Vi phạm tu bổ, tôn tạo tại chùa Đậu: Trẻ hóa di tích hơn 2.000 tuổi

Di tích quốc gia chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội) được xây dựng vào thế kỷ thứ III sau công nguyên (cách đây hơn 2.000 năm) được phong tặng là 'Đệ nhất đại danh lam', hiện còn lưu giữ dáng dấp nghệ thuật kiến trúc hưng thịnh thời Lê (thế kỷ XVII).

Chùa Đậu là một trong 4 ngôi chùa thờ tứ pháp (mây, mưa, sấm, chớp) lớn nhất miền Bắc, sở hữu hai pho tượng toàn thân hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường, nổi danh trong và ngoài nước. Nhưng với những công trình tu bổ và xây mới cạnh di tích cổ đã biến ngôi chùa hơn 2.000 tuổi bị trẻ hóa, mất đi nét thâm trầm vốn có.

Khập khiễng mới cũ
Bước chân đến chùa Đậu, du khách sẽ choáng ngợp với vẻ hoành tráng, bề thế và mới mẻ so với hình ảnh rêu phong trước đây. Lối đi chính bước vào Tam quan đã được quay lại, bịt kín bằng những lớp tôn, cọc. Tường gạch bao trọn không gian rộng lớn của chùa. Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, chiều 8/4, một đoàn du khách từ trung tâm TP Hà Nội về tham quan di tích, quen với lối đi trước đây đã ngỡ ngàng tìm đường.

 Hình ảnh Tam quan thuộc di tích chùa Đậu sau khi tu bổ. Ảnh: Linh Anh

Hình ảnh Tam quan thuộc di tích chùa Đậu sau khi tu bổ. Ảnh: Linh Anh

Bước đến Tam quan, du khách còn ngỡ ngàng hơn khi hạng mục này được khoác lên mình một tấm áo mới bằng màu sơn bóng loáng. Như nhận xét của các chuyên gia di sản trong nhóm Đình làng Việt, màu sơn xám đã làm phá hỏng di tích.

Chưa kể, độ cong, mái xèo võng… trong từng họa tiết của Tam quan không được như xưa, làm mất đi hồn của di tích. Theo thông tin từ Phòng VH&TT huyện Thường Tín, Tam quan, gác chuông được tiến hành tu bổ từ năm 2018. Vì tránh nấm mốc nên đơn vị tu bổ chọn loại sơn chống ẩm, chỉ cần vài năm sơn sẽ ngả rêu phong. Hiện nay, đơn vị tu bổ đang tiếp tục tu bổ hạng mục nhà Hữu mạc, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2021.
Bà Minh Hạnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ: “So với 20 năm trước, khi lần đầu tôi về thăm, chùa Đậu bây giờ to hơn. Nhiều công trình mới quá, tôi nhìn mãi không nhận ra”. Hình ảnh mới mẻ của chùa không chỉ ở các công trình được làm mới trong quá trình tu bổ, mà nhiều công trình được cấy thêm.

Cụ thể là Tháp quan âm, Bảo tháp mạn đà la, Thủy đình di lặc là những công trình bê tông hoành tráng nằm cạnh là chùa Am – một trong những hạng mục cổ kính của chùa Đậu. Ba kiến trúc nổi này được kết nối bằng một cây cầu bằng bê tông với hai điểm tiếp giáp tới khu vực được gọi là vườn thiền. Chưa hết, phía bên mạn trái của chùa, ngay sát lối vào nhà Tổ cũng xuất hiện một công trình mới có kết cấu khung thép, rộng hàng trăm mét được lợp ngói ta, đó là giảng đường thuyết pháp.
Câu hỏi dư luận đặt ra là tại sao ngôi chùa hơn 2.000 tuổi, cách trung tâm Thủ đô hơn 20km, khoác lên mình vẻ đẹp kiến trúc tiêu biểu thời Lê, trầm mặc, cổ kính lại được làm mới suốt nhiều năm nay mà chưa có sự chấn chỉnh, xử lý vi phạm?
Xây dựng là quyền của sư trụ trì?
Theo tiết lộ của một vãi có mặt tại chùa chiều 8/4, các công trình mới này được nhà chùa kêu gọi tấm lòng hảo tâm, công đức xây dựng trong vòng hơn 2 năm nay. Mục đích nhà chùa muốn du khách đến viếng thăm được thưởng ngoạn khung cảnh sạch đẹp, có chỗ nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, theo GS Trần Lâm Biền: “Chùa mà khang trang, bịt kín cổng tường thì không còn là chùa của dân”. Ngoài ra, qua tìm hiểu xác nhận thông tin từ chính quyền địa phương, ngoài công trình Tam quan, nhà Hữu mạc được phép tu bổ, các công trình tường bao, Bảo tháp mạn đà la, giảng đường… đều xây dựng mà chưa được phép của cơ quan quản lý.
Về những công trình vi phạm xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích chùa Đậu, ngày 5/4, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thế Cương đã ký văn bản số 791/SVHTT-QLDT nêu rõ: Ngày 19/3/2021, đại diện Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội tham gia cùng Hội đồng đánh giá di tích bao gồm các phòng chuyên môn thuộc huyện Thường Tín cùng trụ trì thực hiện việc đánh giá cấu kiện sau hạ giải hạng mục Hữu mạc di tích chùa Đậu. Qua kiểm tra cho thấy, khu sân vườn bên phải đường vào chùa đã làm đường vào di tích và có biển chỉ dẫn khu vực bãi để xe; đường vào phía trước hạng mục Tam quan gác chuông phía trước Tam bảo đã bị quây tôn bịt kín lối đi cũ, khu vực phía trước chùa.

Đặc biệt, vị trí lối đi phía sau bên trái khu vực nhà Tổ có xây dựng thêm một hạng mục cổng quy mô khá lớn. Khu vực phía sau hành lang gần với am thờ bên trái Tam bảo có xây một công trình, kết cấu cột tôn cuốn tròn, vì kèo sắt, mái lợp ngói tây. Sở VH&TT Hà Nội đề nghị UBND huyện Thường Tín chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND xã Nguyễn Trãi khẩn trương rà soát, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về di tích lịch sử văn hóa, báo cáo trước ngày 15/4 để Sở tổng hợp, báo cáo UBND TP và Bộ VHTT&DL theo quy định.
Sau những văn bản chỉ đạo này, các cơ quan quản lý sẽ vào cuộc kiểm tra, xử lý. Nhưng câu hỏi đặt ra là vụ việc sẽ được xử lý thế nào, hay nhắc nhở rồi lại cho qua? Sau khi những hình ảnh làm mới chùa Đậu được đăng tải trên các diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng không tu bổ thì di tích xuống cấp, hỏng nát nhưng tu bổ không đúng thì còn mất hoàn toàn. Giữ di sản theo cách như chùa Đậu có phải có tội với di sản của cha ông?

"Di tích chùa Đậu là di sản quốc gia, đặc biệt giá trị. Trải qua nhiều đợt trùng tu nhưng di tích vẫn giữ được những giá trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử vô giá. Vì vậy, bất cứ một hành vi tu bổ nào được thực hiện tùy tiện, không đúng nguyên tắc và quy định pháp luật đều không thể chấp nhận và phải xử lý nghiêm khắc." - Nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Trương Minh Tiến

Linh Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vi-pham-tu-bo-ton-tao-tai-chua-dau-tre-hoa-di-tich-hon-2000-tuoi-415726.html