Vì sao bảo vệ rừng ở Quảng Bình bỏ việc hàng loạt?

Không chỉ lương thấp, lại còn bị nợ lương nhiều tháng liền, cộng với áp lực bảo vệ rừng ngày một tăng cao… khiến hàng loạt lao động bảo vệ rừng tại Quảng Bình bỏ việc.

Lực lượng bảo vệ rừng luôn đối mặt với hiểm nguy rình rập

Lực lượng bảo vệ rừng luôn đối mặt với hiểm nguy rình rập

Áp lực lớn

Quảng Bình luôn tự hào là địa phương đứng thứ 2 của cả nước về diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ tốt, với hơn 450.000ha. Tuy nhiên, những năm gần đây lực lượng bảo vệ rừng, nhiều nhất là ở các lâm trường quốc doanh đồng loạt bỏ việc, để lại hàng loạt khoảng trống cho những cánh rừng, trước nạn cháy mùa khô và sự nhòm ngó của lâm tặc.

Ông Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy cho biết: “Toàn huyện có 105.000ha rừng, trong đó có 65.000ha rừng tự nhiên. Kiểm lâm toàn Hạt có 32 nhân sự, trong đó bộ phận lãnh đạo và hành chính chiếm hết 14 người, còn lại 18 người trực tiếp phụ trách rừng. Bình quân mỗi kiểm lâm viên ở đây phụ trách 5.800ha rừng. Cực kỳ áp lực, không cách nào có thể đi bộ hết diện tích rừng như thế trong năm”.

Còn theo ông Ngô Hữu Thành, Giám đốc Lâm trường Khe Giữa, thộc Cty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại cho biết: “Lâm trường Khe Giữa có diện tích rừng tự nhiên 28.000ha. Chúng tôi từng có gần 40 bảo vệ rừng nhưng hiện chỉ còn 24 người, nên giữ rừng rất khó khăn vì người ít, quá mỏng để đi hết các vùng rừng. Hiện một người phải làm việc bằng hai, bằng ba nên áp lực lên anh em rất lớn”.

Trong khi đó tại lâm trường Trường Sơn, nơi nổi tiếng còn nhiều rừng giàu thì lực lượng từ 40 bảo vệ rừng đã nghỉ việc còn 27 người. Theo thống kê tại Cty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại, mỗi bảo vệ rừng ở đây phụ trách hơn 1.000ha rừng, quá căng thẳng với trách nhiệm. Từ chỗ toàn Cty có 150 người nay chỉ còn 72 người, giảm gần một nữa. Các ban quản lý rừng phòng hộ như Động Châu, hay Cty lâm nghiệp Bắc Quảng Bình… cũng có báo cáo lao động bảo vệ rừng nghỉ việc hàng loạt.

Thu nhập thấp

Nguyên nhân đầu tiên được các cơ quan chức năng đề cập tới việc bảo vệ rừng nghỉ việc hàng loạt, ngoài áp lực công việc thì sát sườn nhất vẫn là thu nhập. Việc trả lương cho bảo vệ rừng tùy thuộc vào từng lâm trường mà không có mức nhất định, có nơi chỉ từ 2,5 triệu đồng/tháng, cao nhất cũng chỉ trên 5 triệu đồng/tháng.

Ông Ngô Hữu Thành, Giám đốc Lâm trường Khe Giữa cho biết: “Cùng trong hệ thống của Cty TNHH MTV nhưng có lâm trường trả lương cho bảo vệ rừng 2,5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này không đủ cho người nhận lương trang trải một mình, chứ nói gì đến nuôi vợ, nuôi con. Với Lâm trường Khe Giữa, may mắn có trồng rừng sản xuất nên tôi vận dụng để anh em có thu nhập 5.100.000 đồng mỗi tháng, nhưng bảo vệ rừng vẫn nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động nước ngoài chứ ở rừng họ nói quá cực”.

Một bảo vệ rừng tại Lâm trường Trường Sơn tiết lộ: “Lương bị nợ đến 5 tháng nên nhiều anh em nản và nghỉ việc. Đến tháng 3/2019 mới trả hết lương của năm 2018. Năm 2019 đã qua tháng 8 nhưng lâm trường mới trả lương tháng 4 cho chúng tôi”.

Vì sao lại xảy ra tình trạng thu nhập thấp và nợ lương kéo dài đối với bảo vệ rừng? Một lãnh đạo lâm trường cho biết: Lương của bảo vệ rừng trước đây chủ yếu lấy từ nguồn khai thác rừng. Nhưng từ khi Chính phủ đóng cửa rừng, nguồn thu chủ yếu từ khai thác rừng không còn khiến các lâm trường khó khăn về tài chính. Hiện nguồn để trả lương cho bảo vệ rừng chủ yếu từ việc trồng rừng và bảo vệ rừng, nên gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Bình cho biết: Áp lực với bảo vệ rừng là quá lớn, họ luôn đối mặt với hiểm nguy rình rập giữa rừng xanh, núi thẳm. Không chỉ lực lượng bảo vệ rừng ở các lâm trường mà ngay lực lượng chính quy như kiểm lâm cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài lực lượng mỏng, thì cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đang hết sức thiếu thốn và lạc hậu; địa bàn làm việc chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn. Một số đơn vị, một kiểm lâm viên phụ trách từ 2-3 xã có rừng. Cùng đó là tình hình chống người thi hành công vụ ngày càng phức tạp khiến anh em cũng dao động.

Ông Thái cho rằng, để thu hút lực lượng bảo vệ rừng thì Nhà nước cần có chính sách đặc thù, chuyển đổi các lâm trường có rừng tự nhiên sang ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để có đầu tư, chi trả bài bản. Tăng lương cho lực lượng bảo vệ rừng, không nên nợ lương dàn trải khiến người lao động chán nản. Ngoài ra cần có sắc luật đóng thuế tài nguyên rừng để hỗ trợ thu nhập cho người giữ rừng.

Hiện HĐND tỉnh Quảng Bình đã có nghị quyết trích mỗi mét khối nước sinh hoạt 52 đồng cho lực lượng bảo vệ rừng, nhưng số tiền trích ra này còn quá ít nên vẫn chưa níu chân người bảo vệ rừng ở lại.

Một bảo vệ rừng tại Lâm trường Trường Sơn tiết lộ: “Lương bị nợ đến 5 tháng nên nhiều anh em nản và nghỉ việc. Đến tháng 3/2019 mới trả hết lương của năm 2018. Năm 2019 đã qua tháng 8 nhưng lâm trường mới trả lương tháng 4 cho chúng tôi”.

Hoàng Nam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/vi-sao-bao-ve-rung-o-quang-binh-bo-viec-hang-loat-1450025.tpo