Vì quyền lợi của người tham gia bảo hiểm

Hoạt động với phương châm vì sự hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội, trong những năm gần đây, ngành Bảo hiểm xã hội đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm chính sách. Nhờ đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội không ngừng tăng lên; quyền lợi của người tham gia ngày càng được bảo đảm tốt hơn.

Cán bộ bộ phận “một cửa” Bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp lại thẻ bảo hiểm y tế.

Nhiều giải pháp thu hút người tham gia

Đến Bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân vào một ngày đầu tháng 10-2020 để chốt đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, chị Nguyễn Ánh Tuyết, cán bộ phụ trách công tác nhân sự Công ty cổ phần Phát triển Việt Cà phê cho hay: “Mọi giao dịch giữa doanh nghiệp với cơ quan Bảo hiểm xã hội đều được thực hiện qua hồ sơ điện tử, chúng tôi đến giao dịch trực tiếp chỉ để xác nhận đã hoàn thành. Sự nhanh gọn, tiện lợi này giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian, hạn chế nhầm lẫn, sai sót”.

Không may bị mất thẻ bảo hiểm y tế, bà Lê Thị Vân, tổ dân phố 7, phường Láng Hạ (quận Đống Đa) đến xin cấp lại thẻ tại Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa ngày 23-10 vừa qua. Chỉ sau khoảng 10 phút, bà Vân nhận được tấm thẻ mới.

Để tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm xã hội thực hiện các giao dịch nhanh chóng, thuận tiện, Bảo hiểm xã hội Hà Nội còn ứng dụng rộng rãi giao dịch điện tử, đơn giản hóa thủ tục. Nhờ đó, số thủ tục hành chính đã giảm từ 115 thủ tục vào cuối năm 2014 xuống còn 28 thủ tục năm 2020; số giờ thực hiện các thủ tục cho người dân và doanh nghiệp cũng giảm từ 335 giờ vào cuối năm 2014 xuống còn hơn 40 giờ vào năm 2020. Trong giai đoạn này, số đơn vị, doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử tăng từ 61% lên 98,25%...

Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, hằng tháng, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đều lấy phiếu khảo sát mức độ hài lòng tại bộ phận “một cửa” các cơ quan Bảo hiểm xã hội. “Nếu như năm 2017, chỉ số hài lòng của các tổ chức, cá nhân đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội đạt 86,71%, thì đến nay, chỉ số này đã tăng lên 90,38%”, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa thông tin.

Cùng với Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, Bảo hiểm xã hội của các địa phương khác cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, giảm thủ tục hành chính trong giao dịch với người dân, doanh nghiệp; tích cực tuyên truyền, vận động để tăng diện bao phủ, mở rộng đối tượng tham gia.

Sau 5 năm, số lượng thủ tục hành chính do ngành Bảo hiểm xã hội quản lý đã giảm hơn 70%; tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của cả nước đã tăng từ 70,2 triệu người vào năm 2015 lên 86,4 triệu người vào năm 2020.

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, do kinh tế suy giảm trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong năm 2020, ngành Bảo hiểm xã hội đã gặp phải một số khó khăn. Tính đến hết tháng 9-2020, một số chỉ tiêu phát triển chưa đạt được như kỳ vọng, như: Chỉ có 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (mục tiêu năm 2020 là 35%); số lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 26,2% (mục tiêu năm 2020 là 29,2%)… Đặc biệt, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lên tới 9.900 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước tình hình đó, từ tháng 9-2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tại hơn 700 đơn vị, xử lý vi phạm hành chính 22 đơn vị. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra quý IV-2020; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, hoàn thiện hồ sơ kiến nghị cơ quan công an khởi tố đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Nguyễn Đức Thuật cho hay, trong 3 tháng cuối năm, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện ít nhất 100 cuộc thanh tra liên ngành, do Thanh tra thành phố chủ trì; phối hợp với Công an thành phố tổ chức 50 cuộc kiểm tra, đôn đốc nợ. Song song đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ đẩy mạnh kiểm tra chuyên ngành tại các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định: “Ngành Bảo hiểm xã hội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm chính sách. Nhờ đó, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng được bảo đảm tốt hơn”.

Vũ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/981971/vi-quyen-loi-cua-nguoi-tham-gia-bao-hiem