Vì sao bạn và người yêu luôn cãi cọ những vấn đề lặp lại
Việc không ngừng gây gổ vì rắc rối quen thuộc dễ dàng khiến bạn và nửa kia mệt mỏi. Rất có thể, hai bạn chỉ đang tập trung vào bề nổi, thay vì xử lý vấn đề từ gốc rễ.
Với nhiều người, tranh cãi là cách để thêm thấu hiểu đối phương trong tình yêu. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng đắn, nhất là trong trường hợp hai bạn liên tục gây gổ do những vấn đề lặp đi lặp lại.
Thay vì cố tìm ra mấu chốt và cách giải quyết khúc mắc, chúng ta dễ sa vào hơn thua, tranh giành phần thắng. Việc mãi mắc kẹt với nguyên nhân cũ cho thấy hai người chưa thực sự nỗ lực khắc phục rắc rối.
Bên cạnh đó, kiểu cãi nhau này sẽ khiến mối quan hệ căng thẳng, giảm sự hài lòng, tin tưởng cũng như cảm giác an toàn của đôi bên. Nếu tình trạng kéo dài, đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.
Dưới đây là 4 lý do khiến bạn không thể ngừng cự cãi với nửa kia về các vấn đề cũ cũng như cách để thoát khỏi vòng lặp mệt mỏi, theo Psychology Today.
Không giải quyết triệt để vấn đề
Bạn hoặc người yêu thường xuyên nổi giận bởi hành động thường xuyên lặp lại của đối phương.
Hai người không thể ngừng tức giận về chuyện xảy ra vài ngày trước, dù đã đi đến quyết định “đình chiến”.
Nếu thấy trường hợp này quen thuộc, bạn và nửa kia đang gặp khó khăn với quá trình tìm giải pháp hiệu quả. Ngưng cãi cọ hoặc ngó lơ cơn tức giận chỉ là những giải pháp tạm thời.
Hãy ngồi xuống và trao đổi nghiêm túc. Một trong hai sẽ mang tâm trạng xấu, nhưng bạn cần làm thế nếu muốn tiếp tục yêu nhau. Cả hai nên tập trung liệt kê những giải pháp phù hợp, khả thi nhất.
Bên cạnh đó, bạn cần chia sẻ chân thành suy nghĩ và cảm xúc, cũng như mong muốn hóa giải rắc rối. Có thể bạn sẽ phải nhượng bộ, song điều đó xứng đáng nếu phương án của đối phương dễ mang lại hiệu quả hơn.
Ngoài ra, hãy thử hỗ trợ lẫn nhau. Chẳng hạn, khi đối phương thể hiện nỗ lực thay đổi thói bừa bộn, bạn nên dành cho họ vài lời khen hoặc cảm ơn. Chúng sẽ giúp hai người cảm thông cho nhau, tạo động lực để tiếp tục theo đuổi kế hoạch ban đầu.
Quan trọng hơn, nếu vấn đề liên quan đến lạm dụng chất kích thích, bí mật cá nhân hoặc tình dục, cả hai cần tìm đến chuyên gia tâm lý để có sự hỗ trợ chuyên nghiệp.
Tồn tại nhiều mâu thuẫn ẩn mình
Theo một số chuyên gia tâm lý tình yêu, các đôi tình nhân đôi khi không nhận ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc cãi cọ.
Giả sử, bạn buồn bực, thường xuyên to tiếng với nửa kia khi họ không hoàn thành tốt nhiệm vụ lau chùi nhà cửa. Thực tế, bạn đang nổi giận vì đã mất niềm tin dành cho đối phương.
Đôi khi, những cuộc cãi vã lặp lại cho thấy mức độ căng thẳng của hai người về mối quan hệ. Mâu thuẫn sẽ không ngừng gia tăng đến khi ai đó thực sự nỗ lực tìm ra điểm mấu chốt.
Nhằm xác định tính nghiêm trọng của vấn đề, bạn nên đặt một số câu hỏi cho bản thân và người ấy.
Cuộc tranh cãi này khiến tôi lo sợ ra sao?
Khi mọi thứ tạm lắng, tôi thấy nhẹ nhõm hay chỉ càng bất an hơn?
Liệu cảm xúc tiêu cực này có được giải tỏa triệt để, khi chúng ta giải quyết xong việc này?
Quá trình hỏi - đáp sẽ giúp cả hai hiểu rõ hơn về sự việc, cũng như “chỉ mặt gọi tên” những bất đồng tồn tại trong thời gian dài. Nhiều đôi yêu nhau chỉ tập trung giải quyết mâu thuẫn bề nổi mà quên đi phần chìm của tảng băng. Nếu không được nhận ra sớm, vấn đề sẽ liên tục khiến mối quan hệ trở nên mệt mỏi, và đổ vỡ là kết cục khó tránh.
Kỳ vọng quá đà
Đặt kỳ vọng là chuyện bình thường với mọi mối quan hệ. Tuy nhiên, không ít người thừa nhận luôn gặp cùng một rắc rối với mọi đối tượng hẹn hò. Thực tế, rắc rối nằm ở mức độ kỳ vọng cao.
Có thể quy chuẩn này hợp lý với bạn, song chưa chắc người kia có thể đáp ứng tốt. Để giải quyết việc này, trước hết, bạn cần liệt kê những mong muốn dành cho người kia, cũng như mức độ chưa ưng ý của mình.
Hãy cho họ được đánh giá danh sách này, xem đã chúng thực sự hợp lý chưa. Thông qua việc trò chuyện, bạn sẽ biết cách điều chỉnh mức độ kỳ vọng và cảm thông hơn cho đối phương.
Nếu là người bị đặt nhiều kỳ vọng quá đà, bạn nên thẳng thắn nêu quan điểm với nửa kia. Việc cố thay đổi để đáp ứng có thể gây ra nhiều rắc rối, áp lực cũng như khiến cả hai mất cảm giác thoải mái khi yêu
Người yêu thực sự độc hại
Chuyên gia tâm lý Katherine Cullen cho rằng mọi người có xu hướng tìm kiếm “đối tác” hẹn hò theo hình mẫu của người yêu đầu tiên trong đời.
Nếu có trải nghiệm yêu đương với cá nhân tồi tệ, hay bỏ rơi, đổ lỗi hoặc bạo hành, họ sẽ khó thoát khỏi kiểu người này trong tương lai.
Do đó, nhiều cá nhân thừa nhận chỉ bị thu hút bởi đối tượng khiến họ lo âu. Xu hướng này lặp lại xuyên suốt quá trình yêu đương, khiến họ không ngừng tranh cãi về chủ đề tương tự với những người khác nhau. Cảm giác độc hại quen thuộc khiến họ yên tâm, tự ảo tưởng rằng mọi chuyện đang trong tầm kiểm soát.
Tâm lý này còn xuất phát từ nền tảng giáo dục của gia đình. Khi trưởng thành, chúng ta thường vô thức mô phỏng lại tranh cãi giữa bản thân với phụ huynh, hoặc giữa bố và mẹ. Điều này phần nào giúp giải tỏa áp lực tuổi thơ, song lại nhanh chóng phá hủy mối quan hệ hiện tại.
Trong trường hợp này, bạn nên bình tĩnh soi xét mọi vấn đề. Những cuộc chiến không hồi kết này đã xuất hiện trong bao nhiêu mối tình? Nguyên nhân thực sự nằm ở đối phương, hay liên quan đến nỗi sợ thầm kín của bạn?
Nếu bạn vẫn khủng hoảng vì ký ức tuổi thơ, đừng ngần ngại tìm đến chuyên gia tâm lý để được lắng nghe, hỗ trợ tìm lối ra. Việc chần chừ, thoái thác chỉ khiến cá nhân tuyệt vọng hơn trong quá trình xây dựng hạnh phúc riêng.