Vì sao Bắc Kinh thẳng tay trừng phạt 'Uber Trung Quốc'?
Trung Quốc muốn giành lại quyền kiểm soát lượng dữ liệu khách hàng khổng lồ. Didi - công ty thống trị mảng gọi xe - trở thành mối đe dọa lớn đối với Bắc Kinh.
Theo Bloomberg, đối với giới đầu tư toàn cầu, sự cố của Didi Global Inc. đã biến các tập đoàn công nghệ lớn Trung Quốc trở thành những ván cược rủi ro hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách kiểm soát một trong các nguồn tài nguyên giá trị nhất của đất nước. Đó là dữ liệu lớn.
Didi kiểm soát gần như toàn bộ thị trường gọi xe của Trung Quốc và đã có lãi trong quý I/2021. Công ty được SoftBank Group Corp và Tencent Holdings Ltd. rót vốn. Đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Didi trên sàn Mỹ diễn ra hồi tuần trước thành công lớn. Công ty bán được 317 triệu cổ phiếu, nhiều hơn khoảng 10% kế hoạch ban đầu.
Nhưng chỉ vài ngày sau, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi, sau khi phát hiện gã khổng lồ gọi xe thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.
Giành quyền kiểm soát dữ liệu
Yêu cầu của Bắc Kinh được đưa ra chỉ hai ngày sau khi cơ quan quản lý buộc Didi ngừng đăng ký người dùng mới và điều tra công khai đối với các hoạt động an ninh mạng của công ty.
Điều khiến Didi trở nên có giá đối với các nhà đầu tư giờ trở thành mối đe dọa của Bắc Kinh. Công ty nắm giữ lượng dữ liệu lớn từ nửa tỷ người dùng, chủ yếu tại Trung Quốc.
Trong những năm qua, chính quyền Trung Quốc đã tìm cách giành quyền kiểm soát lượng dữ liệu này. Ngoài bảo vệ người tiêu dùng, Bắc Kinh muốn tận dụng nguồn tài nguyên dữ liệu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng, thay vì làm giàu cho một nhóm nhỏ tỷ phú.
Theo nguồn tin của Wall Street Journal, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã đề nghị Didi hoãn IPO từ nhiều tuần trước. Trong một tuyên bố hôm 5/7, công ty khẳng định không biết gì về quyết định của cơ quan quản lý Trung Quốc trước khi IPO.
Bắc Kinh không hài lòng khi những tập đoàn lớn kết thân với cổ đông nước ngoài. Họ muốn các công ty công nghệ giữ tài sản cốt lõi - dữ liệu và thuật toán - ở Trung Quốc
Xiaomeng Lu, nhà phân tích cấp cao tại Eurasia Group
Giống nhiều gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, Didi đã phát triển nhanh một cách tự do. Bắc Kinh hiện tìm cách bịt các lỗ hổng quy định.
Tuy nhiên, Didi đã kịp thời IPO tại Mỹ và thành công vượt qua quy trình phê duyệt nghiêm ngặt của cơ quan giám sát chứng khoán Trung Quốc.
"Bắc Kinh không hài lòng khi những tập đoàn lớn nước này kết thân với cổ đông nước ngoài. Họ muốn các công ty công nghệ giữ tài sản cốt lõi - dữ liệu và thuật toán - ở Trung Quốc", Bloomberg dẫn lời bà Xiaomeng Lu, nhà phân tích cấp cao tại Eurasia Group, giải thích.
Theo một số ước tính, Trung Quốc có thể nắm giữ 1/3 dữ liệu trên thế giới vào năm 2025. Điều đó sẽ mang lại cho đất nước 1,4 tỷ dân lợi thế cạnh tranh lớn trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo.
Chiến dịch kiểm soát các công ty công nghệ của Trung Quốc được đẩy mạnh sau khi nước này phục hồi từ đại dịch và căng thẳng với Mỹ leo thang. Bắc Kinh đã hoãn đợt IPO trị giá 35 tỷ USD của Ant Group Co. tại Thượng Hải và Hong Kong.
Kiểm soát các đại gia công nghệ
Tương tự Didi, Ant cũng thống trị trong lĩnh vực của mình. Chỉ trong vòng 10 năm, công ty đã định hình lại cuộc sống của hàng triệu người dùng Trung Quốc thông qua ứng dụng Alipay và quỹ thị trường tiền tệ Yu'ebao.
Hồi tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ trấn áp mạnh tay những công ty "nền tảng" tích lũy dữ liệu và sức mạnh thị trường. Thuật ngữ này đề cập đến hàng loạt công ty từ Didi, gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan đến công ty thương mại điện tử JD.com Inc.
Cuộc chiến đã giáng đòn mạnh lên lĩnh vực công nghệ. Giá cổ phiếu của Alibaba lao dốc 33% kể từ kỷ lục hồi tháng 10/2020. Tencent chứng kiến cổ phiếu sụt giá 28% so với mức đỉnh tháng 1. Trong khi đó, giá cổ phiếu Didi giảm 11%.
Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất tìm cách kiểm soát các công ty công nghệ lớn. Washington đang tìm cách buộc những tập đoàn như Amazon.com Inc. và Apple Inc. thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh. Google cũng phải đối mặt với cuộc điều tra của Liên minh châu Âu về công nghệ quảng cáo.
"Chúng ta đang bước sang một thời kỳ mới trên toàn cầu. Sự giám sát đối với công nghệ đã gia tăng và sẽ tiếp tục leo thang trong một thời gian", ông Joshua Crabb, Giám đốc Danh mục đầu tư cấp cao của Robeco, bình luận.
Doanh nghiệp Trung Quốc thường muốn huy động vốn trên các sàn chứng khoán Mỹ. Nguyên nhân là nguồn vốn quốc tế lớn và rào cản gia nhập thấp hơn.
Chính quyền Bắc Kinh khó tác động đến quy trình niêm yết của các doanh nghiệp Trung Quốc trên sàn Mỹ. Tuy nhiên, việc gây ảnh hưởng lên hoạt động của doanh nghiệp - tương tự với Didi - là một bước đi táo bạo hơn nhiều. Thông qua đó, giới chức trách Trung Quốc có thể tác động gián tiếp lên thị trường chứng khoán Mỹ.
"Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc đang cố gắng phát huy ảnh hưởng của họ", ông Chucheng Feng, nhà đồng sáng lập công ty nghiên cứu Plenum, bình luận.
"Họ biến Didi thành một bài học cho những công ty muốn niêm yết trên sàn Mỹ trong tương lai", ông nói thêm.