Vì sao bệnh nhân người Indonesia 'lúc âm lúc dương' với COVID-19?
Người đàn ông Indonesia có 2 kết quả xét nghiệm 'dương tính nhẹ' với COVID-19, nhưng xét nghiệm lần 3 tại Viện Pasteur TPHCM cho kết quả âm tính. Nguyên nhân do đâu?
Ngày 2/7, Bộ Y tế đã chính thức thông tin về trường hợp người Indonesia AJI (31 tuổi) nghi mắc COVID-19. Theo đó, kết quả xét nghiệm khẳng định tại Viện Pasteur TPHCM với ông AJI và toàn bộ 145 người có tiếp xúc đều cho kết quả âm tính với COCID-19.
Trong khi trước đó, ngày 1/7, hai bệnh viện ở TPHCM (đều được Bộ Y tế cho phép) đã xét nghiệm cho ông AJI đều cho ra kết quả dương tính. Kết quả này gây lo lắng khi ông AJI đến Việt Nam từ tháng 3/2020 và sinh sống, làm việc ở Bình Dương cho đến nay, nên nguồn lây ở đâu, nhiễm bệnh từ lúc nào... là vấn đề khiến dư luận hoang mang.
Thông tin từ Bệnh viện FV cho biết, bệnh nhân trên đã đến khám tại một phòng khám ở Quận 2 (TPHCM) nhưng do nơi này không đủ điều kiện xét nghiệm COVID-19, nên phòng khám đã lấy mẫu và chuyển mẫu sang Bệnh viện FV (đơn vị được Bộ Y tế cấp phép xét nghiệm COVID-19) để làm xét nghiệm vào sáng 3/6.
Đến 18h cùng ngày, sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính nhẹ, Bệnh viện FV đã báo kết quả cho phòng khám gửi mẫu, đồng thời thông tin cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) và Sở Y tế TPHCM theo đúng quy trình của Bộ Y tế để thực hiện xét nghiệm kiểm tra chéo.
Kết quả xét nghiệm tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trên cùng mẫu bệnh phẩm này cũng cho kết quả “dương tính” tương tự.
Cũng trên bệnh nhân này, Viện Pasteur TPHCM đã tiến hành lấy một mẫu bệnh phẩm khác để chạy xét nghiệm và được kết quả là “âm tính”.
Kết quả âm tính của bệnh nhân này là một tin vui, tuy nhiên xét thấy việc kết quả xét nghiệm ban đầu từ dương tính nhẹ chuyển sang âm tính sẽ làm phát sinh các câu hỏi vì sao lại có sự thay đổi này?
Những xét nghiệm về huyết thanh học cho thấy, mẫu máu của bệnh nhân trên dương tính kháng thể lớp IgG (được hiểu là đã từng bị bệnh) và ÂM TÍNH với kháng thể lớp IgM (dùng xác định đợt nhiễm trùng cấp). Kết hợp với các mẫu xét nghiệm phát hiện gene N, Gene RdRp và không thấy gene E. Điều này có thể kết luận đây là một ca đã bị bệnh từ trước đó, và nay không còn hoạt tính của virus. Hay nói cách khác là đã khỏi bệnh.
Đây cũng giải thích vì sao tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới có hiện tượng xét nghiệm PCR tái “dương tính” của các ca bệnh sau khi đã hoàn thành điều trị COVID -19 thành công. Những ca này không gọi là tái nhiễm hay tái phát bệnh.
Khi sự bùng phát một bệnh dịch đã đi qua, với sự xuất hiện của nhiều ca bệnh “đã khỏi” trong cộng đồng thì xét nghiệm PCR dương tính không hoàn toàn có nghĩa là chúng ta có một người bệnh thực sự có khả năng lây cho cộng đồng.
Trong bối cảnh nuôi cấy virus cực kỳ khó khăn và tốn kém, thì xét nghiệm huyết thanh như viện Pasteur đã thực hiện trong ca này để biện luận chẩn đoán một ca “dương tính” với xét nghiệm PCR là việc cần thiết và được khuyến cáo, giúp giảm thiểu những gánh nặng y tế cho việc cách ly, điều tra dịch tễ và xét nghiệm đại trà PCR cho những người tiếp xúc. Cũng như tránh sự hiểu nhầm gây hoang mang trong dư luận như trường hợp kể trên.