Vì sao bệnh viện Bạch Mai xin ngừng tự chủ toàn diện?
Tháng 5/2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ về thí điểm tự chủ toàn diện. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, bệnh viện Bạch Mai đã xin dừng và chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60 do bộc lộ một số khó khăn.
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối trong công tác điều trị. Sau 2 năm, bệnh viện đã hoàn thành giai đoạn thí điểm tự chủ và có báo cáo trình Bộ Y tế và Chính phủ kết quả của việc thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện và đề xuất xin dừng tự chủ toàn diện. Trong giai đoạn sắp tới, Bệnh viện Bạch Mai đề xuất chuyển đổi thực hiện theo Nghị định 60 ban hành năm 2021 (nhóm 2) của Chính phủ, tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên.
Theo PGS. TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, quá trình thí điểm tự chủ toàn diện cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn.
Đầu tiên là các văn bản pháp quy chưa đầy đủ và chặt chẽ để cho bệnh viện thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện.
Thứ hai, nếu thực hiện cơ chế tự chủ, nguồn tài chính là một trong yếu tố quyết định hoàn thành mục tiêu của Đề án tự chủ toàn diện. Bệnh viện thực hiện thí điểm trong thời gian dịch bệnh hoành hành, cả bệnh viện tập trung vào công tác phòng chống dịch và hỗ trợ các đơn vị khác trong cả nước. Trong 2 năm, số bệnh nhân điều trị đến Bệnh viện Bạch Mai chỉ còn bằng 1/3 so với thời điểm bình thường, có giai đoạn chỉ bằng 1/5. Với số lượng bệnh nhân như vậy sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu chi của bệnh viện.
Tiếp đó, trong 15 năm qua, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện xã hội hóa y tế, đến 80% trang thiết bị vật tư là máy liên doanh, liên kết, máy đặt, máy mượn. Trong thời gian qua, nhiều máy móc, trang thiết bị phải dừng hoạt động do liên quan đến vấn đề pháp lý, nên thiếu trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh cho người dân; các khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm cũng dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế… phục vụ người bệnh.
Một vấn đề nữa là giá thu của bệnh viện. Tuy được giao tự chủ toàn diện, nhưng bệnh viện vẫn phải tuân thủ quy định về giá viện phí. Hơn 90% người dân đến khám ở Bạch Mai là bệnh nhân có BHYT, giá thu của Bạch Mai là giá thu của BHYT. Tuy nhiên, mức giá này đã lạc hậu, lỗi thời, (mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí) dẫn đến thu không đủ bù chi. "Do vậy nguồn doanh thu về tài chính chắc chắn sẽ không đảm bảo cho vấn đề chi thường xuyên, chứ không nói đến chi cho đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hay đào tạo nhân lực. Đây cũng là vấn đề rất khó khăn." - PGS. TS Đào Xuân Cơ chia sẻ.
"Nếu như Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện như vậy, thì tôi e rằng nguồn lực tài chính với cách làm như hiện tại sẽ không đảm bảo để lấy thu bù chi." - lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai trăn trở.
Vấn đề thứ tư là công tác đào tạo nhân lực. Bạch Mai là một bệnh viện tuyến cuối đa khoa hạng đặc biệt, bệnh nhân chuyển đến từ các tuyến khắp miền Bắc. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng phải đảm bảo cho đào tạo, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho tuyến dưới. Nếu tự chủ toàn diện thì kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ này cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
"Nếu bệnh viện lấy thu bù chi, thu đúng thu đủ trong công tác đào tạo thì rất khó cho các đồng nghiệp của chúng tôi từ vùng sâu vùng xa đến đây để học nếu phải đóng một khoản học phí. Tôi e rằng nhiều đồng nghiệp không có cơ hội được học tập, đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ tại Bệnh viện Bạch Mai. Mà đây cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng bên cạnh vấn đề điều trị cho người bệnh." - PGS Đào Xuân Cơ chia sẻ.
Bà Đoàn Thu Trà, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Đời sống của cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai trong 2 năm qua khá vất vả, có những người chỉ thu nhập 5 triệu, có những điều dưỡng phải bán hàng online thêm để trang trải cuộc sống, nhiều bác sĩ phải chạy grap buổi tối".
Cũng theo bà Trà, nhiều tháng nay y bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai phải đi làm từ 5-6h sáng để kịp thăm khám cho người bệnh. Thế nhưng cả đêm trực chỉ có thù lao 115.000 đồng, rất vất vả, áp lực không chỉ về chăm sóc người bệnh mà còn bị cả áp lực bạo hành từ người nhà người bệnh. Nhiều y bác sĩ làm việc và trực 24/24h, sáng hôm sau vẫn sẵn sàng đi chỉ đạo tuyến cho tuyến dưới.
Do đó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng đề xuất chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước. "Nếu tự chủ chắc chắn phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo"- ông Cơ nói.
Ngày 19/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật thuộc Bộ Y tế là Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức và Bệnh viện K với thời gian thực hiện là 2 năm.
Mục đích tự chủ toàn diện là để các bệnh viện chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các trung tâm kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nhân. Mục đích của tự chủ toàn diện nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; tiếp tục phát huy truyền thống, uy tín của các bệnh viện; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài...
Tuy nhiên chỉ có 2/4 bệnh viện thực hiện theo mô hình tự chủ toàn diện là Bệnh viên Bạch Mai và Bệnh viện K, nhưng đến nay cả 2 bệnh viện này đều đề xuất xin dừng thí điểm và thay đổi mô hình tự chủ toàn diện sang thực hiện theo Nghị định 60.
Trà My
Đài PTTH Hà Nội