Vì sao Bắc Âu có nhiều doanh nghiệp lớn?
Các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan chỉ chiếm 1% GDP của thế giới và 0,3% dân số toàn cầu nhưng lại sở hữu những doanh nghiệp lớn, tên tuổi lừng danh khắp năm châu.
Lego của Đan Mạch là hãng đồ chơi có doanh số lớn nhất thế giới. IKEA của Thụy Điển là hãng sản xuất đồ gỗ nội thất cũng lớn nhất thế giới. Bắc Âu là quê hương của nhiều nhà sản xuất hàng đầu, từ máy móc công nghiệp (Atlas Copco); thiết bị viễn thông (Nokia và Ericsson) đến dây an toàn (Autoliv); thang máy (KONE)… Đây cũng là nơi ra đời của dịch vụ nghe nhạc lớn nhất toàn cầu (Spotify); nhà cung cấp dịch vụ mua trước trả sau cũng lớn nhất thế giới (Klarna). Novo Nordisk - hãng dược phẩm Đan Mạch đi tiên phong trong các loại thuốc giảm cân, hiện là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất châu Âu. Carlsberg của Đan Mạch là một trong những hãng bia nổi tiếng trên thế giới.
Ngoài danh tiếng, các công ty Bắc Âu nhìn chung cũng thành công hơn đồng nghiệp ở châu Âu. Theo tờ Economist, các công ty phi tài chính ở bốn nước Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan tạo ra thu nhập cao hơn cho cổ đông so với các công ty châu Âu khác trong 10 năm qua. Các công ty Bắc Âu hiện đang chiếm 13% MSCI Europe, một danh mục các công ty đáng giá nhất châu Âu, tăng từ 10% cách đây năm năm.
Ở quy mô toàn cầu, các công ty Bắc Âu cũng nổi trội hơn. Tờ Economist so sánh 20 công ty niêm yết lớn nhất của Bắc Âu với các đối thủ toàn cầu ở một số lĩnh vực, nhìn chung các công ty này có biên lợi nhuận cao hơn bình quân toàn cầu đến 7 điểm phần trăm vào năm 2023. Lợi nhuận trên đồng vốn đầu tư cũng cao hơn 5 điểm phần trăm. Nợ trong tương quan với lợi nhuận hoạt động (trước khấu hao) là thấp hơn cho 14 trong số 20 công ty khi so sánh với các đối thủ. Trong khi đó mức độ tăng trưởng doanh số hàng năm lại tương đương với các công ty toàn cầu khác.
Dĩ nhiên không phải công ty Bắc Âu nào cũng thành công, điển hình như bài học thịnh suy của hãng Nokia (Phần Lan) do không cạnh tranh nổi với iPhone và Samsung. Hay Northvolt là hãng chế tạo pin vừa mới tuyên bố phá sản. Thứ nữa, các công ty Bắc Âu có một lợi thế rõ nét so với đối thủ: vùng Bắc Âu giàu tài nguyên thiên nhiên, từ gỗ, quặng sắt và đặc biệt ở Na Uy là dầu khí. Tuy nhiên yếu tố tài nguyên không thể giải thích sự thành công của nhiều doanh nghiệp Bắc Âu mà phải dựa vào các yếu tố khác.
Yếu tố đầu tiên là óc phiêu lưu mạo hiểm, là tính cách của dân Viking ngày xưa và các thế hệ doanh nhân Bắc Âu ngày nay. Aarup-Andersen, chủ của hãng Carlsberg hiện nay, nói: “Sự nhỏ bé (của đất nước chúng tôi) là một điều may mắn ở chỗ nó biến tầm nhìn quốc tế là điều bắt buộc”. Trong 10 công ty trị giá lớn nhất Bắc Âu, tỷ lệ doanh thu bình quân từ nguồn trong nước chỉ chiếm 2%, so với tỷ lệ 12% của các công ty châu Âu khác và 46% của các công ty Mỹ tương đồng. Pandora, hãng chế tác nữ trang lớn nhất thế giới về doanh số đã từ một cửa hàng duy nhất ở Copenhagen, Đan Mạch thành một công ty toàn cầu chỉ trong vòng bảy, tám năm. Ngày nay doanh thu từ Đan Mạch chỉ chiếm 1% tổng doanh thu của Pandora.
Yếu tố thứ nhì là sự hăm hở trong ứng dụng công nghệ của các công ty Bắc Âu. Số liệu từ cơ quan thống kê Eurostat cho thấy 45% doanh nghiệp ở châu Âu tuyển dụng từ 10 nhân viên trở lên có chi trả cho các dịch vụ điện toán đám mây. Tỷ lệ này ở các công ty Bắc Âu là 73%. Trong lĩnh vực khởi nghiệp, Stockholm thu hút vốn mạo hiểm không thua kém gì các thành phố châu Âu khác như London, Paris hay Berlin mặc dù dân số ít hơn nhiều. Helsinki có rất nhiều doanh nghiệp làm game như Rovio, nhà sản xuất game “Angry Birds” hay Supercell, nơi làm ra game “Clash of Clans”. Doanh nhân Bắc Âu không ngại đối diện với rủi ro vì họ biết nếu thất bại, họ sẽ được chính phủ trợ cấp thất nghiệp trong khi hệ thống bảo hiểm y tế và giáo dục lại rộng khắp.
Yếu tố thứ ba là chính sách của nhà nước đứng đằng sau sự thành công của các công ty Bắc Âu. Mặc dù các nước Bắc Âu có mức thuế thu nhập cá nhân cao để duy trì chính sách an sinh xã hội hào phóng, mức thuế thu nhập doanh nghiệp lại chỉ bằng ở Mỹ. Các nước Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy luôn xếp hạng cao trong chỉ số tự do kinh tế của các nước. Chính phủ Đan Mạch chủ trương số hóa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động dễ dàng, như lấy mã số thuế trong vòng một ngày trong khi ở Pháp phải mất cả tháng.
Các yếu tố khác như sự kiên nhẫn của cổ đông, tìm kiếm lợi ích dài hạn; chú trọng nghiên cứu và phát triển đóng vai trò quan trọng không kém như phát biểu của Niels B. Christiansen, CEO Lego: “Không phải (doanh nghiệp) mạnh nhất sẽ sống sót mà là (doanh nghiệp) biết thích ứng với thay đổi”.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vi-sao-bac-au-co-nhieu-doanh-nghiep-lon/