mạo trong công tác" quy định tại các Điều 364, 354 và 359 Bộ luật hình sự năm 2015, do có hành vi đưa, nhận tiền để bỏ qua sai phạm trong quá trình đào tạo, sát hạch lái xe xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho người học lái xe.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định 63.458 học viên nêu trên là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Danh sách người học lái xe có liên quan cũng được cơ quan công an niêm yết tại đây.

Vi phạm trong đào tạo lái xe, tác hại không nhỏ cho an toàn giao thông

Trong thời gian qua, các vụ việc vi phạm trong đào tạo lái xe xảy ra đang là vấn đề nhức nhối tại nhiều địa phương. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, thông qua thanh tra, kiểm tra định kỳ, chuyên đề cũng như nắm bắt thông tin từ dư luận xã hội, qua kiểm tra toàn diện thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý đào tạo lái xe, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực.

Thực tế, hầu hết người học lái xe đều có thể dễ dàng tìm kiếm các cơ hội "trao đổi" bằng cấp mà không cần tham gia học một cách đầy đủ tại các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, các đơn vị có chức năng đào tạo cũng tỏ ra buông lỏng, lơ là trong quy trình giảng dạy, từ việc giảm thời gian học lý thuyết đến rút ngắn giờ thực hành.

Đặc biệt, tình trạng gian lận trong thi sát hạch lái xe diễn ra phổ biến, từ việc "chạy" điểm lý thuyết đến làm giả giấy tờ để qua mặt các cơ quan chức năng. Những hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tạo ra những tài xế không đủ tiêu chuẩn điều khiển các phương tiện cơ giới. Hậu quả của nó thật khó lường!

Trước thực trạng vi phạm an toàn giao thông có nguy cơ ngày càng tăng, việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh và nâng cao chất lượng đào tạo là yêu cầu cấp bách để đảm bảo an toàn mạng sống cho mỗi công dân và an toàn cho xã hội.

Việc một cơ sở dạy nghề lái xe dạy lý thuyết và thực hành không đúng quy định có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Chưa nói tới việc trang bị kiến thức chính xác hay không, chỉ cần thời gian thực hành không đầy đủ cũng có thể không đảm bảo lái xe.

Người học cần được trang bị đầy đủ kiến thức về luật giao thông và kỹ năng lái xe an toàn, nếu không, tài xế có thể thiếu hiểu biết, hiểu sai hoặc thực hành không thành thạo khi tham gia giao thông, dễ gây tai nạn. Những trường hợp lái xe "thiếu hiểu biết" không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người lái mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác.

Một vụ án chỉ nhìn vào con số đã tạo ra sự hoang mang, lo lắng cho cộng đồng xã hội. Những hành vi vi phạm cần được xử lý nghiêm minh để lấy lại niềm tin của mỗi người dân vào chất lượng đào tạo và hệ thống cấp giấy phép lái xe hiện tại. Hi vọng, với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng cùng các biện pháp can thiệp và xử lý kịp thời sẽ giúp đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao chất lượng đào tạo lái xe,các cơ sở đào tạo và cả học viên đều tuân thủ đúng những quy định của pháp luật trong hoạt động đào tạo lái xe thời gian tới.

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/vi-pham-trong-dao-tao-lai-xe-can-xu-ly-nghiem-vi-mang-song-179240816165711593.htm