Vi phạm trong khai thác khoáng sản vẫn tăng
Tình trạng vi phạm trong khai thác khoáng sản (KS) đang diễn ra khá phổ biến, chủ yếu là khai thác vượt công suất, khai thác không phép. Điều này đã ảnh hưởng đến đời sống người dân và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Tỉnh trung du, miền núi Phú Thọ, là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, đa dạng như: vàng, nước khoáng nóng, Caolin-Fenspat, quặng sắt, mi ca, đá làm vật liệu xây dựng, cát, sỏi… Tuy nhiên, các điểm mỏ nằm phân tán chủ yếu ở khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa, trữ lượng nhỏ, chất lượng thấp, cho nên gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, dẫn đến tình trạng khai thác KS trái phép vẫn diễn ra, gây thất thoát nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, khiến dư luận bất bình.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Hậu cho rằng, một số đơn vị, doanh nghiệp khai thác, chế biến, kinh doanh KS chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Một số công ty khai thác cam kết đầu tư công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị, nhưng thực tế vẫn chế biến thô, gây lãng phí tài nguyên. Đáng lo ngại, do đặc thù địa bàn giáp ranh nên hoạt động khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông Lô, Hồng, Đà, Chảy giữa các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình, Yên Bái khá phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng những vị trí giáp ranh để khai thác trái phép, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng nêu trên, UBND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, thăm dò, vận chuyển và sử dụng cát, sỏi với các tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình, Yên Bái có chung địa giới hành chính. UBND tỉnh cũng phê duyệt phương án bảo vệ KS chưa khai thác trên địa bàn; phê duyệt khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác KS. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động khai thác KS trái phép cát, sỏi trên các tuyến sông Lô, Hồng, Đà, Bứa… Nhờ vậy, tình hình khai thác tài nguyên, KS trên địa bàn tỉnh dần ổn định; tình trạng khai thác trộm, trái phép cơ bản được ngăn chặn và xử lý nghiêm...
Phó Tổng cục trưởng Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ TN và MT Lại Hồng Thanh cho biết: Sau khi Luật KS (năm 2010) có hiệu lực, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược KS đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó có nêu rõ việc thăm dò, khai thác KS phải gắn với chế biến, sử dụng phù hợp với tiềm năng của từng loại KS và nhu cầu của các ngành kinh tế. Tính đến nay cả nước có khoảng 3.000 tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đang thăm dò, khai thác KS theo hơn 4.000 giấy phép do cơ quan T.Ư và các địa phương cấp…
Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác KS tại nhiều địa phương vẫn gia tăng. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng tiến hành 902 cuộc thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử phạt 798 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền phạt hơn 56 tỷ đồng. Vi phạm chủ yếu là khai thác KS khi giấy phép hết hạn, hoặc không giấy phép, khai thác vượt công suất cho phép, khai thác ngoài phạm vi được cấp phép… Đáng chú ý, vẫn có 33% số tỉnh, thành phố còn để xảy ra tình trạng xây dựng các bãi tập kết, trung chuyển cát, sỏi dọc bờ sông không có giấy phép xây dựng; 33% số tỉnh, thành phố có quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng KS có các loại KS không thuộc thẩm quyền cấp phép, chưa được Bộ TN và MT khoanh định và công bố khu vực phân tán, nhỏ lẻ.
Đáng chú ý, việc xử lý tại một số địa phương chưa kiên quyết, chưa đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe; một số văn bản pháp luật quy định về xử phạt chưa phù hợp với thực tế hiện nay. Thí dụ, theo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử lý hành vi khai thác cát, sỏi trái phép, chỉ tịch thu phương tiện nếu khai thác trái phép từ 50 m3 trở lên. Lợi dụng quy định này, các đối tượng thường đóng phương tiện dưới 50 m3 để trốn việc, xử lý của cơ quan chức năng…
Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác KS, Bộ TN và MT đẩy mạnh việc phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng, ban hành quy chế phối hợp và thực hiện tốt quy chế phối hợp trong quản lý KS, nhất là đối với cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh là địa giới hành chính. Thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý theo quy định nhất là đối với hành vi gian lận, khai báo sai sản lượng KS khai thác thực tế, gây tổn thất lớn KS, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động khai thác KS trái phép (nhất là đối với khai thác cát, sỏi lòng sông) kéo dài mà không xử lý...
Giám đốc Sở TN và MT tỉnh Ninh Thuận, Bùi Anh Tuấn chia sẻ: Bộ TN và MT xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp được thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác KS theo từng quý (nộp 4 lần/năm). Đến hết ngày 31- 12 hằng năm mà doanh nghiệp chưa nộp hết thì xử lý vi phạm đối với hành vi nộp chậm tiền theo quy định, nhằm giảm áp lực về tài chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời góp phần thu đúng, thu đủ nguồn thu này. Mặt khác, cần sớm có hướng dẫn cụ thể việc hỗ trợ địa phương và người dân có KS được khai thác theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật KS quy định cụ thể các công việc, hạng mục công trình mà doanh nghiệp phải hỗ trợ người dân trên địa bàn…