Vì sao Âu châu lạnh nhạt dù Trung Quốc muốn thắt chặt quan hệ?
Khi Trung Quốc càng cố thắt chặt mối quan hệ với Châu Âu, Bắc Kinh lại càng 'chưng hửng' trước thái độ lạnh nhạt của khối này.
Tháng 9/2020, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Czech Milos Vystrcil “sẽ phải trả giá đắt” vì thăm Đài Loan.
Những cảnh báo hung hăng như thế này vốn quen thuộc trong cách ứng xử của Trung Quốc với Mỹ. Song, khi dùng với châu Âu, Trung Quốc đã nhận lại phản ứng gay gắt.
"Ông nên cảm thấy xấu hổ", nhà lập pháp Pavel Novotny, quận trưởng quận Reporyje ở Praha, viết trong thư. Ông Novotny chỉ trích Bộ Ngoại giao Trung Quốc hành xử "thiếu suy nghĩ, thô lỗ" và yêu cầu được xin lỗi vì lời cảnh báo.
Sự lạnh nhạt của châu Âu
Trong khi căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc đẩy mạnh tiếp cận châu Âu. Các nhà ngoại giao liên tục được Bắc Kinh phái đến châu Âu trong thời gian gần đây.
Theo nhà bình luận Andreas Kluth từ Bloomberg, mục tiêu bao trùm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khu vực là ngăn Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ liên kết lại để chống Bắc Kinh. Ông hy vọng sẽ đạt được đột phá tại một hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo EU diễn ra vào ngày 14/9.
Do tác động từ đại dịch COVID-19, cuộc họp đã được chuyển sang thành họp trực tuyến. Chủ tịch Tập Cận Bình đã cử Ngoại trưởng Vương Nghị tới 5 nước châu Âu để tiến hành một số cuộc trao đổi nhằm chuẩn bị cho hội nghị này. Tuy nhiên chuyến thăm càng làm lộ rõ những “va chạm” chủ trương khó dung hòa của hai bên.
Ông Vương Nghị liên tục đưa ra những phát ngôn gây tranh cãi. Tại Na Uy, ông cảnh báo không trao giải Nobel Hòa bình cho người biểu tình Hong Kong, đe dọa có thể đẩy quan hệ song phương vào tình trạng đóng băng sâu sắc.
Tại Rome, Paris và Berlin, ông phải đối mặt với nhiều câu hỏi về luật an ninh mới ở Hong Kong. Ông Vương đáp lại rằng Hong Kong là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không cần nước khác thảo luận, tương tự vấn đề Tân Cương.
Có lẽ trước đó Ngoại trưởng Trung Quốc không ngờ được châu Âu lại không còn duy trì tông giọng mềm mỏng quen thuộc.
Không chỉ từng nước riêng lẻ, nhiều nước châu Âu cùng “nhập cuộc” thể hiện quan điểm cứng rắn trước Trung Quốc. Nhưng có thể thấy, châu Âu lạnh nhạt vì muốn giữ tiêu chuẩn đối tác của mình, chặt chẽ trong việc tìm các nguồn đầu tư chứ không quan hệ dễ dãi.
Trong những năm qua, nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Đức, vì những lý do thương mại đã tạm "nhắm mắt làm ngơ" khi Trung Quốc lợi dụng cơ chế thị trường mở của châu Âu và "bắt nạt" các nước láng giềng châu Á song hiện nay, điều này đã chấm dứt.
Hội nghị Thượng đỉnh ngày 14/9 tới ban đầu được tổ chức với mục tiêu cải thiện quan hệ đầu tư giữa EU và Trung Quốc nhưng sau nhiều năm đàm phán, EU đã quá "mệt mỏi" khi Bắc Kinh không có bất kỳ nhượng bộ nào. Thay vì tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư của Trung Quốc, EU bắt đầu hạn chế việc này.
Cách ngoại giao “chiến lang” Trung Quốc thực hiện – với việc các nhà ngoại giao công khai chỉ trích, đấu khẩu gay gắt với các đối thủ trên mọi mặt trận – đã không còn hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Theo một cuộc khảo sát do Hội đồng Đối ngoại Châu Âu công bố, chỉ 7% người châu Âu tin rằng Trung Quốc là đồng minh hữu ích trong cuộc chiến chống đại dịch; 62% có cái nhìn tiêu cực về nước này.
Châu Âu muốn đa cực, Trung Quốc muốn đơn cực
Đối với châu Âu, mục tiêu của khối là duy trì một thể thức tự trị trong một thế giới đang ngày càng chịu sự chi phối của hai siêu cường hàng đầu thế giới.
Khi thể hiện sự không hài lòng với Bắc Kinh về hàng loạt các vấn đề, các nhà ngoại giao châu Âu đồng thời khẳng định không muốn “nghiêng” về bên nào trong cạnh tranh Mỹ - Trung.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 14/9 cho biết EU cam kết tuân thủ nguyên tắc hợp tác đa phương. Bà nói rằng châu Âu cởi mở trong giao dịch với Trung Quốc, bất chấp những khác biệt chính trị đang ngày càng phủ bóng lên chương trình nghị sự kinh tế.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại muốn “lôi kéo” các bên về phía mình.
Sai lầm của Trung Quốc trong chính sách với EU đã bắt đầu từ năm 2012 khi Bắc Kinh quyết định thành lập cơ chế 16+1 cùng với các nước Trung và Đông Âu (CEE), trong đó bao gồm cả các quốc gia là thành viên và không là thành viên của EU. Quyết định của Trung Quốc đã vấp phải sự hoài nghi từ Brussels và mỗi bước đi của Bắc Kinh tại khu vực CEE đều khiến EU lo ngại sự chia rẽ trong khu vực ngày càng gia tăng.
Năm 2019, Trung Quốc thuyết phục Itaty, một nước của EU tham gia vào Sáng kiến vành đai và con đường BRI, bất chấp sự chỉ trích từ phía Brussels, Berlin và Paris. Tham vọng của Trung Quốc ở châu Âu đã đi xa hơn với “mục tiêu” tiếp theo là Hy Lạp. Trong Hội nghị Thượng đỉnh 16+1 được tổ chức ở Croatia, Trung Quốc và các nước CEE hoan nghênh sự tham gia của Hy Lạp, đồng thời biến diễn đàn này thành cơ chế 17+1.
Khi Italy và Hy Lạp tham gia vào các sáng kiến của Trung Quốc, các nước thành viên EU đã công khai gọi Bắc Kinh là "kẻ thù có hệ thống" đang "cố gắng chia rẽ chúng ta" theo như lời của Tổng thống Pháp Macron.
Dù vậy, so với Mỹ, châu Âu vẫn có những giới hạn trong việc đối phó với Trung Quốc. Trong khi mục đích của Mỹ là "tách rời" khỏi nền kinh tế Trung Quốc thì châu Âu chỉ muốn "đa dạng hóa" mối quan hệ này.
Điều đó lý giải tại sao một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức vẫn ngần ngại quyết định việc liệu có nên cấm tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia vào mạng lưới 5G hay không. Điều đó cũng giải thích tại sao Pháp, với sự ủng hộ từ Đức và các nước khác, đang nỗ lực duy trì toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và thịnh vượng.
Châu Âu nhận ra rằng họ không đủ khả năng để giám sát quyền lực của Trung Quốc ở tất cả mọi nơi trên thế giới bởi châu Âu cũng phải tìm kiếm cơ hội hợp tác với Bắc Kinh nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu từ biến đổi khí hậu cho tới đại dịch Covid-19.
Nhưng trên hết, châu Âu hy vọng cuộc đối đầu Mỹ - Trung sẽ không biến thành một cuộc chiến tranh nóng buộc EU phải chọn bên.