Vì sao Ấn Độ chưa áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc bất chấp dịch bệnh hoành hành?
Nhiều chuyên gia cho rằng đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa áp dụng lệnh phong tỏa toàn bộ là có lý do.
Ấn Độ vẫn đang oằn mình trong làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai, với gần 23 triệu ca mắc COVID-19 và hàng trăm nghìn người tử vong kể từ đầu đại dịch. Đứng trước thực trạng thảm khốc hơn làn sóng đầu tiên song chính quyền Thủ tướng Narendra Modi vẫn chưa đưa ra quyết định phong tỏa toàn quốc như tháng 3 năm ngoái. Nhiều chuyên gia cho rằng đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Ấn Độ chưa áp dụng lệnh phong tỏa toàn bộ là có lý do.
Theo ABC News, Thủ tướng Modi thể hiện quan điểm rõ ràng rằng Ấn Độ sẽ không áp dụng một lệnh phong tỏa toàn quốc bất chấp các lời kêu gọi. Trong bài phát biểu phát sóng trên truyền hình vào tháng 4, Thủ tướng Modi cho rằng chính quyền các bang nên cân nhắc coi lệnh phong tỏa như “giải pháp cuối cùng”.
Hiện chỉ một số bang áp dụng lệnh phong tỏa, trong khi một số bang khác triển khai lệnh giới nghiêm một phần.
“Từ bài học năm ngoái, việc phong tỏa toàn bộ quốc gia sẽ là một thách thức”, Itika Sharma Punit – biên tập tờ Quartz Ấn Độ - nhận định. Cô cho biết những thiệt hại nặng nề mà lệnh phong tỏa ngăn chặn COVID-19 tại Ấn Độ vào năm ngoái gây ra đối với nền kinh tế nước này là một trong những nguyên nhân chính khiến chính phủ Ấn Độ chần chừ trong việc lặp lại hành động.
“Lệnh phong tỏa toàn quốc năm 2020 được coi là lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay. Mọi thứ đều đóng cửa, hoạt động sản xuất thì buộc phải dừng, doanh thu cũng đứng chững. Nền kinh tế Ấn Độ trong năm ngoái về cơ bản là rơi vào suy thoái”, Punit cho hay.
Bên cạnh đó, lao động nhập cư từ các tỉnh tại Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong tình trạng phong tỏa lúc đó. “Các nhà máy đóng cửa, công trình xây dựng cũng vậy. Nhiều người bất ngờ không có thu nhập để chăm sóc gia đình”, Punit chỉ ra thêm lý do khiến Ấn Độ chưa áp dụng phong tỏa toàn quốc.
Chủ tịch Hội Sức khỏe Cộng đồng Ấn Độ (PHFI) Srinath Reddy cho hay việc Thủ tướng Modi đã đúng đắn khi không tái phong tỏa toàn quốc vẫn còn đang là một chủ đề gây tranh cãi. “Một số bang cảm thấy rằng họ vẫn có thể đối phó với dịch bệnh mà không cần phong tỏa toàn bộ. Mỗi bang sẽ có một cách xử lý khác nhau vì họ đang ở giai đoạn khác nhau trong làn sóng dịch bệnh thứ hai. Cần có một chiến lược phối hợp tổng thể trên toàn quốc với diễn biến khác nhau tại từng bang”, Giáo sư Reddy phân tích.
Theo nhà nghiên cứu kiêm nhà phân tích chính trị Manisha Priyam, lệnh phong tỏa toàn quốc chỉ đạt hiệu quả khi Ấn Độ có thể đảm bảo hệ thống y tế hỗ trợ cho bệnh nhân. Bà cho hay thực trạng tại Ấn Độ thảm khốc đến mức một lệnh phong tỏa toàn quốc lúc này cũng sẽ vô ích. Thay vào đó, chính phủ cần một giải giáp phong tỏa cấp bang đối với những khu vực điểm nóng.
“Chính phủ quốc gia cần đóng vai trò hỗ trợ, trước tiên và quan trọng nhất là cung cấp oxy cho các bang và quản lý việc phân phối oxy”, chuyên gia Priyam nhấn mạnh.
“Chúng ta cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch nghiêm ngặt trên toàn quốc. Không cho phép đám đông tụ tập tại những điểm công cộng, thậm chí ngay trong văn phòng và nơi làm việc. Nếu như áp dụng lệnh phong tỏa, tôi nghĩ mọi người sẽ tuân thủ luật hơn nhưng chuyện gì xảy ra sau đó thì chúng ta lại không lường trường được”, Giáo sư Reddy kết luận.
Chỉ tính riêng trong tuần trước, Ấn Độ đã ghi nhận ít nhất 1,5 triệu ca mắc COVID-19 mới. Hệ thống chăm sóc y tế nước này đang căng mình trước tình trạng thiếu hụt giường bệnh và oxy y tế. Đứng trước tình cảnh trên, Thủ tướng Modi kêu gọi các bang duy trì và đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng để ngăn chặn virus lây lan.